Trước đó, tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cũng xảy ra cháy nhà xưởng làm 8 người chết. Khu vực kho xưởng bị cháy nằm sâu trong khu dân cư, có nhiều vật liệu dễ cháy như đồ nhựa, gỗ, nên đám cháy lan nhanh, thiêu rụi cả 4 khu nhà xưởng.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, khói bụi, tiếng ồn, những cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư đô thị còn là những quả “bom lửa”, tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ, gây hậu quả khôn lường.
Vụ cháy ở Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông rất may xảy ra lúc chập tối, người dân chưa ngủ, lực lượng chức năng kịp khống chế, không để ngọn lửa lan sang Công ty Động Lực và hàng trăm nhà dân gần đó, nếu không hậu quả còn nghiêm trọng hơn rất nhiều…
Trước nguy cơ về ô nhiễm, cháy nổ do các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất có thể gây ra, chục năm trước, Hà Nội đã lên danh sách và có lộ trình di dời các cơ sở này ra bên ngoài. Thành phố có nhiều nỗ lực thực hiện, song đến nay tiến độ vẫn hết sức chậm.
Cách Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Động không xa, trên đường Nguyễn Trãi vẫn còn đó hàng loạt cơ sở sản xuất như nhà máy thuốc lá Thăng Long, ở thôn Triều Khúc (xã Tân Triều, H.Thanh Trì) có rất nhiều nhà xưởng tái chế phế liệu vải, giấy, nhựa, nằm trong lòng khu dân cư.
Kết quả giám sát về phòng cháy, chữa cháy của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố mới đây chỉ rõ: Quá trình đô thị hoá mạnh, đặc biệt ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng đã làm gia tăng các khu, cụm công nghiệp tập trung với quy mô sản xuất lớn, có nguy cơ cao về cháy, nổ.
Việc tiếp tục chậm trễ di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ cao về cháy, nổ ra khỏi nội đô không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng sống mà còn đẩy người dân vào nỗi lo hỏa hoạn. Đã đến lúc Hà Nội cần quyết liệt, thực hiện đúng lộ trình và quy định của pháp luật trong việc di dời các cơ sở này ra khỏi khu dân cư. Diện tích đất sau khi được thu hồi cần ưu tiên phục vụ các công trình công cộng, có ý nghĩa về an sinh, xã hội.
Theo Trí thức trẻ