Bố mẹ đừng chủ quan khi con bị rong kinh tuổi dậy thì

(lamchame.vn) - Rong kinh tuổi dậy thì thường hay xảy ra ở lứa tuổi dậy thì khi con gái mới xuất hiện kinh nguyệt sau khoảng một vài năm. Rong kinh xảy ra khi kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày do nguyên nhân rối loạn điều hòa hoóc môn ở vùng dưới đồi - tuyến yên và từ đó ảnh hưởng đến hoóc môn của buồng trứng do cơ thể đang ở giai đoạn trưởng thành.

Cần tư vấn bác sĩ sớm

Tôn Nữ Cẩm Linh (17 tuổi) đang là học sinh lớp 11 tại Hà Nội. Linh cao 1.62 cm nặng 54 kg đã có kinh nguyệt từ năm 14 tuổi. Thời kỳ đầu thì cứ khoảng 2 đến 3 tháng cháu mới có một lần cho đến đến năm 17 tuổi thì đều đặn và trong vòng 4 ngày là hết. Nhưng trong 3 tháng gần đây, thời kì “đèn đỏ” của Linh kéo dài đến ngày thứ 10 vẫn chưa dứt. Lo lắng quá, em mới cho mẹ biết. Mẹ đưa Linh tới bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám phụ khoa để tìm ra nguyên nhân. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định Linh mắc chứng rong kinh, đây là hiện tượng phổ biến ở lứa tuổi dậy thì. Tuy nhiên, các em thường bỏ qua và “chịu đựng” chờ đợi hiện tượng này tự qua đi chứ không báo với người lớn.

Nỗi lo của tuổi mới lớn

Đối với lứa tuổi vị thành niên như Linh (giai đoạn từ 11 đến 19 tuổi), đa phần buồng trứng chưa hoàn thiện nên việc sản xuất hóc môn cũng như buồng trứng phóng noãn (còn gọi là rụng trứng) chưa đều nên dẫn đến chu kỳ kinh chưa ổn định. Nếu vòng kinh không có trứng rụng thì máu kinh thường có màu đỏ tươi - điều này hay xảy ra ở thời kỳ đầu mới hành kinh của các bạn nữ. Khi buồng trứng hoàn thiện và hàng tháng có trứng rụng kinh nguyệt sẽ chuyển sang màu sẫm, có lẫn mảnh vụn đó chính là niêm mạc tử cung và trong máu kinh có dịch nhầy lúc này nếu có quan hệ tình dục khả năng có thai hoàn toàn có thể xảy ra.

Việc Linh bị ra máu đến ngày thứ 10 trong 3 chu kỳ kinh như vậy được chẩn đoán bệnh nhân bị rong kinh. Do hoạt động của buồng trứng chưa đi vào ổn định. Bên cạnh đó còn do rối loạn điều hòa hoóc môn ở vùng dưới đồi - tuyến yên và từ đó ảnh hưởng đến hoóc môn của buồng trứng do cơ thể đang ở giai đoạn trưởng thành. Bình thường trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, các bé gái bị mất 40 – 60ml máu nhưng khi bị rong kinh thì lượng máu mất đi có thể vượt quá 80ml.

Phụ huynh nên khuyến khích hoặc đưa con đi khám phụ khoa định kỳ để theo theo dõi tình hình kinh nguyệt cũng như sức khỏe phụ khoa của con gái trong độ tuổi dậy thì. Ngoài gây ra những nỗi lo về mặt tâm lý mỗi khi đến kỳ kinh, rong kinh tuổi dậy thì còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được điều trị. Rong kinh kéo dài gây nên tình trạng thiếu máu, cơ thể mệt mỏi, hoạt động thể lực kém, chóng mặt, nhức đầu. Mặt khác, trong giai đoạn “đèn đỏ”, cơ thể rất nhạy cảm, vi khuẩn dễ dàng tấn công gây nên những bệnh viêm nhiễm “vùng kín” như: viêm âm đạo, u màng trong tử cung, viêm buồng trứng... 

Chú ý bảo vệ sức khỏe khi bị rong kinh 

Vì tâm lý e ngại nên nhiều bạn gái đã không nói tình trạng của mình cho người lớn biết. Việc điều trị rong kinh cần càng sớm càng tốt. Nếu để kéo dài nhiều tháng nhiều năm dẫn đến thiếu máu nặng mới đi khám thì kết quả điều trị rất thấp - vùng dưới đồi sẽ bị tổn thương khó hồi phục dễ bị rong kinh tái phát nhiều lần, trong tương lai hay bị vô sinh do khó hoặc không phóng noãn.

Cách điều trị rong kinh

Tuổi dậy thì khi bị rong huyết nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chỉ dẫn và điều trị đúng, không nên tự ý dùng các thuốc điều kinh, vì hầu hết các thuốc này đều là thuốc nội tiết, dùng không đúng cách sẽ gây hại cho sức khỏe. Phương pháp điều trị bệnh rong kinh ở tuổi dậy thì chủ yếu là dùng thuốc co tử cung và hoóc môn. Để lựa chọn cách điều trị bệnh rong kinh hiệu quả, bệnh nhân cần đi khám để bác sĩ căn cứ vào mức độ bị rong kinh ở cấp độ nào. Nếu ở mức độ nhẹ và không thiếu máu thì không cần phải điều trị. Cơ thể người bệnh sẽ nhanh chóng trở về trạng thái cân bằng. Nếu máu ra ít nhưng thiếu máu, cần uống viên ngừa thai để điều chỉnh hàm lượng estrogen và progesteron theo chỉ định của bác sĩ trong cơ thể để chúng trở về mức cân bằng. Bác sĩ sẽ áp dụng cách điều trị bệnh rong kinh này trong ít nhất 3 tháng trước khi chuyển sang các biện pháp điều trị khác.

Cần bổ sung sắt cho con chóng hồi phục sức khỏe

Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nên bổ sung vào thành phần bữa ăn hàng ngày các nhóm thực phẩm giàu vitamin nhóm B như: cá, thịt bò, trứng, sữa, pho mát... Nên ăn nhiều các loại rau và hoa quả, đặc biệt là những loại rau quả có màu đỏ đậm như: cà chua, cà rốt... Ngoài ra, các bạn gái nên bổ sung thêm chất sắt vào trong cơ thể, bởi việc mất máu do rong kinh kéo dài khiến cho cơ thể bị thiếu hụt lượng máu cần thiết. Bổ sung các chất như magie, kẽm, axit béo Omega 3... đồng thời kiêng ăn nhiều thịt và chất béo. Tránh sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê, rượu, bia... và một số gia vị cay, nóng.

 

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU