Các nhà tâm lý học chỉ ra 7 sai lầm lớn nhất trong cách nuôi dạy con cái sẽ phá hủy sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ: Phụ huynh cần điều chỉnh để không nuối tiếc!

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ có thể tự tin trải nghiệm các hoạt động có ích khác nhau, chính là xuất phát từ thành tích học tập được cải thiện và việc giảm bớt cảm giác lo lắng trong...

Rất nhiều bậc phụ huynh đặt ra các chiến lược của riêng mình và tin rằng chúng sẽ giúp ích trong việc xây dựng cho con họ sự tự tin.

Nhưng một số trong những chiến lược đó có thể gây tác dụng ngược lại, và tạo ra một vòng luẩn quẩn nơi những đứa trẻ sẽ cố gắng đấu tranh để giành lại những gì thuộc về chúng.

Dưới đây là 7 sai lầm lớn nhất trong cách nuôi dạy con cái khiến trẻ em trở nên kém tự tin hơn:

1. Không bắt trẻ làm việc nhà

Trẻ sẽ trở thành những công dân có trách nhiệm hơn nếu chúng được san sẻ việc nhà với cha mẹ.

Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng các công việc vặt sẽ là gánh nặng và làm tăng mức độ căng thẳng đối với con bạn.

Nhưng khoa học đã chứng minh rằng trẻ sẽ trở thành những công dân có trách nhiệm hơn nếu chúng được san sẻ việc nhà với cha mẹ của mình.

Làm các nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp trẻ cảm thấy chúng đang được làm chủ và hoàn thành công việc của riêng mình.

Những công việc được giao như giặt quần áo hay đi đổ rác, đều đang tạo những trách nhiệm và là cơ hội để trẻ thấy mình có khả năng, năng lực làm việc.

2. Đảm bảo trẻ không gặp thất bại trong bất kỳ hoàn cảnh nào

Thật đau lòng khi phải chứng kiến con bạn thất bại, bị từ chối hoặc làm hỏng điều gì đó. Rất nhiều phụ huynh sẽ cố gắng can thiệp để giúp đỡ trẻ trước khi những trường hợp xấu này xảy ra.

Nhưng việc ngăn cản con bạn phạm sai lầm chính là lấy đi cơ hội để chúng tự học cách phục hồi.

Cho dù con bạn có gặp thất bại trong một cuộc thi bóng đá lớn hoặc có một vài câu hỏi sai trong bài kiểm tra toán ở trường, thì những sai lầm đó chỉ là những điều tất yếu sẽ xảy ra mà thôi.

Mỗi một lần thất bại sẽ là một cơ hội để trẻ xây dựng sức mạnh tinh thần mà chúng cần, để làm tốt hơn trong lần tới.

3. Bảo vệ con bạn khi chúng có những cảm xúc tiêu cực

Cổ vũ con bạn khi buồn hoặc làm chúng bình tĩnh lại khi giận dữ là một điều cần thiết. Nhưng cách chúng ta phản ứng với cảm xúc của trẻ sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí tuệ cảm xúc, và lòng tự trọng của chúng.

Hãy giúp con bạn xác định rõ nguyên nhân gây nên những cảm xúc tiêu cực đó và dạy chúng cách tự điều chỉnh tâm trạng.

Bạn cần phải tạo không gian riêng để trẻ có thể giải thích tại sao chúng lại có những cảm xúc như vậy. Điều này sẽ giúp trẻ có thể dễ dàng xử lý những cảm xúc đó theo cách phù hợp với xã hội trong tương lai.

4. Dập tắt những mong muốn của trẻ

Khi chúng ta nói những điều như: "Bố mẹ không thể mua một đôi giày mới cho con như những đứa trẻ khác, vì nhà chúng ta quá nghèo".

Điều này sẽ khiến cho con bạn nghĩ rằng những thứ trong cuộc sống đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng.

Những đứa trẻ nhận ra được mục tiêu trong cuộc sống, sẽ cảm thấy tự tin hơn vào khả năng của chúng, để tạo ra một tương lai tốt hơn cho bản thân.

Thay vì cho phép con bạn tổ chức các bữa tiệc xa hoa nằm ngoài khả năng kinh tế của gia đình, hãy khuyến khích chúng hành động tích cực.

Ví dụ, bạn có thể khuyến khích trẻ thiết lập một quầy bán nước chanh giúp chúng có thể tiết kiệm để mua những thứ mình muốn hoặc cần.

5. Bảo vệ trẻ quá mức

Việc giữ trẻ tránh xa khỏi những thách thức sẽ cản trở sự phát triển của chúng. Hãy biến bản thân bạn trở thành một người hướng dẫn, chứ không phải là người bảo vệ.

Cho phép con bạn trải nghiệm cuộc sống, ngay cả khi chúng cảm thấy sợ hãi việc thất bại. Điều này sẽ cho trẻ cơ hội để có được sự tự tin về khả năng đối phó với bất cứ điều gì mà cuộc sống sau này đem lại.

6. Mong đợi sự hoàn hảo ở trẻ

Việc đặt kỳ vọng cao vào con bạn là một điều tốt. Nhưng kỳ vọng quá nhiều sẽ gây ra một hậu quả khá nghiêm trọng. Khi những đứa trẻ nhận được sự mong đợi quá lớn từ cha mẹ, chúng thậm chí có thể không buồn cố gắng hoặc cảm thấy như thể bản thân sẽ không bao giờ thực hiện được.

Thay vào đó, hãy đưa ra những kỳ vọng rõ ràng, dài hạn và đặt các mốc quan trọng trên đường đi của trẻ.

Ví dụ, thi đỗ đại học là một kỳ vọng dài hạn, vì vậy bạn cần giúp trẻ đặt ra các mục tiêu ngắn hạn để đạt được đích đến cuối cùng đó (như: giành điểm cao trong các bài kiểm tra, làm bài tập về nhà, đọc nhiều sách).

7. Trừng phạt, thay vì kỷ luật

Trẻ em cần học được rằng một số hành động của chúng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa kỷ luật và hình phạt.

Những đứa trẻ bị kỷ luật thường nghĩ rằng chúng đã đưa ra một lựa chọn tồi và sẽ biết cách sửa sai. Nhưng những đứa trẻ bị trừng phạt ngược lại sẽ cho rằng chúng là một người xấu.

Nói cách khác, kỷ luật giúp con bạn tự tin rằng chúng có thể đưa ra những lựa chọn thông minh hơn, lành mạnh hơn trong tương lai.

Trong khi việc áp dụng những hình phạt sẽ khiến trẻ nghĩ rằng chúng không có khả năng làm tốt hơn.

 

Theo Trí thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU