Ngày 13/7, công an huyện Vĩnh Ninh thuộc cấp thị Ngân Xuyên tại Ninh Hạ, Trung Quốc nhận được thông tin bé gái Lý Ngọc Đồng, 6 tuổi bị mất tích.
Ngày 17/7, thi thể của bé gái tìm thấy tại một ngôi nhà hoang và xác định là bị giết.
Sau khi tiến hành điều tra, cảnh sát đã bắt được hung thủ chính là Tô Nhất, 12 tuổi, anh họ của Lý Ngọc Đồng, sống gần nhà.
Lý Ngọc Đồng bị anh họ đánh chết sau khi trượt chân ngã bất tỉnh.
Ngày xảy ra tai nạn, Lý đã đi đến ngôi nhà này chơi cùng 2 người anh họ là Tô Nhất và Tô Nhị. Trong quá trình chơi đùa, Lý không may bị té ngã, đầu đập vào nền đất đến bất tỉnh.
Hai bé trai bắt đầu hoảng loạn, sợ Lý khi tỉnh lại sẽ đi mách người lớn khiến chúng ăn đòn. Tâm lý sợ hãi thôi thúc Tô Nhất dùng tấm gỗ liên tục đánh vào người Lý đến chết để bịt đầu mối.
Sau đó, cậu đi về như chưa có chuyện gì xảy ra và nghĩ rằng bố mẹ sẽ không biết.
Trong tâm lý của cậu bé 12 tuổi, hành vi giết người không có khái niệm gì cả vì chúng không nhận thức được sự nguy hiểm cũng như độc ác. Trong đầu của chúng chỉ là sợ bị bố mẹ trách phạt.
Thực sự sau khi vụ việc xảy ra, bố mẹ của Tô Nhất cũng như những bậc phụ huynh nhìn thấy được một bài học xương máu trong cách dạy con của mình. Ai bảo: "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi"? Không có bất cứ quan điểm nào là đúng hoàn toàn, bố mẹ cần phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về cách dạy con. Không phải cứ nghiêm khắc con bạn sẽ trở thành một đứa trẻ ngoan.
Trong quá trình phát triển của trẻ cần phải có những lần mắc sai lầm
Bố mẹ nào cũng mong muốn con mình trở thành những đứa trẻ ngoan, vâng lời, thông minh và nhạy bén. Nhưng khi chúng bước chân vào trong đời sống sinh hoạt bình thường, việc phạm sai lầm là việc khó tránh khỏi. Không có một đứa trẻ nào từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên mà không mắc một sai lầm nào cả.
Các bậc cha mẹ nên hiểu rằng, trẻ con cần phải trải qua những lần làm sai, mắc lỗi hay thậm chí bạn phải tạo cho chúng cơ hội để được làm sai. Vì khi còn nhỏ, những hành động của con chủ yếu là xuất phát theo hướng tự nhiên, bộc phát, chưa có suy nghĩ chín chắn.
Chính những lần như vậy mới cần sự dạy dỗ của cha mẹ, nhưng đa số các bậc phụ huynh lựa chọn biện pháp mạnh đối với con cái hơn là hỏi lý do tại sao và khuyên nhủ. Họ nghĩ rằng việc sử dụng biện pháp đó sẽ răn đe được trẻ và lần sau chúng sẽ không tái phạm nữa. Nhưng hoàn toàn sai lầm, sẽ có lần sau lần sau nữa, thay vì để bạn nhìn thấy thì chúng sẽ nói dối hoặc giấu chuyện đó đi.
Nhà giáo dục Jane Nielsen đã chỉ ra 4 biểu hiện của trẻ sau một thời gian chịu áp lực từ bố mẹ:
1. Oán giận
2. Trả thù
3. Nổi loạn
4. Khép mình lại
Việc sử dụng hình phạt nghiêm khắc sai cách không dạy được cho con một bài học nên nhớ mà chỉ khiến cho con thêm rối loạn tâm lý, xa lánh bố mẹ và thu hẹp giao tiếp của bản thân.
Các bậc phụ huynh nên hiểu rằng tất cả nguồn gốc về hành vi cũng như xuất phát suy nghĩ của trẻ bắt nguồn từ bố mẹ chúng.
Gia đình chính là môi trường giáo dục đầu tiên cũng như quan trọng nhất trong sự hình thành và phát triển của trẻ. Chính vì vậy bạn cáu giận khi chúng mắc lỗi sẽ là một hình ảnh khắc sâu vào trong tâm trí của con và con sẽ có hành động theo hai hướng: một là lặp lại hành động của bạn đối với người khác, hai là nói dối, giấu diếm đi những lỗi lầm mà chúng mắc phải.
Tất cả bố mẹ đều yêu thương con nhưng hãy yêu thương con bằng cách giáo dục đúng đắn, đừng chỉ làm theo những cảm xúc nhất thời của bản thân. Vì có thể cảm xúc của bạn sẽ quên đi nhưng ký ức của trẻ vẫn còn tồn tại dài theo thời gian.
Hãy học cách kiên nhẫn khi con mắc lỗi
Thay vì bạn sử dụng những hành động tay chân, lời nặng tiếng nhẹ với con. Bạn hãy bắt đầu từ những câu hỏi đơn giản như: Con có sao không, Tại sao lại xảy ra chuyện, Con đã làm gì để khắc phục chúng?... Sự an ủi và quan tâm của bố mẹ là điều mà trẻ cần nhất sau khi chúng mắc lỗi sai.
Bạn có thể phạt con nhưng hãy để cho chúng biết được rằng, chúng sai ở đâu, tại sao lại bị phạt, chúng bị phạt có đúng không. Như vậy, con sẽ học học hỏi được nhiều kiến thức và những kỹ năng mềm trong cuộc sống, cách đối mặt với những lần mắc sai lầm, cách để sửa chữa để không mắc phải lần sau nữa.
Cha mẹ tốt là cha mẹ để con mình mắc sai lầm. Quá trình trưởng thành của con là những lần trải qua lỗi lầm, sự thiếu sót, những lần đi ngược lại với quy luật thông thường. Hãy cho con cơ hội để sửa chữa, cho con cảm thấy được thấu hiểu, như vậy tự chúng sẽ biết đâu là đúng là sai mà sửa.
Theo Tri Thức Trẻ