Sinh ra trong một gia đình nghèo và đông con ở tỉnh Đắk Lắk, anh Ybum Mlo (32 tuổi) lại không may mắn khi bị khiếm thị bẩm sinh. Hoàn cảnh của chị Vũ Thị Thơ cũng không khá hơn khi mới sinh ra chị đã bị tật nguyền đôi chân.
Anh Ybum Mlo mưu sinh bằng công việc bán hàng rong.
Đã yêu thì có 1.000 cây số cũng sẽ đi
Lên 8 tuổi, sau khi được nhận được một ca phẫu thuật chân miễn phí, chị Thơ mới được chập chững bước đi đầu tiên.
Dù vậy đôi chân yếu ớt và không phát triển khiến việc đi lại của chị rất khó khăn. Chính những khiếm khuyết của cơ thể đã đưa anh chị đến gần nhau hơn khi vào năm 2014, cả hai tình cờ quen biết nhau trong một câu lạc bộ dành cho những người khuyết tật trên điện thoại. Và đó cũng chính là nơi ươm mầm cho tình yêu giữa anh Ybum và chị Thơ.
Chị Thơ kể về hoàn cảnh 2 vợ chồng gặp nhau.
"Đó là một câu lạc bộ dành cho những người khuyết tật, mọi người đều có số điện thoại của nhau để liên lạc tâm sự cho đỡ buồn. Trong đó thì ai cũng giống nhau cả nên mình nói chuyện thoải mái, mình cũng quen và bắt đầu cơ duyên với vợ mình ở đó", anh Ybum tâm sự.
Sau những cuộc trò chuyện trên điện thoại, anh Ybum và chị Thơ nhận ra sự đồng điệu giữa hai trái tim và dần dần có tình cảm với nhau.
Chị Thơ bộc bạch: "Hồi đó không có điện thoại cảm ứng như bây giờ, ngày nào cũng nói chuyện với nhau nhưng chưa bao giờ thấy mặt nhau. Chỉ có nhắn tin, gọi điện qua lại vậy thôi nhưng mà thấy vui, ấm áp và dần có tình cảm với nhau lúc nào không hay luôn".
Tình yêu khiến họ vượt qua khoảng cách địa lý lẫn sự chênh lệch về chiều cao để đến với nhau.
Tôi hỏi chị có tin vào tình yêu khi mà khoảng cách quá xa như vậy trong khi hai người đều có khiếm khuyết trên cơ thể, chị Thơ bẽn lẽn trả lời: "Lúc đó tôi cũng không nghĩ xa xôi, chỉ có một người nói chuyện hợp với mình, hai người động viên nhau khi gặp khó khăn là được. Những mà dần dần thấy anh chân thành tôi càng yêu anh hơn nhưng lại ngại nên không dám nói và tính đến chuyện cưới xin".
Nhưng rồi một ngày, anh Ybum bất ngờ nói sẽ ra tận Bắc Giang để thăm chị Thơ, và đó cũng là bước ngoặt trong cuộc đời của vợ chồng anh chị.
"Tôi biết là nhà vợ tôi ở xa, lúc đấy tôi cũng đang đi làm ở Quảng Ngãi. Thú thực là chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ lấy vợ xa như vậy nhưng từ đó đến giờ chỉ có vợ tôi là người đặc biệt nhất.
Xong rồi tôi làm liều, từ Quảng Ngãi về lại Đắk Lắk, sau đó bắt chuyến xe ra Bắc Giang tìm người yêu. Chính tôi cũng bất ngờ với quyết định của mình, nhưng lúc đó yêu mà", anh Ybum vừa cười vừa tâm sự.
3 tháng sau cuộc gặp gỡ định mệnh, anh Ybum và Chị Thơ quyết định về chung một nhà trong niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ và gia đình hai bên dù đám cưới của anh chị vỏn vẹn trong một bữa tiệc nhỏ ở Bắc Giang, không có áo cưới, không rước dâu.
