Các loài tầm gửi và tác dụng chữa bệnh

Tầm gửi là một loài cây nhỏ, sống ký sinh trên các cây khác nhau. Từ lâu, Đông y đã sử dụng tầm gửi (tên gọi chung) của nhiều loài cây để làm thuốc có kết quả tốt. Công dụng của tầm gửi thường là công dụng của cây chủ mà nó ký sinh.

Bộ phận dùng làm thuốc của tầm gửi là cả cây, trừ rễ, thu hái khi cây chưa ra hoa. Đem cây về cắt ngắn, phơi trong râm mát hoặc sấy nhẹ cho khô. Khi dùng có thể tẩm rượu, sao qua. Dược liệu có tác dụng lợi khí huyết, giảm đau nhức xương khớp do phong thấp hoặc do chấn thương, trị tăng huyết áp, rối loạn tâm thần, an thai, lợi sữa... Trong y học hiện đại, tầm gửi có tác dụng chống viêm, giảm đau, chống ôxy hóa và bảo vệ gan... Dựa vào cây chủ nó ký sinh mà đặt tên riêng cho từng loài:

Tầm gửi cây dâu: là loại thông dụng hơn cả, với tên thuốc là tang ký sinh.

Tang ký sinh có vị đắng, tính bình, không độc. Có tác dụng bổ gan, thận, mạnh gân cốt, an thai. Theo tài liệu nước ngoài, tang ký sinh là thuốc kích thích sự tạo máu, điều trị thiếu máu và chứng chảy máu ở phụ nữ mang thai và sau sinh.

Dùng riêng tang ký sinh: sao vàng (12-16g) sắc uống hoặc để tươi (30g) giã nát, lọc lấy nước, uống vào lúc đói.

Tang ký sinh phối hợp với các vị thuốc khác để điều trị trong những trường hợp sau:

Chữa đau lưng, tay chân tê bại: Tang ký sinh 16g, cẩu tích 12g, ngưu tất 12g. Sắc uống trong ngày.

Chữa ho ra máu: Tang ký sinh 16g, thài lài tía 16g, rễ chuối hột 10g, rễ cỏ tranh 10g, thái nhỏ. Sắc uống.

Chữa đau bụng, động thai: Tang ký sinh 16g, cao ban long 10g, nướng cho thơm, lá ngải cứu 10g. Sắc uống 2-3 lần trong ngày.

Chữa tắc tia sữa: Tang ký sinh 16g, ngưu tất 10g. Sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.

Trị chứng tăng huyết áp: Tang ký sinh 32g, thạch quyết minh 20g, thiên ma 6g, câu đằng 16g, chi tử 8g, hoàng cầm 12g, đỗ trọng 14g, phục linh 12g, ngưu tất 12g, ích mẫu 16g. Nếu nhức đầu thêm cúc hoa vàng 12g, mạn kinh tử 12g. Nếu mất ngủ, khó ngủ, ngủ ít thêm toan táo nhân 8g, bá tử nhân 8g. Sắc uống làm 2 lần, uống trong ngày.

Chữa đau thần kinh tọa, thuốc bổ huyết, ích thận: Tang ký sinh 18g, độc hoạt 9g, tần cửu 9g, phòng phong 9g, đương quy 9g, bạch thược 9g, đỗ trọng 9g, ngưu tất 12g, tế tân 3g, sinh địa 15g; đảng sâm 12g, phục linh 12g; nhục quế 1,5g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang, chia làm 3 lần, uống trước bữa ăn.

Tầm gửi có rất nhiều tác dụng chữa bệnh.

Tầm gửi cây chanh

Chữa ho khan, ho có đờm: Sao chế như tang ký sinh phối hợp với lá táo, sao vàng, sắc với 200ml, còn 50ml, uống làm 2 lần trong ngày.

Tầm gửi cây mít dùng riêng hoặc phối hợp với cỏ sữa lá nhỏ, sắc uống, có tác dụng tăng tiết sữa.

Tầm gửi cây táo phối hợp với củ sả, củ chuối hột thái nhỏ, sao vàng sắc uống chữa kiết lỵ ra máu.

Tầm gửi cây xoan sắc uống chữa bệnh đường ruột, kiết lỵ, táo bón.

Tầm gửi cây cúc tần cho hạt là vị thuốc thỏ ty tử tác dụng bổ thận tráng dương, chữa di tinh, liệt dương: hạt tơ hồng (thỏ ty tử) 8g, thục địa 16g, lục giác giao 12g, đỗ trọng 12g, kỷ tử 10g, nhục quế 10g, sơn thù du 8g, phụ tử chế 6g, đương quy 8g. Sắc uống ngày một thang.

Tầm gửi cây gạo phối hợp với tầm gửi cây chanh, vỏ cây lai: sao vàng, hạ thổ, sắc uống chữa động kinh. Phối hợp với xương quạ đen sắc uống chữa hen suyễn.

Tầm gửi cây nhót sắc uống chữa tiêu chảy.

Tầm gửi cây hồi nấu nước uống thay trà, chữa ho.

Tầm gửi cây đại bi sắc uống chữa viêm gan, sưng phổi.

Tầm gửi cây đào nấu lấy nước đặc rồi chấm vào vết thương trị bệnh ngoài da, dị ứng, mẩn ngứa.

Tầm gửi cây mận, cây roi, cây sung giã nát cùng với lá gấc, nhựa củ nâu, gạch non, tán vụn, dàn mỏng trên vải xô đắp băng vào nơi tổn thương chữa bong gân, sai khớp.

Tầm gửi cây quýt sắc uống chữa ho.

Tầm gửi cây khế giã nhỏ, trộn với nước vo gạo, hơ nóng, đắp chữa bong gân. Nếu sao vàng chữa ho gà, sốt rét; phối hợp với tầm gửi cây ruối, 20g, rau má 20g, lá bạc hà 10g, lá hẹ 10g. Sắc uống chữa ho, hen sữa ở trẻ em.

Tầm gửi là cây thuốc không độc, nhưng do nó sống bám vào cây khác lại thọc sâu rễ mút vào trong nuôi sống cơ thể mình. Do vậy nếu cây chủ là cây có độc tính như lim, trúc đào, thông thiên... thì các bộ phận của tầm gửi đều mang chất độc của cây chủ, tránh dùng tầm gửi ở những cây độc này.

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU