Cậu bé tên Tiểu Bình, ở Trung Quốc, nhèo nhẽo và gây ồn ào khi đòi mẹ mua cho một chiếc cặp sách mới. Tức giận người mẹ đã vớ ngay một cây gậy và đánh đòn con trai.
Cơn tức giận lên tới đỉnh điểm, người mẹ cứ thế ra tay với con dù cậu bé 7 tuổi không ngừng khóc và xin mẹ nhưng người mẹ vẫn không dừng tay. Kết quả là mặc dù được đưa tới bệnh viện cấp cứu sau đó nhưng Tiểu Bình đã qua đời.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc như vậy xảy ra, các bậc làm cha mẹ cần thực hiện những điều sau:
Kiểm soát cảm xúc
Cuộc sống bận rộn và nhiều áp lực nên nhiều ông bố, bà mẹ phải chịu đựng những căng thẳng trong công việc và cuộc sống. Khi quá nhiều cảm xúc tiêu cực dồn nén, đặc biệt với một số bậc cha mẹ nóng tính, dẫn tới họ sẽ không kiểm soát được cảm xúc, thậm chí là hành vi với con mình.
Vậy các phụ huynh nên nhớ, trẻ em không phải là công cụ để trút cảm xúc, nhất là những cảm xúc tiêu cực. Để không làm ảnh hưởng xấu tới tâm lý của trẻ, việc kiểm soát cảm xúc của bố mẹ là điều đặc biệt quan trọng.
Không sử dụng đòn roi để giáo dục trẻ
Cách đây khoảng vài chục năm trở về trước, phương pháp dạy con bằng đòn roi rất phổ biến. Nhiều cha mẹ trẻ khi còn nhỏ đã từng nếm ít nhất vài roi của bố mẹ. Một số phụ huynh cho rằng, đánh đòn để các con đau, nhớ và không phạm lỗi nữa. Nhưng cách này lại không chỉ cho trẻ thấy chúng đã phạm lỗi gì để biết mà không tái phạm. Hơn nữa, dùng đòn roi để dạy dỗ sẽ khiến trẻ có xu hướng tích tụ sự tức giận và phẫn nộ trong tâm trí, hậu quả là một loạt các hành vi nổi loạn khi vào tuổi thanh thiếu niên.
Không nên nhắc lại lỗi cũ của con
Lật lại lỗi lầm từng mắc phải của con trong quá khứ cũng là một trong những điều mà các bố, mẹ hay mắc phải.
Đôi khi đứa trẻ chỉ mắc một lỗi nhỏ nhưng một số bố mẹ lại thích lôi hết những lỗi mà trẻ từng mắc trước đó ra đay nghiến, khiến lỗi nhỏ của trẻ lại thành lỗi rất lớn. Giáo dục đúng cách không phải như vậy, trẻ sai đâu thì sửa đó, chuyện gì, lỗi lầm gì đã qua không nên nhắc lại.
Hướng dẫn quan trọng hơn hình phạt
Khi trẻ mắc lỗi, suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu bạn là gì? Đối với nhiều cha mẹ, họ sẽ nghĩ ngay tới cách trừng phạt cho con nhớ. Nhưng mọi người lại quên rằng, hình phạt không bao giờ giúp trẻ không mắc lỗi lần sau mà chỉ có giúp con nhận ra vấn đề, ra lỗi lầm mới là cách đúng nhất.
Thường khi mắc sai lầm, trẻ sẽ không biết tại sao chúng phạm phải những lỗi đó. Làm cha mẹ, chúng ta phải giúp con hiểu được tại sao chúng sai để sửa chữa hành vi và ngừng gây hậu quả.
Trong giáo dục gia đình, cha mẹ nên có các phương pháp hợp lý. Điều này đòi hỏi chúng ta phải kiểm soát cảm xúc và không làm những điều gây hại cho trẻ. Khi giáo dục trẻ em, đừng luôn lo lắng về mọi thứ, và cuối cùng, khi trẻ mắc lỗi, hướng dẫn quan trọng hơn hình phạt.
Theo ttvn.vn