Bố chồng nhà người ta: Chăm con dâu ở cữ khéo hơn cả phụ nữ

Bên cạnh những câu chuyện “kể xấu” hay “cơm không lành canh không ngọt”, thì còn có rất nhiều bố chồng “vàng mười” giống như trong những câu chuyện chúng tôi kể dưới đây.

Mối quan hệ giữa con dâu và gia đình chồng luôn là chuyện muôn thuở. Người ta cũng thường dành nhiều lời khen đến những cô con dâu có số hưởng được mẹ chồng chăm sóc, quan tâm mà đôi lúc cũng quên đi hình ảnh "bố chồng".

Bên cạnh những câu chuyện “kể xấu” hay “cơm không lành canh không ngọt”, thì còn có rất nhiều bố chồng “vàng mười” giống như trong những câu chuyện chúng tôi kể dưới đây.

Bố chồng “vàng mười”

Thường xuyên chia sẻ những dòng cảm xúc biết ơn, cũng như cảm động vì có bố chồng tuyệt vời lên trang cá nhân, câu chuyện của chị Nguyễn Như Mai (Hà Nội) đã khiến nhiều người phải trầm trồ, ghen tị.

Chị Như Mai chia sẻ: “Mới đầu về làm dâu, tôi rất bỡ ngỡ vì lo sợ không hòa hợp với gia đình chồng, đặc biệt là bố mẹ chồng. Đem lo lắng bày tỏ với chồng, anh cười động viên tôi rằng, bố mẹ rất tâm lí, cứ sống thoải mái như hồi còn ở nhà mình.

Đúng như chồng nói, sống chung dưới một mái nhà, tôi nhận ra, mình lo lắng thái quá vì bố mẹ chồng tôi thực sự rất thoải mái, dễ tính và thương các con hết mực”.

Với một nàng dâu khi mới về nhà chồng việc họ lo lắng nhất chính là phải làm sao hòa nhập thật tốt với gia đình chồng. Đặc biệt trong cách  nấu ăn, ứng xử, nhưng với chị Mai, điều chị trăn trở nhất lại chính là “phụ lòng tin của bố mẹ chồng”.

“Bố mẹ chồng tôi ai cũng nấu ăn ngon. Những ngày tôi mới về làm dâu, bố tôi luôn là người vào bếp để nấu ăn cho cả gia đình. Ông vẫn gọi tôi vào và chỉ bảo cách nấu từng món thế nào cho đảm bảo dinh dưỡng, rồi mẹ chồng thì cùng tôi đi chợ, hướng dẫn cho tôi cách chọn rau củ quả, đồ biển...

Chính sự cởi mở của bố mẹ chồng khiến tôi cảm thấy làm dâu không khó khăn và áp lực như đã tưởng”, chị Mai chia sẻ.


Chị Mai hạnh phúc khi được bố chồng quan tâm

Có lẽ, nhiều cô gái trẻ xem việc sống chung với bố mẹ chồng là nỗi ám ảnh, nhưng với chị Mai, đây lại là phước phần mà chị được “hưởng”. Bởi, khi có bố mẹ chồng ở cạnh, vợ chồng chị được ông bà hỗ trợ rất nhiều trong công việc nhà, chăm sóc con cái cũng như kinh nghiệm sống.

Chị Mai cho biết: “Bố chồng tôi là cán bộ về hưu nên làm cái gì cũng rất nhanh và nguyên tắc. Từ ngày chúng tôi cưới nhau tới nay, bố mẹ chồng luôn giữ nếp dậy rất sớm. Đặc biệt là bố chồng, sáng nào cũng 5h là ông thức giấc để đi tập thể dục, xong rồi về dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua thức ăn.

Ông nói rau củ quả và thịt thà phải đi chợ sớm mới tươi và ngon. Bố dạy tôi cách chọn thực phẩm tốt như: Mùng tơi thì con nên mua ngọn nhỏ ăn không bị nhớt;...".

Bố chồng chị Mai luôn là người chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà, hôm thì gói xôi, khi thì nấu mì, nấu cháo, hay rang cơm.

“Tôi sức khỏe yếu lại “kén” ăn nên bố thường ưu ái hơn. Ông thường động viên con dâu bằng cách thay đổi các món ăn sáng. Hôm thì ông mua xôi, hôm mua bánh mỳ, hôm quả trứng vịt lộn... Có hôm sáng sớm đã được ăn món cơm thơm phức bố rang. Nói thật, mới đầu, được bố quan tâm quá, tôi không quen lắm.

Nhiều lần tôi bảo: “Bố cứ để chúng con làm”, nhưng bố đều gạt đi: “Các con đi làm vất vả rồi, việc nhà cứ để bố mẹ chia sẻ, coi như tập thể dục thôi”. Nghe bố nói thế, tôi càng thương bố nhiều hơn. Cũng vì bố lúc nào cũng vì mọi người nên tôi đặt biệt danh cho ông là “Ba đảm đang”...”, chị Mai kể.

