Theo thống kê của tòa án Nhật Bản, ngày nay nhiều phụ nữ chủ động gửi đơn ly hôn ra tòa, ngoài việc không hòa hợp trong cuộc sống vợ chồng thì bạo lực gia đình, bị nhà chồng lạm dụng hay chồng không cung cấp phí sinh hoạt cũng là những lý do chính khiến nhiều người vợ chấp nhận trở thành mẹ đơn thân.
Điển hình như trường hợp của cô B, một người phụ nữ kết hôn với con trai cả của một nông dân và sống cùng với bố mẹ chồng. Cô luôn phải đun nước tắm cho cả nhà chồng bằng củi và chỉ đến khi mọi người trong nhà đã tắm xong, nước đã nguội lạnh thì lúc đó mới đến lượt cô B tắm. Ngay cả sau khi sinh 4 đứa con, cô vẫn bị nhà chồng vắt kiệt sức lao động. Không thể chịu đựng thêm được nữa, cô thuyết phục chồng chuyển ra ngoài sống.
Đúng trong khoảng thời gian đầu ở riêng, chồng cô chuyển sang công việc mới nhưng không thuận lợi, cô B trở thành nơi để chồng trút giận bằng cả lời nói lẫn bạo lực. Cuối cùng cô đã báo cảnh sát và ly hôn. Sau khi trở thành mẹ đơn thân, cô tìm được một công việc phục vụ bàn nhưng số tiền lương quá ít ỏi không đủ để cô có thể nuôi các con.
Cô Orrie Ikeda, một bà mẹ đơn thân ở Nhật Bản.
Không chỉ riêng cô B, nhiều phụ nữ ở Nhật cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự. Họ bất đắc dĩ trở thành mẹ đơn thân nhưng lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Theo Bộ Lao động nước này, số lượng những bà mẹ đơn thân ở Nhật Bản đã tăng khoảng 50% trong giai đoạn 1992 - 2016. Độ tuổi trung bình của bà mẹ đơn thân ở đây là 40. Trong tổng số những bà mẹ đơn thân hiện nay ở Nhật, 80,8% là đã ly hôn, trong khi chỉ có 7,8% là làm mẹ không mong muốn. 7,5% khác là góa phụ. Trong khi đó, tỷ lệ ly hôn ở Nhật Bản đã tăng 66% từ năm 1980 đến năm 2012.
Những bà mẹ đơn thân được nhận tiền cấp dưỡng hay hỗ trợ nuôi con từ những người chồng cũ hoặc sống chung với bố mẹ thì họ là những người may mắn. Trên thực tế, trở thành mẹ đơn thân ở Nhật Bản, sống giữa một xã hội nổi tiếng là hà khắc thì đó quả là một điều không mấy dễ dàng. Ngày nay, phụ nữ vẫn ở một vị trí thấp kém trong xã hội. Sau khi ly dị chồng hoặc chia tay bạn trai, họ không dám chia sẻ với bạn bè thậm chí là gia đình. Họ thường phải tự thân vận động mà không nhận được sự giúp đỡ từ người thân.
"Chúng tôi có cái gọi là văn hóa xấu hổ. Phụ nữ bị đối xử bất công hơn và phải đối mặt với định kiến xã hội", Yukiko Tokumaru, giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ giúp trẻ em nghèo ở Osaka cho hay.
Không chỉ bị xã hội kì thị, coi thường, những người mẹ đơn thân ở Nhật còn phải đối mặt với một áp lực cũng lớn không kém đó là thu nhập. Hầu hết các bà mẹ đơn thân ở Nhật Bản đang sống với số tiền chưa bằng một nửa thu nhập trung bình của quốc gia. Nhiều người phải chật vật trong việc tìm kiếm một công việc ổn định để nuôi con, duy trì cuộc sống.
Theo truyền thống ở Nhật Bản, người đàn ông đóng vai trò trụ cột kinh tế và người phụ nữ thường ở nhà chăm sóc, nuôi dạy con cái. Theo Kingston, khoảng 60% lao động nữ đã nghỉ việc khi họ sinh con đầu lòng. Sau khi cố gắng quay trở lại làm việc, phụ nữ Nhật chỉ có thể tìm được công việc bán thời gian, nếu tìm được việc toàn thời gian thì mức lương rất thấp.
Nhiều công ty không muốn tuyển dụng những bà mẹ đơn thân vì họ sẽ không đảm bảo được hiệu quả công việc. Khi đi phỏng vấn xin việc, nếu là một người mẹ đơn thân, các công ty tuyển dụng sẽ đưa ra một loạt câu hỏi về việc ai sẽ là người chăm sóc đứa trẻ khi người phụ nữ đi làm? Nếu con bị ốm, họ sẽ xử lý thế nào? Họ có chấp nhận làm tăng ca thường xuyên hay không?
Trong khi đó, nhiều người mẹ đơn thân cũng không đáp ứng được những kỹ năng cần thiết trong công việc sau một thời gian dài ở nhà chăm con. Chính vì vậy, đa phần họ chọn làm việc bán thời gian hay công việc tạm thời để có nhiều thời gian chăm sóc con cái của mình và phù hợp với năng lực của bản thân. Từ năm 1992 đến năm 2011, tỷ lệ lao động không thường xuyên ở Nhật Bản đã tăng 15%. Khoảng 77% lao động không thường xuyên ở Nhật Bản là phụ nữ.
Sau ly hôn, phụ nữ nhận những công việc có thu nhập thấp hơn 30% so với nam giới. Và cái nghèo đã đeo bám họ dai dẳng. Trong khi tỷ lệ nghèo của tất cả các hộ gia đình có ít nhất một con là 12,9% tại Nhật Bản vào năm 2015, thì tỷ lệ nghèo ở các hộ gia đình đơn thân là 50,8%. Điều này dẫn tới vòng xoáy nghèo - ít học - nghèo sang thế hệ con cái.
Con cái của những bà mẹ đơn thân cũng bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Con cái của những bà mẹ đơn thân sống trong điều kiện nghèo nàn, ít học hơn và ít điều kiện để phát triển hơn. Trẻ có mẹ đơn thân chiếm một phần lớn trong số trẻ nhà nghèo tới mức thiếu ăn. Theo khảo sát của báo Asahi, vào năm 2017 có 319 căng tin trẻ em phục vụ bữa tối miễn phí hoặc giá thấp tại Nhật Bản - tăng từ 21 căng tin năm 2013.
Những đứa trẻ có mẹ đơn thân, sống trong nghèo khó thường bị tẩy chay trong cộng đồng của chúng. Akiko, một người mẹ 48 tuổi đang làm công việc bán thời gian và nhận được sự trợ giúp của cộng đồng. Con gái 20 tuổi của cô đã bỏ học giữa chừng năm lớp 2 và lớp 6 khi luôn bị bắt nạt vì có cha mẹ ly thân, không vượt qua kỳ thi để vào một trường công lập. Hiện tại, cô ấy đang học ở một trường cao đẳng tư.
Trên thực tế, rất ít bà mẹ đơn thân nhận được sự trợ giúp từ những người bạn đời cũ trong việc hỗ trợ chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái. Năm 2011, chỉ có 20% bà mẹ ly dị được nhận hỗ trợ nuôi con, theo James Raymo, một nhà xã hội học tại Đại học Wisconsin, Madison, người đã xuất bản một số bài báo về bà mẹ đơn thân ở Nhật Bản.
Mặc dù chính phủ Nhật Bản có chính sách trợ cấp cho các bà mẹ đơn thân nhưng với chi phí sống ngày càng đắt đỏ, đặc biệt là ở các thành phố lớn thì giống như "muối bỏ biển", họ vẫn sống ở mức nghèo khổ. Tuy nhiên, xã hội và chính quyền địa phương cũng đang tìm mọi cách để giúp đỡ các bà mẹ đơn thân cũng như đứa con của họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hiện nay, có một số tổ chức phi lợi nhuận đã tìm cách hỗ trợ những bà mẹ đơn thân ở Nhật Bản từ việc cung cấp cho họ nơi ở ổn định, mở ra các lớp đào tạo kỹ năng cần thiết trong công việc và hỗ trợ họ tìm việc làm. Vào tháng 7 vừa qua, một Ủy ban quốc gia chuyên hỗ trợ các bà mẹ đơn thân và gia đình của họ đã được thành lập.
Ủy ban mới sẽ tạo ra một môi trường thân thiện với các bà mẹ đơn thân, là tiếng nói đại diện cho họ trong chính phủ và xã hội. Họ sẽ tạo ra những liên kết cần thiết để giúp các bà mẹ đơn thân và gia đình có cuộc sống tốt hơn.
Nguồn: Tổng hợp
Theo Helino