Ngày 19.7 đưa tin: Chị N.T.C.D, 30 tuổi, ở quận 2, TPHCM, đến một spa ở quận 4 để nâng mũi. Được nhân viên tư vấn, kèm theo giá, chị chọn cách nâng mũi bằngchất làm đầy (filler)đang chuộng hiện nay.
Chỉ 5 phút sau khi tiêm chất làm đầy vào mũi, mặt chị sưng phù, mí mắt trái sụp xuống và mắt trái nhìn mỗi lúc một mờ, da vùng mũi và trán có vết bầm tím lan rộng dần.
Tình trạng cơ thể ngày càng xấu đi, nên chị đến BV Trưng Vương.
BS Lê Hồng Hà, khoa Mắt cho biết, da vùng mi mắt, mũi có dấu hiệu hoại tử; mắt trái sụp mi hoàn toàn, vận động nhãn cầu hạn chế, xuất huyết kết mạc (lòng trắng), phù giác mạc (lòng đen), vì thế thị lực mắt trái giảm trầm trọng, nhìn chỉ lờ mờ không rõ chi tiết...
Đây là biến chứng tắc mạch máu nuôi mắt do chất làm đầy, tuy nhiên, chị vẫn tỉnh táo, không liệt, tức là chỉ có biến chứng mắt, không có biến chứng tắc mạch não (gây liệt và rối loạn thần kinh, tâm thần).
BV đang điều trị nội khoa tích cực, nhưng khả năng hồi phục là rất khó khăn và nếu điều trị không hiệu quả, mắt trái sẽ hoại tử, buộc phải bỏ nhãn cầu!
Không ít nạn nhân
Ngày 5.7, chị N.T.T, 30 tuổi, ở Hà Nội, đến khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Viện Da liễu TƯ. Ngày 1.7, chị đến một spa trong TP tiêm chất làm đầy, và chọn sản phẩm làm đầy Meline của Hàn Quốc (gồm hyaluronic acid và thuốc gây tê Lidocain), nhân viên tiêm cho chị là y tá.
Vài giờ sau khi tiêm, thấy xuất hiện bầm tím vùng gốc mũi (chỗ lõm ở giữa mũi và trán), đau nhức nhẹ; hôm sau, vết bầm tím lan rộng xuống phần dưới mũi và lên vùng giữa hai đầu trong cung mày, đau nhức giảm đi...
BS khám thấy xuất huyết dưới da ở mũi và giữa hai cung mày, ấn không mất màu (nghĩa là chảy máu, ngấm vào mô; nếu là xung huyết (ứ máu), ấn sẽ mất màu), mật độ mềm, không nóng (không viêm); chẩn đoán tắc mạch do chất làm đầy...
Chị được tiêm ngay thuốc hyaluronidase (men tiêu hyaluronic acid) để giải tỏa chèn ép, thông mạch, kết hợp với thuốc giãn mạch, chống huyết khối và phù nề...
Ngày 3.6, chị Đoàn Thị M, 23 tuổi, ở Thanh Thủy, Phú Thọ cũng đến Viện Da liễu TƯ. Sau một ngày tiêm chất làm đầy Vinci, một sản phẩm Hàn Quốc (cũng gồm hyaluronic acid và Lidocain) thấy mũi đỏ, đau, da mũi chảy dịch.
Lập tức, cô gái trở lại spa và được tiêm hyaluronidase nhưng tình trạng lại càng trầm trọng hơn.
Năm ngày sau tiêm, khi đến Viện Da liễu, chóp mũi của cô sưng to, có nhiều ổ mủ lan rộng ở gốc và sống mũi, mũi đỏ, chảy dịch phải điều trị chống nhiễm khuẩn, giảm phù nề, thông mạch và chườm nóng.
Xem vỏ lọ filler mà cô đã tiêm, các BS cho biết là loại nhập qua đường tiểu ngạch.
Tháng 3, BS Võ Kế Đạt, khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, BV Trưng Vương cho biết, một cô gái 28 tuổi, tiêm chất nâng mũi giá 10 triệu đồng tại spa ở Bình Dương.
Sau một ngày vùng mũi đau nhức, mắt sưng húp, trở lại spa và được tiêm thuốc giải (hyaluronidase), nhưng không tác dụng và 5 ngày sau mũi sưng đau nặng phải về TPHCM. Ông kiểm tra thấy mô dưới da có dịch hồng lẫn đục.
Sau 7 ngày dùng kháng sinh, mi mắt bớt sưng, nhiễm trùng ở mũi đã giảm nên làm tiểu phẫu tháo ổ mủ, lấy hết mô viêm, rửa bằng dung dịch sát khuẩn, làm sạch bên trong, dẫn lưu dịch viêm ra ngoài; nếu đến viện muộn hơn có thể sẽ hoại tử da, ảnh hưởng thẩm mỹ trầm trọng hơn!?
Sau này còn phải mổ tạo hình thẩm mỹ mũi, nhưng phải chờ ít nhất 6 tháng để mô ổn định hoàn toàn.
Một cô gái 26 tuổi ở Hà Nội, đang du học ở Nhật, có dáng ưa nhìn, da trắng mịn, gương mặt dễ thương, nụ cười duyên...
Chưa vừa ý, cô luôn muốn đẹp hơn, cô thích môi hình trái tim, căng mọng hơn, vì môi của cô vốn hơi mỏng. Cô sợ phẫu thuật nên chọn tiêm filler cho “an toàn”...
Về nước nghỉ hè, cô đến một spa trong TP tiêm filler môi với giá 4,5 triệu đồng.
Ngay sau khi tiêm, hai môi xuất hiện những cục nhỏ, lồi lõm, rồi phồng rộp, bầm tím, hai môi lệch nhau và môi trên hở lợi nên miệng biến dạng, làm cô không dám cười, hễ ra ngoài là đeo khẩu trang.
Từ Nhật cô liên lạc với spa kia thì được “giải thích”: Môi là mô mềm, filler tiêm vào chưa tan hết nên lồi lõm nhẹ và còn cục nhỏ li ti, sau khi tan sẽ hết cục và khảng định filler đảm bảo chất lượng...
Thế nhưng suốt cả năm các cục vẫn y nguyên, đến hè cô về nước và yêu cầu spa xử lý. Sau ba lần tiêm hyaluronidase tình trạng vón cục không giảm mà môi còn bị bầm tím nhiều hơn. Cô buồn lắm và “chỉ mong sao môi mình được như trước”.v.v...
Đâu là nguyên nhân
Ngay cả thuốc làm đầy chuẩn được Cục quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp phép cũng gây tai biến vì tiêm trúng mạch máu, quá liều, dị ứng, nhiễm trùng..., bởi tai biến và biến chứng trong nghề y là không thể phủ nhận (được y văn thừa nhận), thuốc trôi nổi, thuốc kém chất lượng thì khỏi nói.
Tác dụng làm đầy của các thuốc làm đầy tạm thời hiện nay chính là do thành phần hyaluronic acid hữu cơ (HA, tương tự như thành phần này trong cơ thể), có 3 dạng: Lỏng, gel, hạt to, nhỏ, khi tiêm vào cơ thể HA sẽ làm đầy do hút nước.
Tuy nhiên, cần phải biết 2 điều: Không phải mọi loại filler đều tác dụng giống nhau và các loại filler tạm thời chỉ có tác dụng 6 - 24 tháng.
Tùy theo đặc điểm giải phẫu chi tiết, mô từng vùng và mục đích (làm mờ vết nhăn, hồi phục thể tích một vùng cơ thể hay lấp đầy những vùng lõm) mà chọn loại filler, liều lượng và tiêm độ sâu (trong da, dưới da... hay màng xương) thích hợp.
Biến chứng của chất làm đầy là đột quỵ, liệt nửa người do tắc mạch não, hủy hoại nhãn cầu dẫn đến mù lòa do tắc mạch nuôi mắt hoặc hủy hoại một vùng nào đó do không được cấp máu; thứ đến là nhiễm trùng.
Năm ngoái, chị N.T.L, 22 tuổi, ở TPHCM, bị xuất huyết não, liệt nửa người phải; tắc động mạch mắt trái và tổn thương toàn bộ thần kinh mắt, kèm theo viêm màng bồ đào, viêm mống mắt - thể mi và bong giác mạc, teo nhãn cầu, nên mắt trái mù hoàn toàn do tiêm filler trúng động mạch mũi, chất làm đầy theo máu đến, làm tắc động mạch não và động mạch mắt trái, hậu quả thật đau xót.
