Chúng ta luôn nghĩ về Châu Phi như một lục địa nghèo đói, tồi tàn, kém phát triển, nơi những tệ nạn xã hội xuất hiện nhan nhản, nơi dịch bệnh tràn lan bùng phát. Cực kì khó để nói về nơi đây như một vùng đất an toàn và tươi sáng mà mọi người có thể an tâm đặt chân đến.
Bắt nguồn từ chính cái tên Lục Địa Đen đã đeo bám xứ sở này, chúng ta hãy thử trở lại thời gian khoảng thế kỉ thứ 16 khi cái tên ấy bắt đầu xuất hiện. Ý nghĩa của nó dùng để ám chỉ những nơi hoang sơ, chưa được khai phá, ít được biết đến và ít người sinh sống. Thuở đó, chỉ có Nam Mỹ và vùng lạnh lẽo, đêm dài ngày ngắn như Greenland mới bị nhắc tới như Lục Địa Đen. Thế nhưng, qua thời gian, cái tên này lại bị gắn liền với Châu Phi. Lịch sử thế giới mất kha khá thời gian để ghi nhận nó, thậm chí ngay cả khi bị chia năm xẻ bảy trong cuộc chiến giữa các nước Châu Âu, thì sự tồn tại của nó vẫn còn khá mờ nhạt.
Thêm vào đó, người dân Châu Phi bị xem khác biệt hẳn với phần còn lại của thế giới. Các nền tôn giáo trên thế giới không chạm đến những cánh rừng nơi đây, và dân chúng thì chìm trong mê tín dị đoan, cúng bùa, tế thần, nghi thức máu,… cũng hư trình độ văn hóa bị cho là kém cỏi lạc hậu. Điển hình, có thể nói đến chế độ đa thê, nếp sống đàn bà bếp núc đàn ông săn bắt và sự cung phụng vua chúa như thánh thần, cuộc sống người dân vui theo lệnh vua và chết cũng bởi lệnh vua. Thú rừng cùng bệnh dịch nhiệt đới, hay nạn buôn bán nô lệ và ngà voi khiến những cuộc xung đột diễn ra thường xuyên, giữa các nước, các làng và cả hàng xóm. Có thể nói, “Lục Địa Đen” gắn chặt với Châu Phi không phải do sắc dân, mà chính do quãng thời gian nó bị bóng tối bao trùm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Sau chiến tranh, trong khi các nước đua nhau hồi phục và cố gắng gây dựng phát triển thì ở Châu Phi, những nỗi sợ hãi và ám ảnh đến rợn người chưa hề dừng lại.
Trước khi bị chiếm đóng, Châu Phi rộng lớn bao gồm nhiều xứ sở, vương quốc, đế chế cùng những dân tộc và bộ lạc rải khắp. Theo ước tính, phải có hơn 2000 thứ ngôn ngữ được nói ở Châu Phi lúc đó, sự đa dạng to lớn đến không thể bàn cãi. Thế nhưng, khi các nước Châu Âu bước chân đến đây, bỗng chốc mọi thứ thay đổi.
Theo sự sắp xếp của các ông lớn, những người dân cùng nền văn hóa hoàn toàn khác biệt lập tức trở thành anh em, sống chung trong một khu vực được chia, kể cả những người trước đây từng là kẻ thù. Thế nhưng điều này không hề mang đến lợi ích hòa hợp, nó dẫn đến sự bất đồng âm ỉ luôn luôn tồn tại và được xem như nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chiến tranh liên miên sau này của lục địa. Đó là còn chưa kể, sau khi chế độ thực dân rời đi (chỉ khoảng 20-50 năm trước), các tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản vẫn luôn bị nhăm nhe, tình trạng mù chữ trải rộng khắp lãnh thổ, các gánh nặng cùng khủng hoảng kinh tế đè nặng lên châu lục. Tất cả những điều trên gộp lại đã dẫn đến thảm cảnh đáng buồn mà mọi người đều biết.
Vậy, Châu Phi có đang nghèo khó khốn cùng hay không? Trong những bức hình và tin tức hiện về của truyền thông, câu trả lời luôn luôn là Có. Những thông tin trên thậm chí còn củng cố thêm cho nhận định này.
Tuy nhiên, có rất nhiều thứ mà thời gian có thể thay đổi, và thêm sức lực của con người lại càng khác. Dù cho vẫn còn có những điểm tối đáng buồn trong cuộc sống của con người ở Châu Phi, ta vẫn không thể áp đặt như thế trên toàn bộ lục địa rộng lớn bao la này được.
Những bức hình dưới đây sẽ cho bạn một cái nhìn khác về châu lục này, để thấy, các quốc gia và con người đã cố gắng thế nào trong từng ngày, từ quá khứ đến hiện tại và cả trong tương lai.
Mọi người có thể nghĩ người dân Châu Phi nào cũng sống trong những túp lều, nhà cửa sát vách, rách nát và tồi tàn.
Nhưng đa số không hề biết rằng các quốc gia đã phát triển hết mức để cải thiện điều này. Giờ đây, đến Châu Phi, bạn có thể ngắm qua những nơi hiện đại và tuyệt đẹp sau:
Việc học ở Châu Phi so với quá khứ cũng đã thay đổi rất nhiều. Các trường học và đại học to lớn được xây dựng, cơ sở vật chất và trang thiết bị không hề thua một trường Âu hay Mỹ nào, các chính sách khuyến học và học bổng do chính phủ cũng như các tổ chức phi lợi nhuận được đưa ra rất nhiều.
Châu Phi gắn liền với hình ảnh đói kém và dơ bẩn. Thế nhưng, nhờ những giải pháp của chính phủ cũng như các gói cứu trợ và thiện nguyện của các tổ chức quốc tế, nơi này giờ đây không thiếu cái ăn như bạn vẫn nghĩ.
Công nghệ sinh học đang được ứng dụng tại các nông hộ nhỏ. Những công nghệ này giúp ích rất nhiều, cho ngành nông nghiệp nói chung và còn cho cả người dân nơi đây nói riêng.
Và cả những điểm vui chơi ở Châu Phi:
Châu Phi là một lục địa có rất nhiều vấn đề, và cho đến ngày nay, không phải vấn đề nào cũng đã được giải quyết như việc buôn lậu động thực vật quý, buôn bán vũ khí, vấn đề nước sạch,… không thể phủ nhận rằng chúng vẫn còn đang tiếp diễn và gây nhức nhối cho người dân nơi đây.
Nhưng mặt khác, chúng ta không nên nhìn về những gì đã cũ, những gì chỉ còn là bóng tối. Cuộc sống người dân nơi đây đã, đang và sẽ được củng cố từng ngày. Bài viết hi vọng cung cấp cho bạn một diện mạo mới của lục địa đã từng chịu rất nhiều giày xéo này, một diện mạo mà có thể nói, là điểm sáng, niềm tự hào và niềm tin của người dân Châu Phi.
Theo sohuutritue.net.vn