Hạnh phúc nhỏ của gia đình "đũa lệch"
Gánh nặng cơm áo gạo tiền đặt lên vai tất cả các gia đình, nhưng đối với những người khuyết tật cuộc sống lại vất vả hơn nhiều. Cưới nhau xong, anh chị quyết định vào TP.HCM thuê nhà để đi bán vé số kiếm tiền trang trải.
Thế nhưng, có hôm anh chị bị giật cả hơn trăm tờ vé số, đôi chân chị Thơ vốn đã yếu ớt nhưng nhiều lần bị kẻ xấu xô ngã khi cố gắng giành giật lại vé số từ tay kẻ xấu.
Con trai là động lực và hi vọng của đôi vợ chồng khuyết tật.
Trong lúc cuộc sống còn khó khăn, anh chị đón nhận tin vui chị Thơ mang thai. Tin vui đến với đôi vợ chồng trẻ thật bất ngờ bởi cơ thể chị Thơ rất yếu và nhỏ, chị chỉ nặng 28kg và cao vỏn vẹn 1m1, mọi người đều nghĩ chị khó có thể mang thai và sinh đẻ. Niềm vui xen lẫn lo lắng nhưng cuối cùng, chị cũng quyết định sinh con.
Anh Ybum tâm sự: "Lúc đó tôi lo lắm, sợ vợ vì sinh con cho tôi mà bị nguy hiểm, một phần cũng sợ con bị di truyền từ tôi, bản thân không lành lặn tôi không muốn con cái sinh ra cũng khổ như bố mẹ. Nhưng sau đó được biết vợ có thể sinh mổ không nguy hiểm đến tính mạng, và mình cũng không nhẫn tâm bỏ con được nên vợ chồng quyết định sinh".
Ngày chị Thơ sinh con, anh Ybum không có mặt ở bệnh viện, dù không được nghe tiếng khóc chào đời của con trai nhưng hạnh phúc vỡ òa khi anh biết vợ an toàn và con trai khỏe mạnh: "Lúc người nhà báo tin tôi chỉ muốn lao thẳng đến viện với vợ con, không kìm được nước mắt", anh Ybum nhớ lại phút giây hạnh phúc khi con trai chào đời.
Chị Thơ cũng tâm sự: "Lúc sinh con cũng khó khăn vì mắt ảnh bị vậy không chăm sóc cho tôi được nhiều, nhưng bù lại ảnh rất thương vợ, nhà không có tiền mà ảnh vẫn cố nhờ người mua thuốc bổ, sữa cho tôi. Ảnh cũng cố bán thêm vé số đến tối muộn, sáng thì đi sớm kiếm tiền. Rồi cũng tập tành học cách chăm con, đến giờ thay tã, đút cho con ăn điêu luyện lắm".
Cuộc sống gia đình họ luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc.
Vợ chồng anh Ybum chia sẻ vì trời thương nên con trai khôn lớn và khỏe mạnh. Dù mới 3 tuổi nhưng bé khá bụ bẫm và cao sắp bằng mẹ nên hay bị hàng xóm trêu là gia đình "đũa lệch".
"Đi ra ngoài ai cũng trêu "hai chị em mày đi đâu đấy", buồn cười lắm. Hàng xóm biết hoàn cảnh của mình nên cũng giúp đỡ nhiều, mỗi lần cần đi mua đồ là sai con mang tờ giấy qua nhờ hàng xóm mua hộ chứ từ ngày bị ngã chân tôi vẫn chưa đi lại được", chị Thơ nói.
Hiện tại anh Ybum đã chuyển qua bán tăm bông, mỗi ngày anh đi từ 5 giờ sáng bán đến trưa rồi về chăm vợ con buổi chiều. Tối ăn cơm xong anh lại tranh thủ ra chợ gần nhà để bán kiếm thêm.
Cuộc sống tuy vất vả hơn nhưng gia đình nhỏ vẫn đầy ắp tiếng cười. Ước mơ lớn nhất của anh chị lúc này là cho con trai được đi học để thoát cảnh nghèo đói. Hi vọng điều ấy sẽ sớm thành hiện thực với tổ ấm của anh Ybum và chị Thơ.
Theo Trí Thức Trẻ