Trong lúc lãnh đạo TP HCM nỗ lực tập trung triển khai mọi giải pháp bảo đảm đời sống cho người dân khi thực hiện Chỉ thị 16, thì liên tiếp 2 ngày qua, mạng xã hội lan truyền không ít tin đồn đoán:
"Từ 0 giờ ngày 15-7, TP HCM sẽ giới nghiêm người dân, ngưng tất cả các ngành nghề, cấm người dân di chuyển ra ngoài" hay "TP HCM sẽ thực hiện phong tỏa theo phương án mới...". Qua đó, những tài khoản mạng xã hội đó nói rằng người dân cần mua trữ lương thực. Đọc tin chưa kiểm chứng, không ít người hoang mang, đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ vào sáng 14-7.
Bịa đặt, xuyên tạc và gây rối
Làm rõ sự thật, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức khẳng định thông tin "Từ 0 giờ ngày 15-7, TP HCM sẽ giới nghiêm người dân, ngưng tất cả các ngành nghề, cấm người dân di chuyển ra ngoài và kêu gọi người dân mua trữ lương thực", và "Lãnh đạo UBND TP HCM dương tính với SARS-CoV-2" lan truyền trên mạng xã hội hoàn toàn sai sự thật. Đó là những thông tin bịa đặt.
Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh lãnh đạo TP HCM đang tập trung chủ động, quyết liệt nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19. Đồng thời, chính quyền TP triển khai tốt nhiều giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu.
"Đề nghị người dân bình tĩnh, không chia sẻ những thông tin không chính thống, không lan truyền các thông tin không kiểm chứng khiến dư luận hoang mang" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu.
TP HCM đang triển khai tốt nhiều giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu Ảnh: TẤN THẠNH
Tương tự, khi kẻ xấu trên mạng xã hội tung tin "TP HCM sẽ thực hiện phong tỏa theo phương án mới" khiến nhiều người đổ xô đến siêu thị mua hàng, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM lập tức thông báo đó là thông tin sai sự thật, xuyên tạc. Ban Tuyên giáo kêu gọi người dân bình tĩnh; không nghe theo, không lan truyền những thông tin không chính xác.
Trong khi đó, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, nói rất bức xúc vì thông tin "Các chốt kiểm soát ngăn không cho phương tiện chở hàng hóa vào TP HCM sau 4 ngày áp dụng Chỉ thị 16" lan truyền trên mạng xã hội. Ông Lâm giải thích đó cũng là thông tin bịa đặt trắng trợn. Đến nay, việc kiểm soát phương tiện từ địa phương khác vào TP HCM vẫn tuân theo Chỉ thị 16.
Không chỉ vậy, thông tin Sở GTVT TP HCM đang quá tải trong việc cấp giấy nhận diện phương tiện khi tạo luồng xanh cho xe tải chở hàng hóa cũng hoàn toàn không chính xác.
"Chúng tôi ứng dụng công nghệ trong việc cấp giấy nhận diện phương tiện. Đơn vị đầu mối chỉ cần nộp hồ sơ qua mạng. Cán bộ sẽ xem xét, trả kết quả qua mạng ngay khi hoàn tất thủ tục. Nếu hồ sơ đúng định dạng và gửi đúng trình tự (doanh nghiệp gửi qua cơ quan đầu mối để kiểm soát mục đích, lộ trình lưu thông cũng như đúng đối tượng ưu tiên) thì giải quyết trong vòng 2 tiếng. Mỗi ngày, chúng tôi có thể cấp tối đa 10.000 giấy. Tất cả hồ sơ đều giải quyết trong ngày" - Giám đốc Sở GTVT TP quả quyết. Sau hơn 4 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Sở GTVT TP HCM đã cấp 21.000 giấy nhận diện phương tiện cho 41 đơn vị.
Liên quan đến những thông tin bịa đặt, xuyên tạc trên, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức yêu cầu các cơ quan chức năng của TP kiểm tra, xử lý nghiêm.
Quá nguy hiểm, phải răn đe!
Bà Lê Anh Đào (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) nhận xét những kẻ tung tin bịa đặt chính là thủ phạm làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang trong một bộ phận dân cư. Nghiêm trọng hơn, việc làm ấy còn khiến công tác phòng chống dịch bệnh đã khó càng thêm khó. "Nhiều người chen chúc mua hàng hóa vì tin lầm mạng xã hội khiến nguy cơ lay lan bệnh dịch tăng cao. Công an cần vào cuộc làm rõ động cơ, mục đích của hành động phạm pháp này. Khởi tố hình sự những kẻ tung tin bịa đặt, xuyên tạc như vậy là động thái cần thiết ở hoàn cảnh hiện nay" - bà Lê Anh Đào đề nghị. Bà Đào phản ánh những thông tin sai sự thật liên quan đến tình hình dịch Covid-19 ở TP HCM nói riêng, cả nước nói chung có nhiều tác động tiêu cực đối với dư luận xã hội và tâm lý của người dân; gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.
