Mẻ là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn hàng ngày như canh chua cá, riêu cua...
Nếu không lưu ý một số thao tác khi 'nuôi mẻ', lọ mẻ có thể bị hỏng, phát sinh nấm mốc rất độc hại. Vì vậy, việc tự làm mẻ ở nhà sẽ an toàn hơn so với mua mẻ bán sẵn ngoài chợ.
Để đảm bảo có được một hũ mẻ ngon, sạch, các bà nội trợ có thể làm theo 3 cách sau:
Cách làm 1: Làm mẻ từ cơm nát và nước cơm
Bước 1: Gạo vo sạch, cho nước nhiều hơn nấu cơm một chút, rồi đem nấu.
Bước 2: Khi nước sôi, chắt nước cơm vào một hũ thủy tinh sạch.
Bước 3: Đợi cơm chín, lấy cơm ra bát để nguội.
Bước 4: Khi cơm chín đã nguội, cho cơm vào hũ với nước cơm. Lượng cơm trong hũ sâm sấp mặt nước cơm.
Bước 5: Đậy nắp bình thủy tinh lại.
Bước 6: Đợi 2 tuần, mở nắp bình ra kiểm tra. Mẻ là phần nước cơm có mùi nồng và chua trong lọ. Chắt hoặc lọc nước mẻ ra, bảo quản trong một chiếc bình khác để dùng dần.
Cách làm 2: Làm mẻ từ cơm nát ủ kín
Bước 1: Vo gạo sạch, cho nước nấu cơm nhiều hơn một chút để cơm nát.
Bước 2: Đơm cơm ra bát, chờ cơm nguội. Sau đó, trộn cơm với một ít nước ấm. Dùng tay bóp đều để hạt cơm nát.
Bước 3: Cho cơm nát đã bóp vào hũ thủy tinh đậy. Ủ cơm trong khoảng 1 tuần cho đến khi cơm lên men.
Bước 4: Mỗi lần lấy nước mẻ, cho một ít cơm lên men ra bát, trộn với một ít nước, bóp nát cơm đã ủ. Sau đó, lọc lấy nước mẻ dùng 1 lần.
Chú ý: Nếu bạn có sẵn cục mẻ, có thể bỏ cục mẻ đó vào ủ với cơm đã bóp để đẩy nhanh thời gian lên men.
Sau khi mẻ đã chín ngấu nên lọc lấy nước mẻ, bỏ vào lọ dùng dần
Cách làm 3: Cách làm mẻ từ cơm nguội và sữa chua
Cách làm mẻ này rất tiện lợi, mẻ thơm ngon và nhanh gọn.
Bước 1: Lấy một thìa canh sữa chua, để ở nhiệt độ phòng từ sáng đến chiều để men chua phát triển.
Bước 2: Chuẩn bị một chiếc bát trộn, cho cơm nát vẫn còn ấm vào bát, trộn với 1 thìa cà phê đường và một chút nước ấm. Sau đó, đổ sữa chua đã lên men vào đảo đều và đậy kín.
Bước 3: Bỏ hỗn hợp cơm nát đã trộn kia vào máy làm sữa chua. Ủ trong 2 ngày rồi lấy cơm ra kiểm tra. Cơm có mùi chua dịu là thành công.
Nếu bạn không có máy làm sữa chua, có thể ủ cơm mẻ bằng nồi cơm điện. Nhiệt độ ủ cơm mẻ phải đảm bảo từ 38 – 40 độ C nhé!
Mẹo nhỏ:
- Nên đựng mẻ bằng lọ, hũ thủy tinh, sành, sứ thay vì làm trong lọ nhựa. Nguyên nhân là quá trình lên men chua của mẻ có thể kích thích giải phóng các độc tố trong nhựa.
- Khi làm mẻ cần đảm bảo tay, các dụng cụ sạch sẽ để lọ mẻ sạch, không có vi khuẩn gây nấm mốc.
- Nếu lọ mẻ bị nấm mốc cần bỏ ngay, không để trong nhà bếp sẽ gây mùi khó chịu và lây nhiễm vi khuẩn nấm độc hại sang các thực phẩm khác.