"Bố tôi đã giết mẹ" - Câu chuyện tìm lại công lý cho người mẹ tuổi teen của nạn nhân duy nhất còn sống trong thảm án 4 mạng người gây rúng động Anh Quốc

Câu chuyện của Tasnim Lowe, người đã mất đi mẹ ruột khi mới 1 tuổi, bởi chính tay cha ruột của mình. Cô không còn nhớ gì về mẹ, chỉ biết rằng bà đã qua đời khi chỉ mới 16 tuổi, và là nạn nhân của một kẻ lạm dụng tình dục trẻ em.

Groom: Thuật ngữ chỉ việc kết thân, chiều chuộng trẻ em và trẻ vị thành niên nhằm mục đích lạm dụng tình dục.

*Lược dịch qua lời kể của Tasnim Lowe, người đã tự tay làm những phóng sự về nạn lạm dụng tình dục trẻ em, được đăng tải trên BBC.

Bố tôi là một kẻ giết người

Thành thực mà nói, tuổi thơ của tôi không giống người bình thường. Tôi sống cùng ông ngoại. Và khi đi học, người ta luôn hỏi tôi những câu đại khái như: "Tại sao lại sống với ông? Bố mẹ cháu/cậu đâu? Chuyện gì đã xảy ra thế?"

Tasnim Lowe và ông ngoại

Dĩ nhiên, tôi không thể cứ đứng ra và bảo: "Tớ là Tas, bố tớ là một kẻ giết người. Chơi chung nhé?" được. Thế là mặc nhiên, tôi đã chẳng hề có bạn.

À, bạn đọc đúng rồi đấy. Bố tôi - Azhar Ali Mehmood - là một tên sát nhân, và người bị ông giết là mẹ tôi, khi tôi mới chỉ 16 tháng tuổi. Đúng hơn, ông đã sát hại cả bà ngoại - Linda Lowe, dì Sarah, và đứa em bé nhỏ vẫn trong bụng Lucy - mẹ tôi - bằng một ngọn lửa thiêu rụi ngôi nhà nơi chúng tôi sinh sống. Nhưng ông lại chừa tôi ra. Ông đã bọc tôi trong một tấm chăn, lao qua khỏi ngọn lửa và đặt dưới gốc cây trước nhà, cách xa khỏi biển lửa kia. Có lẽ, ông đã muốn tự tay chăm sóc tôi, nhưng tôi cũng không rõ ông định chăm thế nào khi đã để cho mẹ chết.

Azhar Ali Mehmood khi bị bắt vào năm

Chính bố tôi là thủ phạm đã gây ra vụ hỏa hoạn gây rúng động nước Anh, tại Telford, Shropshire vào tháng 8/2000. Ông bị kết tội giết 3 mạng người, và bị giam giữ kể từ thời điểm ấy. Nhìn chung thì khi lớn lên, tôi chẳng có chút khái niệm gì về bố mẹ - tất cả đều qua lời kể của ông ngoại.

Nhìn lại những bức ảnh cũ, tôi nghĩ mình là một phiên bản tóc nâu của mẹ. Chỉ là tôi thực sự chưa từng nghĩ bà là mẹ mình, thậm chí là không muốn, bởi mẹ mất khi tôi còn quá nhỏ và chưa thực sự một lần cảm nhận được hơi ấm của bà. Hình ảnh của mẹ trong tôi là một cô nhóc tuổi teen tên Lucy thì đúng hơn.

Mẹ hạ sinh tôi khi mới 15 tuổi. Còn bố, lúc đó đã 25. Suốt một thời gian dài, tôi đã không nhận ra có điểm gì bất thường trong mối quan hệ này. Khi kể cho bất kỳ ai, họ đều tưởng tôi nói đùa và bảo: "Tình yêu gì kỳ cục thế?" Nhưng tôi lại coi đó là chuyện bình thường, hoặc có lẽ là được "huấn luyện" để mang suy nghĩ như thế bởi chính gia đình mình.

Hiện trường vụ phóng hỏa tước đi 3 mạng người gây rúng động Anh Quốc

Mối tình oan nghiệt hé lộ vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em

Tôi và ông ngoại - George - khá thân thiết, nhưng đó cũng là khoảng thời gian thực sự khó khăn. Ông ngoại đã mất vợ cùng cả 2 người con gái trong trận hoả hoạn năm ấy. Ông thề trước phiên tòa xử bố tôi rằng sẽ tự mình chăm sóc tôi, và ông đã làm được. Tuy nhiên, hệ tư tưởng giữa cả 2 lại khác nhau hoàn toàn khi nói về mối quan hệ của bố mẹ tôi.

Khi ấy, ông ngoại và nhiều người có những quan điểm khác biệt về mối quan hệ lệch. Đối với tôi, quả thực rất khó để hiểu tại sao mọi người lại nghĩ việc mẹ Lucy mang thai tôi khi còn đang là trẻ vị thành niên là chuyện bình thường. Nhưng rồi qua việc thu thập tài liệu làm phóng sự, ông đã dần hiểu ra, và giữa chúng tôi bắt đầu có điểm chung.

3 nạn nhân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn năm 2000

Trong quá trình làm phóng sự, tôi có gặp qua một vài người bạn cũ của mẹ. Theo lời kể của họ, Lucy vẫn còn là một đứa trẻ khi lần đầu quen bố. Thời đó, rất ít người nghĩ chuyện đó là sai trái. Thậm chí, họ còn cho rằng việc quen một anh chàng lớn tuổi hơn quả thực là rất "ngầu". Và nếu họ nghĩ như vậy, thì có lẽ Lucy cũng thế thôi.

Tôi vẫn còn nhớ, đó là Chủ nhật ngày 11/3/2018, thời điểm tôi bắt đầu suy nghĩ khác về mối quan hệ của bố mẹ. Tờ Mirror đã đăng tải tấm hình của mẹ Lucy. Cả gia đình tôi đã khá bối rối, vì đó là một câu chuyện đã cũ. "Nhưng đăng tải chuyện cũ như thế để làm gì?" - tôi nghĩ vậy. "Chắc là chẳng có tình tiết gì mới đâu nhỉ?"

Chỉ là gia đình tôi, và rất nhiều người khác ở Anh Quốc đã không nhận ra còn rất nhiều điều ẩn sau vụ án này. Giờ nhìn lại, mọi thứ trở nên sáng tỏ hơn.

Bài báo thay đổi cuộc đời của Tasnim

Bài báo của tờ Mirror liên quan đến một cuộc điều tra tiết lộ có hàng ngàn trẻ em bị "groom" (tạm dịch: dụ dỗ) tại Telford (Anh) kể từ thập niên 1980. Bài viết mô tả lại cách Lucy bị bố tôi "chăn dắt" như thế nào từ năm 14 tuổi, và câu chuyện của nhiều cô gái khác cũng có số phận tương tự (nghĩa là cũng không còn trên đời nữa).

Tôi thực sự bối rối. Khi bạn được nghe kể về một câu chuyện mình đã biết, bản thân hẳn sẽ nghĩ câu chuyện ấy chỉ có một góc nhìn và một cái kết thôi. Trước khi đọc, tôi đã nghĩ mối quan hệ của bố mẹ là bình thường. Đọc xong bài, tôi vẫn nghĩ: "Không thể nào, họ sai rồi." Quả thực, để có thể chấp nhận một góc nhìn mới là rất khó. Phải mất một khoảng thời gian, tôi mới có thể chấp nhận điều đó.

Hành trình đi tìm công lý cho người mẹ tuổi teen

Cuộc điều tra khiến tôi đặt ra nghi vấn về mọi thứ mình đã biết về chuyện ngày trước, và tôi quyết định phải tìm hiểu ngọn ngành. Tôi lùng về các biên bản trong phiên tòa xét xử bố tôi, để rồi càng đọc càng thêm bối rối.

Trong phiên tòa, độ tuổi của Lucy và bố có được đề cập, nhưng dường như chẳng ai để tâm. Quả thực rất kỳ lạ, vì họ cách nhau không phải 2 - 3 năm, mà những gần 10 năm. Theo lời những người bạn cũ của Lucy, bố có vẻ như đã trực tiếp "kiểm tra thân thể" mẹ, xem bà có từng ở cùng người đàn ông nào khác. Bố thường xuyên gọi cho mẹ, bảo rằng đang cho người bám theo để tiện bề kiểm soát. Ngoài ra có tin đồn rằng Lucy đã quan hệ cùng vài người đàn ông ở sân sau của một nhà thờ. Chẳng ai rõ có phải bà đã bị cưỡng hiếp hay bị lợi dụng, vì không có ai chứng kiến cả.

Lucy - 14 tuổi - thời điểm bị lạm dụng nghiêm trọng

Kể từ lúc ấy, tôi bắt đầu chất vấn ông ngoại nhiều hơn. Tại sao ông không làm gì? Tại sao ông nghĩ mối quan hệ ấy ổn? Ông đáp rằng mình không quan tâm lắm đến "thằng đó". Tuy nhiên, ông và mẹ đã từng cãi nhau rất nhiều, và tôi tự hỏi có phải do bố tôi đã đòi mẹ làm "chuyện đó" hay không.

"Nó lên phòng mẹ con nhiều lần lắm," - ông tôi kể lại. "Có lần, ông nghe tiếng hét: "Hiếp dâm" của mẹ con. Ông chạy lên đạp cửa, nó vùng ra chạy một mạch xuống nhà rồi ra ngoài. Một thằng khác cũng chạy theo nó."

"Vậy tại sao không ai báo cảnh sát?" - tôi hỏi.

"Ông không biết nữa. Mẹ con có cầu cứu đâu. Nếu có, chúng ta đã có thể làm gì đó rồi."

"Nhưng cả ông và bà đều nghe mẹ hét "hiếp dâm" mà không làm gì?" - tôi đáp với vẻ phẫn nộ. "Đó là lạm dụng đấy. Con rất buồn vì ông."

