Các món ăn hồi phục sức khỏe đường hô hấp sau khi bị hít khói độc

Thoát khỏi “bà lửa” ở các vụ cháy là một điều may mắn, tuy nhiên khói độc mà bạn hít phải ảnh hưởng rất lớn đến đường hô hấp. Các món ăn này có tác dụng rất tốt trong việc phục hồi sức khỏe đường hô hấp.

Khói là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn. Cụ thể, rất nhiều khí độc sẽ được sinh ra CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ, bụi,... trong đó, CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong. Khi hít phải quá nhiều loại khí này, nạn nhân có thể bị ngộ độc cấp tính, ảnh hưởng lớn đến đường hô hấp và phổi. 

Cháy lớn tại chung cư Carina gây ra rất nhiều khói độc

Theo TS. BS Đinh Văn Lượng, PGĐ Trung tâm Ung thư Phổi Quốc gia, Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho hay, khói bụi là tác nhân gây ra nhiều chứng bệnh khác nhau. Trong đó, đặc biệt là các bệnh liên quan tới đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, tăng nguy cơ biến chứng của bệnh hen và phổi tắc nghẽn mãn tính. Bụi bẩn còn ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể như bệnh ngoài da, tim mạch, đau mắt…

Chính vì vậy, sau khi may mắn thoát khỏi “bà lửa”, các bạn cần lưu ý đến chế độ ăn với thực đơn cần bổ sung các món sau đây. Thực đơn này là liệu thuốc hữu hiệu bổ sung giúp cho đường hô hấp của bạn nhanh chóng phục hồi khỏe mạnh.

Cháo bạc hà

Bạc hà khô 15 g (tươi 30 g), gạo 100 g, đường phèn vừa đủ.

Trước tiên nấu bạc hà để lấy nước, bỏ bã (nấu khoảng 2 phút, không nấu lâu). Gạo vo sạch, nấu với lượng nước vừa đủ thành cháo, chờ khi cháo chín, nêm đường phèn và nước thuốc bạc hà, nấu lại cho sôi gấp là được.

Dùng ăn khi còn ấm, chia mỗi ngày ăn 2 lần.

Cháo sung

Sung chín tươi 50-100 g, gạo tẻ 50-100 g. 

Sung rửa sạch, gọt bỏ vỏ. Gạo vo sạch, để ráo. Hai thứ đem nấu với lượng nước thích hợp thành cháo. Chia ăn hai lần trong ngày. Có thể cho thêm ít nho khô hoặc đường phèn cho dễ ăn.

Cháo gạo lứt, rau chân vịt (bó xôi), rau cần

Gạo lứt 80 g, rau chân vịt 250 g, rau cần tây 250 g. Rau chân vịt, rau cần rửa sạch, cắt khúc, gạo vo sạch. Nấu gạo thành cháo, bỏ hai thứ rau trên vào nấu sôi thêm 10 phút là được.

Canh thịt heo, cần tây, nấm hương

Thịt heo nạc 100 g, cần tây 100 g, nấm hương 30 g, gừng 5 g, tỏi 10 g, hành 10 g, dầu mè lượng thích hợp, muối một ít.

Thịt heo rửa sạch, cắt miếng; cần tây rửa sạch, cắt khúc; nấm hương lựa sơ, bỏ cuống, cắt làm 2, rửa sạch; gừng cắt lát, hành cắt đoạn, tỏi bỏ vỏ, cắt lát. Để nồi nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ gừng, hành vào khử cho thơm, bỏ thịt heo vào xào sơ. Sau đó cho tất cả vào nấu thành canh với lửa nhỏ chừng 35 phút là được. Mỗi ngày ăn 1 lần.

Cháo tôm, vỏ quýt

Tôm 100 g, gạo tẻ 100 g, vỏ quýt tươi 12 g. Gia vị gồm muối, tiêu bột, hành hoa.

Gạo vo sạch, để ráo nước; vỏ quýt xắt sợi nhỏ. Cho 1 lít nước vào nồi nấu sôi; cho vỏ quýt vào nấu sơ rồi cho gạo, tôm vào, nấu nhỏ lửa khoảng 30 phút. Nêm muối vào, rắc lên một ít tiêu bột, hành hoa là có thể dùng được.

