Không cho con uống sữa công thức
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nhiều mẹ không đủ sữa cho trẻ.
Khi đó, việc bổ sung thêm sữa công thức rất cần thiết để đảm bảo nguồn dưỡng chất cho bé. Tuy nhiên, nhiều mẹ lại từ chối để trẻ sử dụng sữa công thức. Điều này rất nguy hiểm vì khi bị đói, trẻ sẽ mất nước và có thể dẫn đến tử vong.
Nên tránh không cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi. Ảnh: T. L.
Vắt sữa vào bình cho con bú
Thông thường, trẻ mới bắt đầu làm quen với bầu sữa mẹ sẽ rất khó bú. Vì vậy, nhiều mẹ vắt sữa vào bình. Mặc dù không gây nguy hiểm, cách này khiến bé thích bú bình hơn là trực tiếp. Khi trẻ không bú mẹ, bầu sữa không được kích thích thường xuyên khiến lượng sữa giảm sút.
Cho con ăn quá nhiều
Em bé khóc không có nghĩa là bé thấy đói. Đó có thể là do bé bị đau hoặc chỉ vì muốn nhìn thấy mẹ. Nhưng đôi khi, nhiều mẹ cố gắng dỗ trẻ nín bằng cách cho bé ăn. Nhưng nếu trẻ không bị đói, việc ép ăn quá nhiều so với nhu cầu của bé có thể gây ra sự khó chịu trong dạ dày, đầy bụng và nôn trớ.
Vì vậy, đừng bắt ép nếu con không muốn ăn. Nếu nghĩ rằng con ăn chưa đủ no, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa.
Quấn quá nhiều khăn, áo cho trẻ sẽ làm mồ hồi không thoát ra được.
Quấn trẻ quá nhiều lớp
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, quấn trẻ sơ sinh sẽ giữ ấm vì bé đã quen với nhiệt độ ấm áp bên trong tử cung của mẹ. Tuy nhiên, quấn quá nóng thực sự gây hại và làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
Các chuyên gia nhi khoa khuyên nên duy trì nhiệt độ thoải mái trong khoảng từ 18 đến 20 độ C. Đừng đặt trẻ quá gần lò sưởi, không đội mũ khi bé ngủ. Để nhận biết trẻ bị nóng, bạn hãy chạm vào bụng của bé, nhiệt độ ở bụng nên ấm nhưng không nóng. Má đỏ và đổ mồ hôi dữ dội là dấu hiệu phổ biến khi trẻ bị quá nóng.
Rung lắc con
Khi trẻ nhỏ quấy khóc, cha mẹ thường có thói quen dỗ bằng cách rung lắc. Điều này thực sự sai lầm. Bạn nên nhớ rằng, não bộ và phần cổ của trẻ sơ sinh rất mềm và yếu. Vì vậy, việc rung lắc mạnh có thể gây chấn thương, thậm chí dẫn đến tàn tật hoặc tử vong.
Trẻ nằm sấp sẽ nguy hiểm do nhiều áp lực lên bụng và cơ hoành ngực.
Để trẻ nằm sấp
Nhiều mẹ nghĩ rằng, đặt bé nằm sấp có thể giúp trẻ không bị nghẹn. Nhưng các bác sĩ cho biết tư thế này rất nguy hiểm vì nó có thể gây tắc nghẽn đường thở.
Khi nằm sấp, bé bị rất nhiều áp lực lên bụng và cơ hoành ngực. Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên cha mẹ nên đặt bé nằm ngửa và quay đầu sang một bên.
Cho bé ăn dặm quá sớm
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời điểm thích hợp cho trẻ ăn dặm là tròn 6 tháng tuổi. Hiện nay, nhiều người quan niệm cho ăn bổ sung sớm, trẻ sẽ cứng cáp hơn và không bị đói. Vì vậy, nhiều bé đã được cho ăn dặm từ tháng thứ 4 - 5, thậm chí từ 3 tháng tuổi.
Tuy nhiên, ăn dặm quá sớm có thể khiến trẻ ít bú sữa mẹ, không được cung cấp đủ dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển. Bé ăn dặm sớm cũng tăng nguy cơ mắc bệnh vì thiếu các yếu tố miễn dịch có trong sữa mẹ.
Uống nước tốt cho mọi người - trừ trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Cho trẻ uống nước sớm
Sữa mẹ có thành phần 90% là nước để đáp ứng nhu cầu chuyển hóa bình thường của trẻ. Trong vòng 6 tháng đầu, mẹ không cần cho trẻ uống thêm nước. Chức năng thận của trẻ lúc này chưa phát triển hoàn thiện, cho trẻ uống nước quá sớm sẽ gây hại đến sự phát triển của bé sau này.
Theo Tri Thức Trẻ