Căn cứ nội dung Báo Người Lao Động phản ánh, luật sư Trần Quí Lễ (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích những thông tin trên có hai yếu tố, là "thông tin bịa đặt" và "mạng xã hội". Những thông tin bịa đặt này đã và đang gây hoang mang trong nhân dân. Như vậy, pháp luật hoàn toàn đủ căn cứ xử lý người có hành vi đưa thông tin bịa đặt nêu trên. Tùy mức độ vi phạm, mức nghiêm trọng về hậu quả do hành vi đó gây ra, người vi phạm có thể chịu xử lý vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Luật An ninh mạng 2018 nêu rõ việc sử dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác là hành vi bị nghiêm cấm" - luật sư Trần Quí Lễ viện dẫn.
Với những vi phạm: cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; người vi phạm có thể phải nộp phạt từ 10-20 triệu đồng. Trường hợp cơ quan chức năng đủ bằng chứng truy cứu trách nhiệm hình sự, người sai phạm chắc chắn ra tòa với tội danh "Vu khống", với hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.
Xem xét yếu tố "mạng xã hội" trong những thông tin thất thiệt, luật sư Trần Quí Lễ cho rằng cơ quan pháp luật còn có thể xử lý người vi phạm ở tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" khi có đủ bằng chứng chứng minh hành vi sai phạm gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin đưa lên mạng xã hội trái quy định pháp luật; hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tương tự tội "vu khống", người phạm tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" cũng có thể phải nhận mức án cao nhất 7 năm tù.
Nêu quan điểm trước thực tế xử lý, luật sư Trần Quí Lễ băn khoăn: "Quy định pháp luật liên quan đến vấn đề trên khá đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ít vấn đề khúc mắc nằm ở khâu thực hiện, ở cả hai phía - người dân và cơ quan thực thi pháp luật".
Đồng tình, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình) cảnh báo khi chưa xác minh rõ tính chất sự việc, nguồn tin mà cố tình chia sẻ thông tin gây hậu quả như pháp luật quy định, người sai phạm sẽ bị xử phạt hành chính, buộc gỡ bỏ thông tin theo luật định.
Theo luật sư Trần Minh Hùng, hình thức xử phạt người có hành vi bịa đặt, vu khống trên mạng xã hội chủ yếu là xử phạt hành chính. Do đó, luật sư nhận thấy pháp luật cần mạnh tay hơn nữa khi đối phó với loại vi phạm này. Nếu hành vi có dấu hiệu hình sự thì cần xử lý nghiêm. Trước hết, cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ động cơ, mục đích việc tung tin đồn. Nếu tìm ra căn cứ chứng minh hành vi tung tin đồn là nguyên nhân gây lây lan dịch bệnh (ví dụ: nhiều người tập trung vào siêu thị rồi lây bệnh trong đó) thì cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự người tung tin đồn với tội danh "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người". Ngoài ra, pháp luật cần tăng mạnh số tiền phạt nhằm bảo đảm tính răn đe.
Đã cấp 21.000 giấy nhận diện phương tiện
Theo ông Trần Quang Lâm, sau hơn 4 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Sở GTVT TP HCM đã cấp 21.000 giấy nhận diện phương tiện cho 41 đơn vị.
Lý giải rõ hơn về các đơn vị đầu mối để doanh nghiệp nắm rõ hơn, ông Trần Quang Lâm nhắc lại hiện Sở GTVT TP chỉ tiếp nhận hồ sơ từ các đầu mối, không nhận trực tiếp từ các doanh nghiệp. Theo đó, các đơn vị đầu mối được phân định một cách rõ ràng. Cụ thể, xe vận chuyển hàng hóa như lương thực, thực phẩm, gạo, mì, thịt, cá, trứng, sữa… doanh nghiệp thông qua đầu mối là Sở Công Thương. Xe vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, xe chở chuyên gia, công nhân từ các tỉnh vào TP HCM… đầu mối là Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp. Xe vận chuyển hàng hóa ra vào cảng thì đầu mối là đơn vị quản lý cảng;...
Theo afamily.vn