Đài BBC (Anh) cho biết hiện nay cả thế giới quan tâm đến từng từ từng chữ từ các cuộc họp báo tại trụ sở của WHO ở Geneva, cũng như thông tin số người mắc COVID-19 tại các quốc gia. Đây là trách nhiệm mà người đứng đầu WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đang phải gánh vác.
Khi bước vào vai trò mới Chủ tịch WHO cách đây 2,5 năm, ông Tedros cam kết sẽ cải tổ WHO và giải quyết các căn bệnh khiến hàng triệu người thiệt mạng mỗi năm như sốt rét, sởi, HIV/Aids. Kể từ khi giữ cương vị mới, ông Tedros đã phải đối mặt với 2 dịch bệnh được WHO tuyên bố là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu là Ebola và COVID-19.
Điều này đồng nghĩa với 24 giờ giám sát, triển khai nhân viên, thiết bị y tế và thuốc men, thảo luận hàng ngày với các quốc gia bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ lây nhiễm và cung cấp thông tin đáng tin cậy cho dư luận đang mong mỏi câu trả lời.
Những người quen biết Tedros thường đánh giá ông là người “cuốn hút” và “khiêm tốn”. Ngay tại buổi họp báo đầu tiên trên cương vị mới, ông Tedros đã khiến các nhà báo cảm thấy ấn tượng. Ông Tedros tươi cười, nói chuyện một cách thư giãn với tông giọng nhỏ nhẹ. Nhưng đằng sau phong thái đó là một người đàn ông quyết đoán.
Ông Tedros sinh năm 1965 tại Asmara, nơi trở thành thủ đô của Eritrea khi độc lập khỏi Ethiopia năm 1991. Sau đó, ông Tedros chủ yếu sống tại vùng Tigray của Ethiopia. Năm 2000 ông hoàn tất học vị Tiến sĩ trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng.
Sự kiện đã tác động mạnh đến ông là cái chết của em trai. Em trai ông Tedros qua đời khi 4 tuổi và ông nghi ngờ sởi là căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của cậu bé. Chia sẻ với tạp chí Time trong tháng 11, ông Tedros nói: “Tôi không thể chấp nhận điều đó, ngay cả bây giờ cũng vậy”. Ông cho rằng thật không công bằng khi một đứa trẻ thiệt mạng vì căn bệnh có thể ngăn ngừa được và chỉ bởi vì sinh ở nhầm chỗ.
Ông Tedros trở thành thành viên đảng Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) và trong giai đoạn từ năm 2005-2012 ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế. Đã có nhiều khen ngợi thành tích của ông Tedros trong cải tổ lĩnh vực y tế và nâng cấp việc tiếp cận với chăm sóc sức khỏe ở Ethiopia.
Tiếp đó, từ năm 2012-2016, ông Tedros giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Ethiopia. Đến năm 2017, ông Tedros giữ cương vị Tổng giám đốc WHO. Ông Tedros là người châu Phi đầu tiên đảm nhận chức Tổng giám đốc WHO.
Năm 2017, ông Tedros đảm nhận cương vị Tổng giám đốc WHO. Ảnh: Getty Images
Ông Tedros ghi nhận rằng để thành công trong giải quyết khủng hoảng toàn cầu, WHO cần dựa vào hợp tác giữa 194 quốc gia thành viên.
Khi dịch Ebola bùng phát tại Congo năm 2018, ông Tedros đã trực tiếp đến nước này vài lần, không chỉ để đánh giá tình hình mà còn trao đổi với lãnh đạo địa phương. Khi COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, ông Tedros cũng nhanh chóng bay đến Bắc Kinh.
Giáo sư Lawrence Gostin tại Đại học Georgetown nhận định: “Chiến lược của chủ tịch WHO là trấn an Trung Quốc hướng đến minh bạch và hợp tác quốc tế thay vì chỉ trích chính phủ nước này”. Sau chuyến thăm Bắc Kinh, ông Tedros đánh giá Trung Quốc đã thiết lập “tiêu chuẩn mới về kiểm soát dịch bệnh”.
Ở thời điểm cả thế giới đang chiến đấu với virus mới, có nhiều ý kiến muốn ông Tedros tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên một số quan chức cấp cao của WHO cho rằng tuyên bố này sẽ không thể thay đổi chiến thuật của WHO trong xử lý COVID-19.
Năm 2010, lãnh đạo WHO khi đó là bà Margaret Chan đã vấp phải nhiều chỉ trích khi coi cúm A-H1N1 là đại dịch và đề nghị các quốc gia chi hàng triệu USD tiền thuốc. Tuy nhiên, đến cuối cùng hầu hết các loại thuốc này lại không cần thiết.
Về phần mình, ông Tedros vẫn đều đặn phát biểu họp báo, từng lời nói của ông xuất hiện trên truyền thông khắp thế giới. Và mặc dù đối mặt với áp lực phải có câu trả lời, dưới sự chú ý của truyền thông, ông Tedros vẫn luôn thân thiện. Ở cuối mỗi buổi họp báo, sau khi sắp xếp giấy tờ, ông Tedros vẫn nở nụ cười và nói “hẹn gặp các bạn vào ngày mai”.
Link gốc: https://baotintuc.vn/ho-so/chan-dung-nguoi-dung-mui-chiu-sao-cua-who-20200304170905438.htm
Theo ttvn.vn