Tình trạng sức khỏe của 8 học sinh đã tạm thời ổn định. (Ảnh: Công an nhân dân)
Thành phần chính của quả hồng châu là Ankaloid, Axit Amin, Axit Cacboxylic, Flavonoid, Polyphenol… Độc tố chính của loại quả này là Alkaloid, chứa chính trong nhân hạt. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch. Một số hoạt chất khác có thể gây tổn thương các cơ quan khác như gan, thận…
TS. BS Lê Ngọc Duy lưu ý, việc phát hiện sớm và xử trí kịp thời là giải pháp quan trọng cứu sống bệnh nhân khi ăn quả hồng châu. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho các trường hợp bị ngộ độc hồng châu mà chủ yếu là điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng.
Bác sĩ Duy khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có biểu hiện ngộ độc do ăn quả hồng châu cần gây nôn, rửa dạ dày càng sớm càng tốt, dùng 4-6 gói sorbitol (nếu không có thể cho uống lòng trắng trứng), tăng cường thải độc tố, duy trì chức năng sống (trợ tim-mạch, trợ hô hấp, suy gan chống co giật, chống phù phổi cấp…), xét nghiệm, theo dõi và điều chỉnh chất điện giải trong máu cho trẻ.
Nếu thấy con ăn phải quả hồng châu phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước và gây nôn, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất bằng xe cơ giới (tuyệt đối không để trẻ đi bộ).
Hiện đang là mùa quả hồng châu chín, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ, các cấp chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của quả hồng châu cũng như các loại quả dại khác, tuyệt đối không ăn thử dù chỉ một lần nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.