Cha mẹ muốn con cái hạnh phúc, lúc nào cũng tươi rói, tự tin thì đừng bao giờ nói 2 câu này!

(lamchame.vn) - "Đằng sau những đứa trẻ mắc chứng trầm cảm, rất có thể cả gia đình đều mắc bệnh. Không chỉ những đứa trẻ mới cần được điều trị".

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, để trẻ không bị ảnh hưởng bởi gia đình thì thật khó! Bởi vì rất nhiều vấn đề thường được ngụy trang dưới dạng mối quan hệ gia đình hoàn hảo, chẳng hạn như 2 câu chúng ta thường nghe:

1. "Bố mẹ luôn vì lợi ích của con"

Chắc hẳn mỗi chúng ta đều từng gặp câu chuyện "mẹ chỉ thích ăn đầu cá, con ăn thịt cá đi". Rõ ràng, người mẹ vô cùng yêu thương, tận tụy với con. Nhưng còn đứa trẻ thì sao? Suy nghĩ mẹ phải hy sinh, không dám ăn, không dám mặc vì mình khiến trẻ bị ám ảnh và cảm thấy rất có lỗi.

Một số bậc cha mẹ luôn nhân danh tình yêu để gây áp lực cho con cái. Chẳng hạn như con đang đọc sách, cha mẹ sẽ bước đến bên con, ngắm nghía một chút, vỗ vai, thở dài rồi lại xuýt xoa. Trẻ đọc sách đã thấm mệt, muốn nghỉ ngơi nhưng cha mẹ lại nói: "Chúng ta làm tất cả mọi thứ vì con. Chỉ cần con chăm chỉ học hành thì cha mẹ làm lụng mệt mỏi mấy cũng được".

Nhiều bà mẹ ông bố hay nói: "Nếu không có con, bố đã ly hôn với mẹ từ lâu rồi, cũng không phải chịu đựng đến bây giờ"; "Bố/mẹ làm việc chăm chỉ vì con, tại sao con lại không hiểu"...  Điều họ yêu cầu là sự vâng lời, mặc cảm tội lỗi của đứa trẻ. Khi đứa trẻ không đáp ứng được những kỳ vọng lý tưởng, họ sẽ có cảm giác bất bình, thậm chí tệ hơn là cảm giác bị lừa dối, phản bội.

Kiểu nuôi dạy này khiến đứa trẻ cảm thấy bất lực và tự trách mình, đồng thời đẩy mối quan hệ cha mẹ và con cái ngày càng xa rời.

2. "Không sao đâu, hãy rộng lượng đi"

Xung quanh vẫn còn những bậc cha mẹ như thế này:

Khi trẻ ngã, liền an ủi: Không sao đâu, không đau đâu. Khi một đứa trẻ bị bắt nạt và phàn nàn với người lớn, ngay lập tức nó sẽ được nhắc: Đó chỉ là chuyện nhỏ thôi. Khi đồ chơi của trẻ bị trẻ hàng xóm lấy mất, người lớn tỏ ra thờ ơ: Chỉ là đồ chơi thôi, nhà mình có rất nhiều đồ. Con phải rộng lượng thì mọi người mới thích chơi với con.

Những bậc cha mẹ thường xuyên khuyến khích con sống khoan dung, rộng lượng luôn cảm thấy vô cùng tự hào vì mình đã nuôi dạy được một đứa trẻ tính độc lập, bao dung. Trên thực tế, những đứa trẻ được nuôi dạy theo cách này có thể dễ dàng có thói quen kìm nén hoặc phớt lờ cảm xúc của chính mình.

Đừng quên rằng con người sinh ra đã có cơ chế tự vệ. Nếu cảm thấy đau sau khi ngã, bạn cần thể hiện điều đó để thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài và để người khác quan tâm nhiều hơn. Chỉ khi cảm thấy đau khổ sau khi bị bắt nạt, bạn mới xác định được những người không thân thiện với mình và tránh tiếp tục gây hại nhiều hơn. Tức giận khi bị lấy đi đồ chơi là phản ứng bản năng khi ranh giới của bản thân bị vi phạm...

Tuy nhiên, chúng ta thường hiểu lầm việc coi khả năng "chịu đau" của trẻ là dấu hiệu của sự giáo dục thành công. Nhưng lối giáo dục kiểu này chẳng khác nào giúp kẻ xấu nuôi dưỡng một nhóm con mồi không biết đánh trả, thậm chí sẵn sàng hy sinh bản thân.

Một số người có thể hỏi, nếu trẻ em không được dạy dỗ theo cách này thì liệu chúng có dễ trở thành người ích kỷ hơn không? Thật ra, chỉ những người thực sự yêu bản thân mình mới có thể yêu người khác .

Việc nhìn nhận, thấu hiểu và bao dung những vấn đề cảm xúc của trẻ giúp trẻ thực sự đồng cảm với những phần dễ bị tổn thương trong trái tim. Và chỉ khi đó chúng mới có thể đồng cảm với người khác cũng như chính mình.

Đừng đợi đến khi con bạn đè nén trái tim mình như núi lửa rồi mới phải hối hận khi nó phun trào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU