Cặp vợ chồng 20 năm nếm đủ cay đắng để có con

Có bầu sau hai thập kỷ chữa trị, trái tim hân hoan của chị Thư như bị dội nước lạnh khi chồng ngờ vực đó không phải là con anh.

Đêm có khi chỉ ngủ 2-3 tiếng, tóc cả ngày chẳng chải nhưng hơn hai tháng nay có lẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất với chị Lê Ngọc Thư (quận 4, TP HCM) khi lần đầu được làm mẹ ở tuổi 43.

Đều là con một trong gia đình khá giả, sau khi kết hôn năm 1998, vợ chồng chị Thư luôn ao ước sẽ sinh được nhiều con để tổ ấm ríu rít tiếng trẻ thơ. Chị là nhân viên ngân hàng, anh làm kinh doanh, cả hai không phải lo lắng gì về kinh tế. Tẩm bổ cả vợ lẫn chồng, sinh hoạt điều độ... nhưng hơn một năm vẫn chẳng đậu thai, chị Thư đi khám đông y thì được chẩn đoán là lạnh tử cung. Sau vài tháng uống thuốc thấy kinh nguyệt rối loạn, chị dừng lại và tới Bệnh viện Hùng Vương kiểm tra. Tại đây, bác sĩ kết luận chị có nhiều nang nhỏ nhưng không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.

Vui mừng chưa bao lâu, chị Thư lại thấp thỏm khi "thả" thêm cả năm nữa vẫn không dính bầu. Hai vợ chồng lại đưa nhau tới viện. Lần này chị được kết luận là tắc vòi trứng, nhưng uống thuốc vài tháng cũng không ăn thua. Gia đình có điều kiện kinh tế nên khi nghe bác sĩ khuyên nên thụ tinh nhân tạo để tăng cơ hội, anh chị nghe theo ngay. Cả hai lại cùng nhau tới Bệnh viện Từ Dũ rồi ròng rã suốt mấy tháng trời hết tiêm thuốc lại bồi bổ để chuẩn bị làm thủ thuật. Nhưng tới bước tiếp theo - xét nghiệm tinh trùng - cả hai như bị sét đánh ngang tai khi biết anh Quang, chồng chị, không hề có tinh trùng. Bác sĩ khuyên nên mổ tìm nhưng anh không đồng ý.

Khao khát có con vẫn mãnh liệt, hai vợ chồng chị Thư lại theo một bác sĩ nam khoa khác, nhưng sau hơn nửa năm, tốn gần 70 triệu, tình hình vẫn chẳng cải thiện. Chưa từ bỏ hy vọng, họ tìm đến một bác sĩ đầu ngành về hỗ trợ sinh sản và thực hiện sinh thiết, may mắn tìm được một vài tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Niềm khấp khởi tắt ngấm khi phôi đầu được chuyển không thành công. Cố chịu đau để tiếp tục cấy phôi 3 tháng sau đó, chị Thư lại ngậm ngùi. Bác sĩ giải thích do tinh trùng của anh quá yếu nên cả hai lại tiếp tục uống thuốc thêm một năm nữa. Thất bại lặp lại. 

Sau vài năm chạy chữa, đau đớn về cả cơ thể lẫn tiêu hao vô số tiền của, chị Thư chuyển sang uống thuốc Bắc, ai mách ở đâu có thầy giỏi chị đều tìm đến, từ Vũng Tàu tới Phú Thọ, Hà Nội... nhưng các xét nghiệm vẫn chẳng khả quan. Cả hai ngày càng chán nản và quyết định sẽ ly hôn giữa năm 2008. 

Dù vậy, vì còn tình cảm, anh chị không nỡ ra tòa nên lại về chung sống tiếp. Sau một năm vờ như không quan tâm gì tới chuyện con cái, niềm khát khao được làm cha mẹ vẫn âm ỉ, cả hai lại sang Singapore mổ tìm được 14 con tinh trùng. Họ làm IVF nhưng thất bại tiếp. Cũng từ đó, cuộc sống của họ như mặt trăng mặt trời. Anh đi công tác liên miên, cả tháng mới về một lần. Nản lòng, chị nhắn tin nói muốn chia tay, anh trả lời đúng hai chữ "OK".

Chị Thư dọn khỏi nhà, sống lay lắt như cái bóng suốt 4 tháng. Rồi anh nhắn tin mong chị quay về. Vừa còn yêu chồng, vừa không muốn ba mẹ nghĩ ngợi, chị đồng ý. "Gặp lại cả hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc rồi lại động viên cùng cố gắng. Từ ấy, ở đâu có thầy chữa vô sinh, ở đó có dấu chân chúng tôi. Anh xã uống không biết bao nhiêu rượu thuốc, ngâm đủ thứ con mà trước giờ mới nghĩ tới cả hai đã muốn ói", chị Thư kể lại.

Nhưng mọi mong ngóng của họ vẫn vô vọng. Năm 2011, dù có có linh cảm từ lâu, chị Thư vẫn sốc khi phát hiện chồng có nhân tình. Chị viết đơn ly hôn rồi bỏ đi, nhất định không nghe cuộc gọi hay trả lời tin nhắn của anh. Nỗi tuyệt vọng xui khiến chị đi mua thuốc ngủ về kết thúc cuộc đời. Nhưng run rủi, khi về tới nơi thuê trọ thì gói thuốc rơi mất. Cũng lúc này, chị nhận được cuộc gọi đẫm nước mắt của mẹ đẻ. "Mẹ bị bệnh tim. Bà chỉ có mình tôi. Tôi không muốn mẹ có mệnh hệ gì vì mình nên nghe lời mẹ quay về với anh xã", chị nhớ lại.

Bé Sushi chào đời như ánh sáng cuối đời hầm trong hành trình gian nan của chị Thư. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau chuyện này, chồng chị đi làm về sớm hơn, quan tâm, chiều chuộng vợ hết mực. Cả hai lại uống thuốc chữa hiếm muộn nhưng kết quả trăm lần vẫn như một. Rồi chồng chị hay uống rượu, về nhà là kiếm cớ gây sự, có khi chị đang ngủ lại lôi dậy mắng: "Con gà còn đẻ được, sao cô là đàn bà mà không biết đẻ!". Uất ức nhưng sau đó thấy chồng lại xin lỗi rồi tự đi mua thuốc về uống, chị tự nhủ "Có lẽ anh mong con quá nên thành vậy, thôi mình ráng chịu một chút". 

Hết cắt thuốc uống tới cúng bái suốt từ 2014 vẫn chẳng có chuyển biến gì, tới đầu 2016, vợ chồng chị lại tìm về tây y, uống thuốc nửa năm cũng chưa có kết quả. Giữa năm đó, chồng chị nghe bạn làm ăn giới thiệu tới một bác sĩ đông y và tìm tới gặp. Đến nơi, thấy vị này là một cô gái "mặt búng ra sữa", cả hai quyết định quay về luôn. Về nhà, bứt rứt không yên, anh Quang một mình quay lại đó lấy thuốc uống. Ba tháng sau, anh đi xét nghiệm thì thấy có xác tinh trùng. Có chút hy vọng, chị cũng đi lấy thuốc uống cùng anh.

Tháng 7, chị thấy đau bụng, ngực cũng đau, và sửng sốt biết mình đã có thai, một cách tự nhiên. Hạnh phúc khôn tả, chị thông báo ngay cho gia đình chồng nhưng nhận lại thái độ đầy ngờ vực: "Thằng Quang không có con giống, con làm sao có bầu được, hay của thằng nào?". Từ ngày đó, bên nhà chồng thường xuyên nói ra nói vào, anh Quang suy nghĩ rồi cũng bắt đầu lạnh lùng với vợ, hay cáu gắt. Anh tin lời ba mẹ khi họ nói chị có nhân tình nên mấy năm qua mới vài lần bỏ nhà ra đi. 

Đau khổ cùng cực, chị Thư trở về nhà mẹ đẻ sống. Hai bên thông gia xích mích, mẹ chồng tuyên bố sẽ đưa con trai đi xét nghiệm, nếu kết quả kém, chị vĩnh viễn không được bước chân về nhà họ. Một tuần sau, anh đi kiểm tra, tinh trùng tốt không ngờ nên quay về xin lỗi vợ. Uất ức vẫn dâng trào nhưng nghĩ thương đứa con trong bụng bao năm mới có được, chị quyết định tha thứ để gia đình đoàn tụ. 

Từ ngày đó, anh đi làm luôn về sớm, đỡ đần mọi việc để vợ có thời gian nghỉ ngơi. "Tôi từng nghĩ cả đời này mình chẳng bao giờ được làm mẹ, nên việc có con đã bù đắp, xóa nhòa những đắng cay rồi", chị Thư bộc bạch. 

Sau 9 tháng thai nghén, ngày 29 Tết chị trở dạ sinh con gái. Ngày đó, không chỉ anh xã mà cả ba mẹ chồng, ba mẹ đẻ đều túc trực chờ được nhìn mặt cháu. "Lúc bác sĩ bế con lại gần, tôi chỉ biết khóc. Niềm hạnh phúc không lời nào tả xiết. Cuối cùng tôi cũng thực sự được làm mẹ rồi", chị Thư nhớ lại. 

Bé Sushi con gái chị hiện hơn hai tháng tuổi. Cô công chúa xinh đẹp có đôi mắt giống mẹ, cái mũi và miệng cười y hệt ba. Anh Quang hễ đi làm thì chớ, về tới nhà là phải hít hà, nựng nịu con. Bé thính ngủ, dễ tỉnh giấc nên chị Thư đêm ít khi được ngủ giấc tròn, ngày cũng bận bịu chăm con với đủ thứ việc bú mớm, bỉm sữa. "Có khi cuối ngày nhìn gương mới nhận ra đã quên chải tóc, nhưng tôi vẫn thấy mình vui, mình đẹp hơn bao giờ hết", người mẹ rạng rỡ kể. 

Lương y Nguyễn Thị Kim Tuyền (Biên Hòa, Đồng Nai), người đã bốc thuốc cho vợ chồng chị Thư cho biết, hầu hết phụ nữ đi chữa hiếm muộn đều có cảnh đời cay đắng: Người bị nhà chồng gây áp lực, ruồng rẫy, người phải một mình hành trình điều trị vì chồng khăng khăng nói mình khỏe; có người mang bầu được rồi thì phải vào viện sinh con một mình vì chồng đã đi theo người khác... "Thời gian chữa trị càng dài, họ càng phải chịu đựng nhiều khổ đau về tinh thần, thể chất, tốn kém về kinh tế", lương y Tuyền cho biết. 

Theo lương y, muốn chữa vô sinh hiệu quả thì ngoài việc tìm ra nguyên nhân để trị đúng, điều quan trọng là tâm lý, sự quyết tâm, thuận vợ thuận chồng. Tâm lý áp lực, lo nghĩ nhiều, stress làm cơ thể không được nghỉ ngơi và khiến người ta dễ mất lòng tin, sa ngã vào thói hư tật xấu, càng khiến việc chữa trị kém hiệu quả.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU