Anh Joe Lo, 37 tuổi, đến từ Hong Kong thừa nhận đã sử dụng một sản phẩm thuốc lá điện tử được gọi là IQOS, sản xuất bởi hãng Phillip Morris, thay vì thuốc lá truyền thống trong một năm nay. Loại sản phẩm thay thế này sẽ làm nóng thuốc ở nhiệt độ 300 độ C nhưng lại làm giảm rất nhiều các chất độc hại so với đốt thuốc bằng lửa như xưa. Ngoài ra IQOS còn không gây ra mùi hôi khó chịu như thuốc lá truyền thống.
Tuy nhiên có một vấn đề khiến anh thấy rất phiền toái đó chính là IQOS không được bán ở Hong Kong, và anh hoàn toàn phụ thuộc vào một người bạn giúp anh xách tay sản phẩm này từ Nhật Bản.
Ở phần lớn các nước Châu Á - Thái Bình Dương, các thiết bị mới này được xem là bất hợp pháp. Không nơi nào được phép bày bán công khai cũng như quảng cáo rộng rãi những sản phẩm thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại đang rất thích thú với chúng, họ thường xuyên phải tìm mua những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Hiện đang có 2 sản phẩm thay thế thuốc lá chính:
Thứ nhất là sản phẩm Heat-not-burn “không cháy” mà chỉ làm nóng thuốc lá ở khoảng nhiệt độ 350 độ C (trong khi đốt thuốc truyền thống có nhiệt độ lên đến 600 độ C). Sản phẩm này sử dụng một bộ lọc các tạp chất độc hại và điếu thuốc cũng chỉ nhỏ bằng một nửa. Loại này có ưu điểm là không gây ra mùi thuốc khó chịu và giảm thiểu khói thuốc.
Thứ hai là vape (thuốc lá điện tử), loại này thường đun nóng tinh dầu có mùi thơm và nicotine để tạo khói. Ưu điểm của loại thuốc lá này là ít độc hại và không bị khói thuốc ám vào người. Tuy nhiên, vape khi hút ra thì rất nhiều khói khiến người xung quanh không khỏi khó chịu.
Chính nhu cầu ngày càng cao, nhiều tổ chức đòi quyền sử dụng thuốc lá điện tử một cách hợp pháp đã ra đời.
Trong 3 năm qua, người tiêu dùng đã thành lập các tổ chức ủng hộ vape (thuốc lá điện tử) ở Úc, Ấn Độ, Malaysia, New Zealand, Philippines và Thái Lan. Ngoài ra, nhiều tổ chức cũng vận động hành lang với mục đích tương tự tại Hong Kong, Indonesia, Singapore và Đài Loan.
Ở Hàn Quốc và New Zealand đã hợp pháp các sản phẩm thay thế thuốc lá lần lượt vào năm 2010 và 2018. Nhật Bản mặc dù vẫn cấm hút vape nhưng đã hợp pháp hóa loại “không cháy”. Ngược lại ở Úc, Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam vẫn có lệnh cấm rõ ràng. Mặc dù vậy nhưng vẫn có hơn 240.000 người sử dụng các thiết bị thay thế thuốc lá này tại Úc.
Brian Marlow, người đứng đầu nhóm vận động hành lang Legalize Vaping ở Úc, gần đây đã tổ chức một chuyến du lịch bằng xe buýt đến 28 thành phố để nâng cao số người ủng hộ hợp pháp hóa thuốc lá điện tử tại nước này.
Hội đồng lập pháp của Hong Kong đã bắt đầu tranh luận về một số đề xuất điều chỉnh các sản phẩm thuốc lá điện tử. Các thành viên vận động hành lang cũng trình bày một bản kiến nghị có 10.000 chữ ký ủng hộ.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến phản đối từ Bộ Thực phẩm và Sức khỏe Hong Kong, họ cho rằng: “Nhiều thành phần trong thuốc lá điện tử chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng và một trong số đó còn được chứng minh là rất độc hại”.
Còn tại New Zealand, các sản phẩm vape và thuốc lá “không cháy” đã được bán theo luật thuốc lá tại nước này vào năm 2018. Quitline, một dịch vụ của chính phủ giúp người tiêu dùng ngừng hút thuốc thậm chí còn cho rằng hút vape sẽ tốt hơn so với hút thuốc lá truyền thống và có thể giúp mọi người bỏ thuốc thành công.
Các nhà lập pháp Úc đang chịu áp lực vì New Zealand và Canada đã hợp pháp hóa việc hút vape. Colin Mendelsohn, phó giáo sư về y tế cộng đồng tại Đại học New South Wales và là chủ tịch của Hiệp hội Giảm tác hại Thuốc lá Úc cho biết: “Nếu Úc không đạt được tiến bộ trong lĩnh vực này, nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các nước châu Á khác“.
“Cho phép hút thuốc nhưng lại cấm thuốc lá điện tử là thiếu công bằng” Mendelsohn trình bày, “Chính phủ không nên cấm cản mà cứ để mọi người tiếp tục cuộc sống của họ, miễn là họ không làm hại ai khác.”
Ngay cả những người nghiện hút thuốc cũng không biết rằng nicotine không phải là tác nhân gây ung thư trong thuốc lá, mặc dù đó là chất gây nghiện. Các nhà sản xuất thuốc lá thay thế như Philip Morris và Japan Tobacco đã khẳng định rằng khói mới chính là nguyên nhân chính dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm. Sử dụng các thiết bị hút thuốc thay thế là cách giảm thiểu tác hại của thuốc lá hiệu quả nhất.
Trong năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã ban hành một báo cáo về thuốc lá điện tử và kêu gọi các nước thành viên hạn chế quảng cáo các loại thuốc lá điện tử. Họ lập luận rằng các thiết bị này sẽ gây tác động xấu đến sức khỏe dù vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào được đưa ra. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp báo cáo về các kích ứng mắt và đau cổ họng của những người hút vape.
WHO đã yêu cầu các tiểu bang Hoa Kỳ ra lệnh cấm hút thuốc lá điện tử đến khi họ chứng minh sản phẩm này hoàn toàn an toàn cho người tiêu dùng.
Theo sohuutritue.net.vn