Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai kiểm tra, phát hiện gần 34 nghìn cuốn sách không rõ nguồn gốc vào tháng 5/2024. Ảnh: Hoàng Phúc
Triệt phá nhiều “tụ điểm”
Cuối tháng 5/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 (thuộc Cục Quản lý thị trường Đồng Nai) phối hợp với Công an huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp tư nhân thuộc thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch do ông N.T.T làm chủ.
Tại đây, lực lượng kiểm tra phát hiện gần 34 nghìn cuốn sách giáo khoa các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, ông T không xuất trình được các hóa đơn hợp lệ chứng minh nguồn gốc số lượng hàng hóa trên.
Một tháng sau đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP Đà Nẵng) triệt xóa một đường dây chuyên sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả quy mô lớn. Theo đó, sau thời gian lập án đấu tranh, ngày 14/6, Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của công an thành phố đã khám phá thành công Chuyên án SGK-192, triệt xóa đường dây chuyên sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả quy mô lớn tại Đà Nẵng do Lê Duy Quang (42 tuổi) và Nguyễn Văn Ánh (44 tuổi), cùng trú tại quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) cầm đầu.
Mở rộng điều tra, lực lượng làm nhiệm vụ tiếp tục phát hiện, bắt giữ thêm 3 đối tượng tại TPHCM liên quan đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa nêu trên, gồm: Nguyễn Trung Luật (43 tuổi); Phạm Ngọc Quang (47 tuổi) và Phạm Thạch Kim Điền (39 tuổi) cùng trú tại TPHCM.
Tang vật thu giữ gồm 1 triệu con tem, 600 nghìn cuốn sách giả thành phẩm và bán thành phẩm (trị giá khoảng 12 tỷ đồng) cùng toàn bộ máy in, máy cắt, máy đóng kim, máy may chỉ, máy dán keo, xe nâng, xe ô tô, tem giả, bản kẽm, giấy in... Theo thống kê ban đầu, trong 2 năm, những người này đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 4 triệu cuốn sách giáo khoa.
Gần đây nhất, ngày 16/7, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Công an tỉnh Hậu Giang, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Cần Thơ, chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra địa điểm tập kết, lưu trữ, kinh doanh sách giáo khoa tại đường số 1, khu dân cư Tây Đô Ecopark (xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang).
Tại thời điểm kiểm tra, ông L (chủ cơ sở kinh doanh) không cung cấp được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hóa đơn chứng từ có liên quan đến hàng hóa. Qua 2 ngày kiểm đếm, phân loại số lượng, chủng loại, đoàn kiểm tra ghi nhận hơn 79 nghìn quyển sách giáo khoa các loại từ lớp 1 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa được tính theo giá ghi trên sách giáo khoa là hơn 1,3 tỷ đồng.
Để tránh tình trạng mua phải sách giáo khoa giả, nhiều trường tại TPHCM đã làm đầu mối, kết nối để cung ứng sách cho những phụ huynh, học sinh có nhu cầu. Ảnh: NTCC
Cẩn trọng chọn địa điểm mua sách
Ông Nguyễn Phong Yên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam (đơn vị phát hành sách giáo khoa chính thức của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) chia sẻ, điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất ở sách thật, sách giả mà phụ huynh có thể phát hiện bằng mắt thường là màu sắc, chất liệu sách.
“Sách thật thường sẽ cầm chắc tay, mực đẹp, in rõ, cả nội dung và hình ảnh. Sách giả thường sẽ có chất lượng in kém hơn, nên sản phẩm in ra sẽ nhẹ hơn, màu tối, dễ lem mực. Các hình ảnh trong sách giả thường sẽ nhòe, mờ, một số chỗ bị mất nét, không nhìn rõ chữ”, ông Yên nói.
Cũng theo ông Yên, khi sử dụng sách giáo khoa giả, giáo viên và học sinh sẽ không sử dụng được sách điện tử và kho học liệu đi kèm do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Với các cuốn sách giáo khoa tiếng Anh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khuyến khích học sinh sử dụng sách điện tử song song cả trên trường và ở nhà. Với phiên bản sách điện tử, các bài tập trong sách tiếng Anh được số hóa, tích hợp file nghe, đáp án đi kèm, rất dễ dàng cho học sinh ôn tập và rèn luyện kiến thức vừa học tại nhà.
“Đặc biệt, một số nội dung trong sách in lậu được đánh máy lại nhưng không qua các khâu kiểm duyệt như sách thật, có thể làm sai lệch kiến thức trong quá trình học tập của học sinh. Các thông tin thể hiện trên bản đồ trong sách giả cũng sẽ không đúng kích thước tiêu chuẩn bởi không có hình ảnh bản quyền hoặc sai lệch về thông tin…
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Ngoài ra, sách giả gây tác hại xấu đến thị lực của người dùng. Các hình ảnh, nội dung trong sách bị nhòe, mờ, không rõ nét dẫn đến việc thị lực bị suy giảm nếu sử dụng sách kém chất lượng trong thời gian dài”, ông Yên chia sẻ.
Là chủ biên sách giáo khoa Giáo dục công dân các lớp 7, 8, 9 của bộ sách Chân trời sáng tạo, TS Bùi Hồng Quân - Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, việc biên soạn và thẩm định là một quá trình rất chặt chẽ để đảm bảo tính khoa học cũng như gắn với mục tiêu Chương trình GDPT 2018.
Do đó, việc lựa chọn sách là một điều rất quan trọng. Nếu chẳng may mua phải sách giả, sách kém chất lượng, đầu tiên xét về góc độ pháp luật, việc buôn bán mặt hàng này đã vi phạm các nguyên tắc về sở hữu trí tuệ và bản quyền.
Ngoài ra với loại sách này, không có gì chắc chắn được rằng nội dung trong đó có bị sai lệch hay không, cũng như chất lượng in ấn có đảm bảo. Điều này có thể nguy hại cho người học cũng như ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của thầy và trò.
“Chính vì vậy trong quá trình mua sách, phụ huynh và học sinh cần phải cẩn trọng trong việc lựa chọn các địa điểm phân phối một cách uy tín để lựa chọn một bộ sách chất lượng, góp phần gia tăng hiệu quả của việc học tập của con em”, TS Bùi Hồng Quân cho hay.
“Để ngăn chặn tình trạng sách giáo khoa giả làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh, sở đã có văn bản gửi các cơ quan quản lý thị trường, các phòng giáo dục và đào tạo địa phương và các trường thuộc sở để có cảnh báo và hướng dẫn cụ thể. Biện pháp hiệu quả hiện nay là phụ huynh có thể đăng ký mua sách giáo khoa ngay tại nhà trường. Nhà trường sẽ liên hệ với các đơn vị xuất bản chính thức và công ty phát hành có giấy phép hoạt động để đưa sách về tận trường học phát trực tiếp cho học sinh”, ông Võ Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai nói.