Ngày 5/5, một số người tụ tập ở Washington DC kêu gọi chính phủ Mỹ từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 (Ảnh: AFP)
WHO tuần trước đã phê duyệt vaccine Sinopharm do Trung Quốc sản xuất để sử dụng trong chương trình COVAX. Tuy nhiên, động thái này sẽ không mang lại nhiều hiệu quả vì Trung Quốc, với khoảng 1,4 tỷ dân, vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu vaccine trong nước của họ so với Mỹ.
“Tăng cường sản xuất vaccine không chỉ bằng việc từ bỏ bảo hộ quyền sáng chế vaccine. Sẽ cần một nỗ lực phối hợp để chuyển giao công nghệ cho những nước còn lại trên thế giới”, Richard Besser, người từng là quyền giám đốc của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh dưới thời Tổng thống Barack Obama nói.
Tiến sĩ Besser cũng tán thành việc gửi vaccine sản xuất tại Mỹ ra nước ngoài với số lượng lớn. “Chúng tôi nhận thấy lượng vaccine các bang sử dụng đang giảm, điều đó khiến tôi nghĩ rằng có thể cung cấp vaccine Pfizer, Moderna hoặc Johnson & Johnson cho những nơi khác”, ông Besser nói.
Việc sản xuất đủ vaccine chỉ là một phần của những điều cần thiết để ngăn chặn dịch Covid-19. CARE, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, ước tính rằng chi phí trung bình để phân phối hiệu quả vaccine cao gấp 5 lần so với việc sản xuất vaccine. Ngay cả ở những quốc gia đã nhận được số lượng vaccine lớn, nhiều liều vaccine vẫn chưa được sử dụng vì thiếu cơ sở hạ tầng phân phối và thiếu các chuyên gia y tế để tiêm chủng cho người dân.
Tại Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, các vấn đề sản xuất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp cận vaccine. Cho đến nay, chưa đến 3% dân số Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ.
Tiến sĩ Leana Wen nói rằng, việc nới lỏng các hạn chế về bản quyền vaccine sẽ không giải quyết được vấn đề cốt lõi của nguyên liệu thô, cụ thể là nhu cầu sản xuất nhiều tác nhân hóa học được sử dụng để sản xuất vaccine. “Dựa trên hiểu biết của tôi, hạn chế chính là nguyên liệu thô và khả năng sản xuất, vì vậy tôi không hiểu việc nới lỏng các hạn chế về bản quyền vaccine sẽ khắc phục những vấn đề này như thế nào. Những điểm bế tắc chính chúng ta đang thấy hiện tại không phải là về bảo hộ quyền sáng chế đối với vaccine Covid-19”, bà Wen nói.
Nhiều chuyên gia lập luận rằng, khoản đầu tư 4 tỷ USD của chính quyền ông Biden vào chương trình COVAX, bao gồm 2 tỷ USD cam kết chi trong năm nay và 2 tỷ USD cam kết chi cho năm 2022, cũng đóng vai trò quan trọng như việc ủng hộ từ bỏ bảo hộ quyền sáng chế vaccine.
Tiến sĩ Saad Omer nói rằng, chính quyền ông Biden nên sử dụng cam kết của mình để gây áp lực buộc các nước giàu khác tham gia ở mức tương xứng, với mục tiêu đầu tư khoảng 20 tỷ USD vào nỗ lực phân phối vaccine trên toàn cầu.
“Đối với một chương trình tiếp cận vaccine toàn cầu nhắm mục tiêu vào 50-70% người dân trên thế giới, sẽ cần khoảng 20 tỷ USD”, ông Omer nói.
Theo Tiến sĩ Omer, cộng đồng y tế toàn cầu đang chạy đua với thời gian. “Thời điểm để tham gia cuộc chiến với dịch bệnh một cách nghiêm túc ở cường độ cao là vào tháng 6/2020. Chúng ta đã chậm trễ. Chúng ta cần phải có chiến lược”, ông Omer nói.
Link gốc: https://kenh14.vn/bo-bao-ho-quyen-sang-che-vaccine-my-se-giup-the-gioi-thoat-khoi-dai-dich-covid-19-20210511210049997.chn?fbclid=IwAR1e1n6NNqfDIbBHT3kaLmhvRPO7bS2OxzplcaJaJB009BCjCTA-ZgH-Ar4
Theo ttvn.vn