Ngay cả các BS được đào tạo kỹ lưỡng về tiêm filler cũng không thể biết trước tai biến không mong muốn.
Ở Việt Nam hiện tồn tại hai yếu tố làm tai biến xảy ra nhiều hơn là con người và thuốc.
BS Phạm Cao Khiêm, Trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ, Viện Da liễu TƯ nói rằng, một BS (thẩm mỹ hay da liễu) được phép tiêm chất làm đầy phải được đào tạo về filler, phải được cấp chứng chỉ hành nghề.
Nhưng hiện nay, hầu hết các spa, cơ sở thẩm mỹ đều tiêm chất này và các ca tai biến chất làm đầy nhập viện đều từ các spa này.
Bên trong những chiếc áo blouse ở những spa kia ai là BS được đào tạo cơ bản về filler hoặc không, ai là y tá... chỉ có họ biết!
Và tất nhiên “mật ngọt thì càng chết ruồi”, ở những nơi này lúc nào cũng chỉ những lời đường mật, nào là yên tâm, đảm bảo... nào là thuốc “xịn”...
Và khi có sự cố thì như bà T.T.N.H, chủ thẩm mỹ viện Hà Anh, đường Đặng Nguyên Cẩn, quận 6, TPHCM (trực tiếp tiêm filler cho cô N.T.L, không phải là BS), nói rằng L “năm tuổi nên xui thôi”!
Ưu điểm không phải mổ xẻ, mất rất ít thời gian cho làm đẹp của chất làm đầy đang được thần thánh hoá, bằng chứng là nhan nhản quảng cáo đào tạo tiêm, tiêm, bán filler trên mạng (không rõ Bộ Y tế đã thống kê bao nhiêu trong số những cơ sở này đủ điều kiện hành nghề và thuốc bán có được cấp phép?).
Song hành là vấn nạn sử dụng filler rất nhộm nhoạm ở các cơ sở thẩm mỹ.
Chính vì yêu cầu khắt khe nhằm hạn chế tai biến theo đúng chuẩn của FDA mà giá của Filler chính hãng dao động từ 500 - 1.000USD/ml, tùy loại Filler chính hãng sử dụng cho từng loại vị trí khác nhau; nâng mũi, phải tốn 500 - 1.000USD, nâng ngực phải mất khoảng 8.000USD.
Đến 28.3.2018 chỉ có ba thương phẩm làm đầy là Restylane (Thụy Sĩ, điều chế từ 1966), Juverderm (Mỹ) và e.p.t.q (Hàn Quốc) được Bộ Y tế cấp phép.
Tuy nhiên, hiện nay, tiêm Filler đang nở rộ, bằng chứng là các hãng dược, công ty buôn bán sản phẩm làm đẹp liên tục tổ chức hội thảo, đào tạo và bán các sản phẩm filler với hàng chục thương phẩm khác nhau, chủ yếu xuất xứ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... và hiện không có bất kỳ khảo sát, thống kê nào của các cơ quan có thẩm quyền!?
Vì vậy khi thấy giá filler rẻ phải thận trọng.
Đã có thuốc trôi nổi trộn Silicone lỏng hoặc hoàn toàn là Silicone (đã cấm vì gây nhiều tai biến, đặc biệt là tắc mạch) bị phát hiện và có những spa lừa khách rằng thuốc làm đầy của họ có tác dụng đến 5 năm, thậm chí vĩnh viễn.
Tốt nhất, nên chọn những thương phẩm filler được cấp phép ở Việt Nam, phải còn hạn sử dụng và tem bảo vệ nguyên vẹn, vì trong điều kiện bình thường, hộp thuốc đã mở chỉ giữ được chất lượng khoảng 15 ngày.
Chống chỉ định tiêm filler khi có thai và cho con bú; người đang viêm mũi, xoang không nên tiêm.
Để kết thúc chuyện dài nhiều tập làm đẹp xin nêu tấm gương Carol Bryan, người Mỹ, chỉ vì tiêm filler mà 30 tuổi không dám soi gương, chỉ muốn tự tử vì mù mắt phải và có bộ mặt quỷ...
Hiện cô tham gia một tổ chức tuyên truyền về sự nguy hiểm của làm đẹp và kêu gọi đưa ra những quy định nghiêm ngặt cho thẩm mỹ viện.
Theo Lao Động