Tôi buồn thật, nhưng vẫn phải tiếp tục hỏi. Tôi muốn biết chuyện này là lỗi của ai. Tôi muốn hiểu hơn về nó. Tôi nghĩ ông ngoại cũng đã cảm thấy hối hận, khi có quá nhiều nỗi đau xảy đến mà đáng ra ông và bà đã có thể ngăn chặn. Nhưng khi ấy, mọi người trong xã hội chẳng ai nghĩ quá nhiều vì không có người đứng ra tuyên truyền, giảng dạy về vấn đề liên quan. Ngay cả khi ông ngoại thực sự có đứng ra làm điều gì đó, liệu có chuyên gia nào lắng nghe họ?

Tasnim và ông ngoại tại nơi tưởng niệm 3 nạn nhân

Tôi cũng muốn biết bố cảm thấy thế nào nữa. Liệu ông có hối hận không? Giờ ông nghĩ gì về vụ việc đã xảy ra?

Năm 16 tuổi, tôi đến nhà tù để thăm bố. Cũng chẳng khó khăn gì đâu, vì tôi cũng muốn thăm bố sớm hơn, nhưng tòa án không cho phép, mà phải đợi đến khi đủ 16 tuổi. Ban đầu, tôi chỉ muốn gặp ông, muốn hỏi han, tìm hiểu sự tình. Tôi muốn biết ông thích gì, ghét gì, muốn hiểu hơn về con người ông, và hiểu hơn về chính bản thân tôi, chứ không phải vì những gì đã xảy ra.

Nhưng thứ tôi nhận được lại càng làm tăng thêm sự bối rối. Chuyện đã không rõ ràng như thể trắng với đen. Những lời nói của bố tôi đã không thể hiểu hết được, thiếu điều là ghi âm để nghe lại nhằm hiểu hơn những ẩn ý sau đó. Tùy vào câu hỏi, ông sẽ chọn cởi mở với tôi hoặc không.

Tôi nghĩ luật pháp thời đó đã sai khi không truy tố bố về tội lạm dụng tình dục với trẻ vị thành niên cùng với tội danh giết người. Đáng ra, tội phạm cần phải chịu trách nhiệm cho từng tội danh riêng, nhưng không hiểu sao nó đã không được áp dụng với trường hợp của bố. Tôi đã từng đi hỏi cảnh sát về điều này, nhưng viên sĩ quan phụ trách vụ án ngày đó đã không còn làm việc nữa.

Tasnim cùng cuốn nhật ký của mẹ mình

Đây là điều đã được lường trước, nhưng tôi vẫn phải hỏi, với mong đợi sẽ thu được ít nhiều thông tin. Và thật may mắn, tôi có được một thứ, đó là 3 cuốn nhật ký của mẹ, được viết trong lúc mang thai tôi cho đến khoảng 6 tháng sinh sống cùng bố.

Thời điểm mẹ viết nó, chẳng ai được đọc cả, nên tôi có cảm giác như đang ở đó cùng với mẹ, và phát hiện ra một sự thật đau đớn: Lucy đã bị lạm dụng bởi một nhóm những gã đàn ông chuyên "grooming" tại Telford. Thậm chí, cái chết của Lucy còn được mang ra làm gương để những nạn nhân khác không thể lên tiếng.

Bố tôi hiện đang được đưa vào diện tạm tha và sắp được trả tự do. Về cơ bản, người ta sẽ không thể kết thêm tội cho một người để tiếp tục giam người đó trong tù. Bản thân bố, ông chưa từng thừa nhận tội giết người, và cũng chưa bao giờ bị buộc bất kỳ tội danh nào liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em, bất chấp có quá nhiều bằng chứng. Đối với tôi mà nói, đó là một nỗi bất công quá lớn, dành cho người mẹ tuổi teen của mình.

Dẫu vậy, tôi vẫn thấy những tia hy vọng thông qua quá trình thu thập bằng chứng. Nhờ nó, tôi hiểu hơn về mẹ, thân thiết hơn với ông, và hiểu hơn về cái gọi là "lạm dụng trẻ em" - một vấn nạn đáng sợ mà mọi người cần chú ý đến.

Giờ đây, những gì tôi muốn làm là nghỉ ngơi. Nhưng trong tương lai, tôi muốn được tham gia tuyên truyền nhiều hơn về vấn nạn này. Tôi sẽ là người đứng ra lên tiếng cho các nạn nhân, điều mà Lucy - mẹ tôi - thật không may đã chưa từng nhận được.

Tham khảo: BBC

Link báo gốc: http://helino.ttvn.vn/the-gioi/bo-toi-da-giet-me-cau-chuyen-tim-lai-cong-ly-cho-nguoi-me-tuoi-teen-cua-nan-nhan-duy-nhat-con-song-trong-tham-an-4-mang-nguoi-gay-rung-dong-anh-quoc-22019221101116123.htm

Theo Tri Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU