Chiều 20/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) công bố đã thực hiện thành công 108 ca ghép gan và đón nhận giấy chứng nhận thành viên của Hiệp hội Phẫu thuật Hoàng gia Anh.
Hiệp hội Phẫu thuật Hoàng gia Anh (Royal College of Surgeons - RCS) là cơ quan độc lập có nhiều hoạt động, trong đó có chức năng đánh giá và xếp hạng ngoại khoa, cấp chứng chỉ toàn cầu theo những tiêu chí chặt chẽ.
Theo GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hiện nay cả nước có 9 trung tâm ghép gan đã thực hiện ghép gan thành công cho hơn 300 bệnh nhân. Trong đó, riêng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công 108 ca ghép và trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất cả nước.
Một bệnh nhân được ghép gan thành công từ người cho sống (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Cũng theo GS Bàng, việc thực hiện thành công 108 ca ghép gan có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với bệnh viện. Bởi vì ghép gan là một kỹ thuật khó, đòi hỏi sự kết hợp của rất nhiều chuyên ngành. Khi chúng ta tiến hành một ca ghép gan thành công thì tất cả các chuyên ngành phải cùng phát triển, đều phải đáp ứng được chất lượng về chẩn đoán, cấp cứu, điều trị cũng như điều phối và tổ chức thực hiện.
Đối với ngành y tế, sự kiện 108 ca ghép gan là sự kiện lớn, đánh dấu bước phát triển, vươn tới những đỉnh cao mới của y học hiện đại.
Ca ghép gan đầu tiên tại bệnh viện được thực hiện vào tháng 10/2017, là ca ghép gan cùng huyết thống từ người cho sống - con trai hiến tặng cho mẹ. Thời điểm ghép gan người mẹ 56 tuổi bị xơ gan, suy gan nặng... người con trai 26 tuổi mong được hiến gan cứu mẹ. Các bác sĩ đã lấy lá gan phải của người con trai (chiếm 2/3 lá gan) để ghép cho người mẹ.
Đến nay, sức khỏe người mẹ vẫn ổn định, còn người con trai đã lập gia đình và sinh con bình thường.
Theo GS Bàng, ở người hiến gan, sau khi cắt gan thì mô gan còn lại sẽ tăng cường phát triển tế bào để bù đắp vào khối lượng gan đã bị mất đi, có thể coi là tái tạo gan trở lại, gan sẽ phì đại lên rất nhiều, tương đương hoặc lớn hơn kích cỡ lá gan trước đó. Vì thế, sức khỏe người cho hầu như không bị ảnh hưởng. Nếu người hiến gan vẫn giữ một chế độ sinh hoạt tốt, thể dục thể thao đều đặn sẽ khỏe mạnh, lao động, sinh hoạt như bình thường.
Phẫu thuật ghép gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
GS Bàng cho biết từ thành công của ca ghép gan trên, bệnh viện đã tổ chức ghép gan thường quy hàng tuần, trung bình mỗi tuần 1-2 ca; có tuần 4-5 ca, tương đương với nhiều trung tâm ghép gan hàng đầu thế giới.
"Hiện mỗi năm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện từ 40-50 ca ghép gan, với tỉ lệ thành công và thời gian sống sau ghép tương đương các nước tiên tiến trên thế giới, nhưng chi phí thấp hơn rất nhiều nên rất có ý nghĩa đối với bệnh nhân ung thư gan và suy gan mạn tính giai đoạn cuối. Với những thành tựu đạt được, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã được Hiệp hội Phẫu thuật Hoàng gia Anh cấp chứng nhận là thành viên chính thức"- GS Bàng cho biết.
Đến nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã ghép được 8-11 loại mô tạng với trên 300 ca ghép, nhiều nhất là ghép tế bào gốc, ghép thận, ghép gan. Bệnh viện phấn đấu thời gian tới thực hiện từ 100-150 ca ghép gan mỗi năm, tiến tới ghép gan cho 2 người không cùng nhóm máu, lấy gan của 2 người để ghép cho 1 người để giảm thấp nhất mức độ ảnh hưởng của người hiến gan.
Theo kenh14.vn