Giờ đây, sau 9 năm hôn nhân, có 2 cậu con trai kháu khỉnh, chị Mai đã quá quen với cảnh người bố tần tảo sớm hôm vì con cái.

“Thực sự, những điều bố chồng làm cho tôi, khiến tôi rất cảm động. Ngày xưa khi sống cùng bố mẹ đẻ, tôi ốm, mẹ đẻ là người chăm sóc cho tôi. Nhưng từ ngày về nhà chồng, mỗi lần tôi ốm, bố chồng lại là người quan tâm, thương tôi nhất.

Chính bố là người đi chợ cầu kỳ nấu những món ngon mà tôi thích, dặn dò tôi nên ăn uống đúng giờ để không bị sút cân. Tôi đi làm cách nhà khoảng 3km, nhưng vì bố nấu ăn ngon, nên trưa nào tôi cũng tranh thủ về dùng cơm cùng bố mẹ.

Bữa cơm chỉ có bố mẹ chồng-nàng dâu nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Tôi cũng quen với nếp ăn cơm có bố mẹ, nên chỉ có lúc nào quá bận thì mới không về ăn cơm trưa”, chị Mai chia sẻ.

Giữ gìn sợi dây kết nối

Khi được hỏi về bí quyết để được bố chồng yêu thương, chị Mai cười: “Nói bí quyết để được bố mẹ chồng yêu thương thì tôi không có. Nhưng tôi nghĩ, tùy vào cách ứng xử của mỗi người.

Khi ta yêu thương bố mẹ thật lòng, chân thành và không có ý niệm về “bố anh, mẹ tôi...”, thì mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều. Tôi làm dâu 9 năm nay, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đó là bố mẹ của chồng mà là “bố mẹ của chúng ta”.

Từ đó, tôi luôn tự nhủ phải hết lòng vun vén cho gia đình nhà chồng. Khi bố nằm viện vì mổ thoát vị bẹn, tôi dặn chồng cứ yên tâm công tác để mình tôi lo liệu chăm sóc cho bố”.


Bác Nguyễn Tri Khanh- bố chồng chị Mai

Ngoài ra, chị Mai luôn quan tâm tới sở thích của bố mẹ chồng. Chị sắm cho ông bà từ đôi giày, quần áo, thực phẩm bồi bổ sức khỏe... Với mẹ chồng, chị Mai và mẹ thân thiết như hai người bạn. Cuối tuần, vợ chồng chị lại cùng bố mẹ chồng đưa các con các cháu ra ngoài vui chơi, ăn uống.

Bất kỳ việc lớn gì trong gia đình, vợ chồng chị đều xin ý kiến của bố mẹ. Với anh chị, bố mẹ là những người đi trước, nên chắc chắn ông bà luôn có những phương án tốt nhất. Và đây cũng là cách để giữ gìn sợi dây kết nối trong gia đình.

“Không phải công việc gì chúng ta làm cũng tốt và suôn sẻ, khi có ý kiến của những người lớn, quan trọng trong gia đình như bố mẹ, dường như mọi việc sẽ ổn hơn rất nhiều.

Cũng có những việc, bố mẹ không hài lòng, nhưng ông bà không bao giờ nổi nóng cáu gắt chúng tôi mà bình tĩnh phân tích, chỉ bảo và đưa ra phương án tháo gỡ hợp lý nhất”, chị Mai chia sẻ.

Hiểu được sự quan tâm của bố mẹ chồng, chị Mai luôn cố gắng, nỗ lực trong cuộc sống cũng như công việc để bố mẹ chồng được vui.

Thi thoảng vào những dịp lễ Tết hoặc đi chơi đâu xa, ngoài việc chọn quà cho chồng con, chị Mai luôn tìm hiểu để mua được những món quà bố mẹ chồng thích. Với chị, việc tặng quà không chỉ thể hiện sự quan tâm mà còn là cách để chị bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng đối với đấng sinh thành.

Chị tâm sự: “Món quà dù giá trị không nhiều, nhưng nếu mình biết chọn mua những thứ thiết thực, phù hợp với sở thích của người già, chắc chắn họ sẽ rất thích và hài lòng.

Sống với bố mẹ chồng bao năm nay, tôi luôn cố gắng tìm hiểu sở thích, cũng như thói quen của bố mẹ và có những món quà thiết thực nhất. Bố mẹ chồng tôi khá bất ngờ, nhưng rất vui vẻ mỗi khi nhận được quà của con dâu”.

Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, anh Nguyễn Thành Được (Hà Nội) chồng chị Mai chia sẻ: “Thực sự tôi rất vui vì bố mẹ chồng-nàng dâu hòa hợp. Đặc biệt, bố tôi rất thương các con và quý nàng dâu. Vợ chồng tôi hiểu điều này và luôn cố gắng làm bố mẹ vui lòng. Với tôi, Mai là người vợ hiền thảo, là niềm hạnh phúc trong gia đình chúng tôi”.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU