Đối với những đồ ăn thừa, ngoài việc bỏ đi, chúng ta thường có thói quen là giữ chúng lại và bảo quản để cho bữa ăn tiếp theo. Một số người làm việc này đơn giản vì thức ăn của bữa ăn đó vẫn còn thừa nhiều nhưng lại có một số người cố tình nấu thừa nhiều hơn lượng cần thiết cho một bữa ăn để nấu một lần cho 2 bữa.
Nhất là đối với cơm, thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Chúng ta thường có thói quen ăn cơm nguội và cũng có những người đặc biệt thích ăn cơm nguội với mì tôm hoặc rang (chiên) cơm nguội.
Tuy nhiên, ngày 23/12 vừa qua, trên trang Facebook và Twitter của Bộ Y tế Malaysia (Kementerian Kesihatan Malaysia) đã đăng tải thông tin khuyến cáo đối với người dân không nên hâm nóng lại cơm nguội để sử dụng bởi điều này có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, vấn đề không phải nằm ở việc hâm nóng lại cơm mà nó nằm ở cách bảo quản cơm của chúng ta. Vì thế, dù có hâm nóng lại hay không, Bộ này cũng khuyến cáo bạn không nên ăn cơm nguội.
Cụ thể, khi bảo quản cơm ở nhiệt độ phòng trong vòng hơn 4 tiếng, các bào tử vi khuẩn trong cơm đã nấu sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và tạo điều kiện cho phép các vi khuẩn Bacillus cereus sinh sôi.
Bacillus cereus là một loại vi khuẩn sản sinh độc tố, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất hiện nay, nó còn được biết đến với cái tên "hội chứng cơm chiên" (Fried Rice Syndrome).
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), vi khuẩn này giải phóng 2 loại độc tố gây ra 2 triệu chứng khác nhau.
- Loại độc tố thứ nhất, được tìm thấy trong nhiều loại thịt, sữa, rau hoặc cá, giải phóng trong ruột non sau khi vi khuẩn được ăn vào cơ thể người, gây ra tiêu chảy, chuột rút và đôi khi buồn nôn nhưng hiếm khi nôn. Các triệu chứng đó thường xuất hiện sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm từ 6-15 giờ và giảm dần sau khoảng 1 ngày.
- Loại độc tố được vi khuẩn tiết ra trong thực phẩm giàu tinh bột trước khi người ăn. Chất độc gây buồn nôn và nôn trong vòng 30 phút - 6 giờ sau khi ăn và các triệu chứng giảm dần sau khoảng 1 ngày.
Loại vi khuẩn này có thể được tìm thấy trong cơm chưa được nấu (gạo) và có thể tồn tại ngay cả trong nhiệt độ cao, sản sinh ra những độc tố gây ra sự nôn mửa, tiêu chảy và ngộ độc thực phẩm khi đi vào cơ thể con người.
Ăn cơm nguội có một chút mùi lạ hoặc sờ vào cơm có cảm giác hơi dính, nhớp, tốt nhất bạn nên ngừng lại. Việc hâm nóng cơm ở nhiệt độ trên 74 độ C trong 15 giây có thể tiêu diệt các tế bào vi khuẩn nhưng không thể loại bỏ độc tố.
Dù vậy, dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch 2020 sắp tới, việc gia đình nào cũng có đồ ăn thừa là điều không thể tránh khỏi.
Vì vậy, bạn nên bảo quản thực phẩm thừa, đặc biệt là cơm đúng cách. Dịch vụ Sức khỏe Quốc gia Anh Quốc khuyến cáo cách bảo quản tốt nhất đối với cơm thừa là làm lạnh trong tủ lạnh (tốt nhất là dưới 4 độ C) ngay khi kết thúc bữa ăn (không quá 2 giờ).
Nếu không giữ cơm trong tủ lạnh, bạn có thể duy trì nhiệt độ của cơm ở mức 60 độ C. Đồng thời, bạn không nên sử dụng cơm thừa đã được bảo quản trong hơn 1 ngày (kể cả với cơm đã được bảo quản đúng cách) và không nên hâm nóng cơm hơn 1 lần.
Nguồn: Asia One, LiveScience
Theo helino.ttvn.vn