Nấm mộc nhĩ trắng (ngân nhĩ) xào tỏi

Nấm mộc nhĩ trắng 40 g, tỏi 15 g, gừng 5 g, dầu mè lượng thích hợp.

Nấm ngâm nước, bỏ rễ, xé thành sợi; tỏi bỏ vỏ, cắt lát, gừng cắt lát, hành cắt khúc. Để nồi nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ tỏi, gừng, hành vào khử cho thơm, cho nấm vào xào chín là được. Khi dùng rắc ít tiêu xay. Mỗi ngày ăn 1 lần.

Cháo ngân nhĩ

Gạo tẻ 100 g, nấm ngân nhĩ 3 cái, táo đỏ 12 trái, đường phèn 50 g.

Gạo vo sạch để ráo nước. Ngân nhĩ ngâm nước cho mềm, cắt bỏ cuống, cắt vụn. Cho 1 lít nước vào nồi nấu sôi; cho gạo, ngân nhĩ, táo đỏ vào, dùng lửa nhỏ nấu trong vòng 30 phút, cho đường phèn vào nấu tan là được.

Cháo gạo lứt, nấm ngân nhĩ

Gạo lứt 80 g, nấm ngân nhĩ 10 g.

Nấm ngâm nước, bỏ rễ, xé thành sợi, gạo vo sạch. Bỏ tất cả vào nồi, với một lượng nước thích hợp, nấu thành cháo chín nhừ là được. Mỗi ngày ăn 1 lần, dùng vào bữa sáng.

Cháo lê, ngân nhĩ

Nấm ngân nhĩ 25 g, lê 1 trái, gạo tẻ 100 g, đường phèn 20 g.

Nấm ngâm nước, bỏ rễ, xé thành sợi. Cho ngân nhĩ nấu với nước sạch đến khi gần nhừ, cho gạo vào nấu tiếp đến khi thành cháo, cho đường phèn vừa ăn, khuấy đều.

Chia ăn 2 lần trong ngày.

Canh lê, đường phèn

Lê 2 trái rửa sạch, bỏ hạt, giã nhỏ, cho 50 g đường phèn vào trong, đem hấp cách thủy đến khi tan đường là được. Dùng ăn 2-3 lần trong ngày. Tác dụng thanh nhiệt, trừ đàm, giảm ho.

Hoặc lấy 1,5 kg lê, rửa sạch, bỏ hạt, ninh thành cao, cho mật ong với lượng vừa phải vào trộn đều. Mỗi lần lấy ra 2 - 3 muỗng cà phê hòa nước sôi để uống. Tác dụng nhuận phế, sinh tân dịch, tan đàm.

Cháo tôm sú, rau hẹ (hoặc hoa hẹ) 

Tôm sú 100 g, rau hẹ 50 g, hành tím 5 củ, hạt tiêu sọ 10 g, gạo tẻ 50 g, gia vị các loại.

Tôm làm sạch, ướp gia vị. Rau hẹ và hành rửa sạch, xắt nhỏ. Nấu gạo tẻ thành cháo. Khi cháo chín, cho tôm vào, đảo đều rồi cho hẹ, hành vào, quậy đều và nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.

Cháo lê

Cách làm: Gạo tẻ 80 g vo sạch, để ráo nước; lê 1 trái rửa sạch, bỏ hạt, bỏ cuống, xắt hạt lựu.

Cho 1 lít nước vào nồi nấu sôi; cho gạo trắng, lê vào, tiếp tục nấu sôi trở lại, khuấy đều, vặn nhỏ lửa nấu 30 phút là được. Có thể thêm ít đường phèn để ăn. Chia 2 lần ăn vào lúc đói bụng.

Canh sứa, củ năng

Sứa 30-50 g, củ năng (hoặc cà rốt) 30-50 g, gia vị các loại.

Sứa rửa sạch, cắt đôi. Củ năng gọt vỏ, rửa sạch, cắt làm 4. Cho vào nồi đất hoặc nồi thủy tinh, nấu thành canh. Nêm gia vị vừa ăn, để ăn vào lúc đói bụng.

Món này rất tốt cho người bị viêm phổi, giãn phế quản, ho nhiều đờm.

Canh bí đao nấu tôm

Bí đao (hoặc bí xanh) 400 g, tôm đất 200 g, hành tím, hành lá, rau ngò, gia vị: nước mắm, tiêu, dầu ăn, bột ngọt hoặc bột nêm.

Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, cắt miếng dày chừng 3-4 cm. Tôm bóc vỏ, bỏ đầu (con lớn có thể cắt đôi). Hành lá, rau ngò rửa sạch, cắt nhỏ. Hành tím giã dập, băm nhỏ. Ướp tôm với hành tím, ít tiêu, bột ngọt, và nước mắm.

Bắc chảo lên bếp, chảo nóng thì cho dầu ăn vào, dầu nóng thì cho hành tím vào phi thơm, cho tôm đã ướp vào xào qua. Nêm một ít nước lạnh rồi đổ tôm vào một tô để riêng. Đổ nước vào nồi, nêm chút gia vị. Đợi nước sôi, thả bí đao vào. Chờ bí sôi lại lần nữa rồi đổ phần tôm đã xào vào canh. Nêm lại vừa ăn, bắc nồi xuống, múc ra tô, rắc hành ngò xắt nhỏ lên trên.

Canh bí đao, nấm hương

Bí đao (hoặc bí xanh) 300 g, nấm hương 10 g, gừng tươi, hành lá, dầu ăn, muối, bột ngọt, đường, bột đao, nước dùng (rau, củ, quả).

Bí đao gọt bỏ vỏ, bỏ ruột, cắt miếng dày chừng 3-4 cm. Nấm hương ngâm nước cho mềm, bỏ cuống, cắt 4; gừng rửa sạch, xắt sợi; hành lá rửa sạch, cắt khúc ngắn.

Cho chảo dầu lên bếp, khi dầu sôi cho thêm gừng tươi, nấm hương vào xào thơm. Cho nước dùng vào nấu sôi, nêm muối, đường rồi cho bí xanh vào. Đun sôi lửa nhỏ đến khi bí chín nhừ, nêm bột ngọt, múc ra tô, rắc hành lên trên.

Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.

Bí đao hầm hạt sen, nấm hương, táo tàu

Bí đao 300 g, hạt sen 80 g, nấm hương 10 cái, táo tàu 10 trái, gừng tươi 10 g, muối, bột nêm, dầu mè, mỗi thứ 1 muỗng cà phê, nước dùng (rau, củ, quả) khoảng 1 lít.

Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, rửa sạch, cắt miếng dày chừng 3-4 cm. Hạt sen ngâm nước nóng cho mềm. Bắc nồi lên bếp, cho ít dầu vào đun nóng, cho gừng vào phi vàng thơm rối cho tiếp nấm hương, hạt sen, nước dùng vào, nấu khoảng 30 phút. Nêm muối, bột nêm, sau cùng cho bí đao và táo tàu vào. Nấu sôi thêm khoảng 10 phút cho bí đao chín mềm là được. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.

Canh rong biển, thịt heo

Rong biển 50 g, thịt heo nạc 100 g, giò sống 100 g, cà rốt 1 củ nhỏ, táo tàu 10 trái, nấm hương 50 g, hành củ, muối, tiêu, bột ngọt, dầu mè

Nấm đông cô ngâm nước, rửa sạh, cắt bỏ cuống, cắt 4; táo tàu ngâm nước, rửa sạch, bỏ hột. Cà rốt, gọt vỏ, rửa sạch, cắt lát mỏng, tỉa hoa. Rong biển ngâm nước, rửa sạch, cắt nhỏ, để ráo.

Thịt heo bằm nhuyễn, trộn chung giò sống, rong biển, tiêu, muối, bột ngọt, dầu mè, củ hành băm. Vo hỗn hợp thành từng viên. Bắc nồi nóng, phi hành thơm rồi xào sơ cà rốt, sau đó chế nước dùng vào, nấu sôi thì bỏ nấm và táo tàu. Ðợi nước sôi thì cho từng viên hỗn hợp vào nồi. Nấu chín lại là được. Múc ra tô, rắc hành, ngò, tiêu, dùng ăn nóng.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU