Tôi vừa trải qua một cơn thập tử nhất sinh. Và cũng chính vì thế, tôi bỗng có suy nghĩ khác về cuộc hôn nhân của mình…
Tôi và Lĩnh yêu nhau được hơn 2 năm rồi mới kết hôn. Ngày đó, ai cũng bảo tôi gia đình khá giả, xinh xắn, lương cao thế mà sao lại yêu và lấy anh công nhân quèn? Tôi chỉ cười và nghĩ âu cũng là cái duyên cái số.
Thế nhưng, khi về chung sống tôi mới thấy hôn nhân không có kinh tế thì cũng dễ mâu thuẫn. Mặc dù chúng tôi đã không sống cùng bố mẹ chồng nhưng tôi cũng thấy đau đầu và mệt mỏi vì đủ thứ chuyện. Nhưng chung quy lại thì cũng là do thiếu tiền mà ra.
Lĩnh đi làm mỗi tháng lương, thưởng tổng vào chắc được 5 – 7 triệu. Thử nghĩ xem, với con số đó mà sống ngoài Hà Nội thì nuôi bản thân còn khó huống chi chăm lo cho vợ, tích cóp cho tương lai? Thế nên việc lớn, việc nhỏ trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương của tôi.
Thậm chí, khi em gái của Lĩnh lấy chồng, anh cũng chỉ có hơn 5 triệu tiết kiệm online, anh bối rối hỏi "mượn" tôi. Bực lắm, nhưng tôi đành phải rút tiết kiệm ra đánh cái nhẫn 3 chỉ cho cô em chồng.
Sau lần đấy, tôi đã cảm thấy thất vọng về chồng mình lắm rồi. Thế nhưng cũng may, Lĩnh luôn biết điều và cố gắng làm việc nhà, chăm sóc tôi hết mức có thể nên tôi lại nguôi ngoai. Chỉ thi thoảng vào dịp lễ, dịp Tết thấy bạn bè khoe váy áo xúng xính, quà cáp xịn sò được chồng, người yêu tặng tôi mới có chút tủi thân.
Tới khi tôi bầu được 7 tháng, hai vợ chồng quyết định về quê xin việc và tiện ông bà đỡ đần. Thời gian này, tôi và gia đình bên chồng mới nảy sinh nhiều vấn đề.
(Ảnh minh họa)
Đầu tiên là cách chi tiêu, ăn uống trong gia đình quá khác biệt. Bố mẹ chồng tôi hầu như không bao giờ mua đồ ăn vặt. Tôi thì bầu bí cần tẩm bổ, nên tôi đều tự bỏ tiền ra mua. Nhưng vấn đề là tôi mua về, bản thân ăn thì ít, gia đình chồng thì nhiều. Nhưng nghe lời mẹ đẻ, tôi cũng không tính toán gì, coi như một cách để chăm sóc bố mẹ chồng.
Nhưng chuyện nào chỉ có thế, ông bà ăn đồ tôi mua nhưng lại liên mồm chê bai tôi hoang phí, ở nhà ăn bám mà còn không biết điều. Tôi buồn bực, không lẽ lại nói thẳng rằng suốt thời gian qua đều là tôi lo cho gia đình chứ con trai của bố mẹ chẳng giúp được mấy đồng? Nhưng nhìn thấy Lĩnh vẫn nhẫn nhịn, rồi ra sức an ủi, động viên tôi lại thương nên thôi.
Tới sát ngày sinh, bố mẹ tôi đề nghị lên thành phố sinh con cho an toàn. Tôi thấy cũng phải, hơn nữa sức khỏe của tôi còn yếu. Thế nhưng mẹ chồng tôi một mực từ chối, bà cho rằng ra trạm y tế xã là tiện lợi nhất.
Thuyết phục bà không được, tôi nói chuyện với Lĩnh. Nào ngờ anh cũng ậm ừ bảo:
- Thôi theo mẹ đi em. Anh thấy người lớn nói có sai đâu. Sinh nở là chuyện ai chẳng phải trải qua, trạm xá mình giờ cũng tốt mà.
Tôi tức quá, hét lên với Lĩnh:
- Tiền tôi, tôi sẽ tự đi.
Rồi sát ngày sinh, tôi nói bố mẹ đẻ đưa mình lên viện. Thế nhưng, sau hơn 1 ngày đau đớn tôi vẫn không đẻ được, hơn nữa do sức khỏe yếu, bác sĩ đề nghị tôi sinh mổ. Lúc này, Lĩnh vừa lên tới khoa sản. Mới nghe thấy tôi nói phải ký giấy sinh mổ, anh thần người ra.
Rồi mặc cho tôi giục nhắng lên, Lĩnh vẫn cầm cây bút đầy do dự. Cáu quá, tôi gắt:
- Anh còn nghĩ ngợi cái gì mà không ký mau đi?
- Anh... Anh không đủ tiền. Mổ có tốn không em?
Nghe câu nói của chồng, tôi vừa đau đớn, vừa tủi hơn, vừa uất hận. Rồi không kiềm chế được, tôi hét lên giữa bệnh viện, khiến tất cả đều quay lại nhìn Lĩnh:
- Giờ phút này anh coi trọng tiền bạc hay tính mạng của vợ, của con anh? Nói để anh biết, đây, tôi sẽ tự trả, trả đủ. Còn nếu anh không ký thì để bố mẹ đẻ tôi ký.
Lĩnh đỏ mặt, bối rối, rồi ngại ngùng trước hàng chục ánh mắt đổ dồn về. Anh ký vào giấy đó. Còn tôi, sau hôm đó tôi rất buồn và thất vọng. Tới tận bây giờ, khi đã về nhà chồng nhưng trong lòng tôi cảm thấy thật trống rỗng. Dường như tình yêu sâu đậm với Lĩnh đã chết vào khoảnh khắc tôi trong phòng mổ kêu gào còn anh vẫn do dự vì vài đồng bạc. Mặc dù không vì chuyện này mà ly hôn, nhưng chắc chắn tương lai tôi cũng sẽ không nhẫn nhịn, bao bọc anh như trước nữa.
Theo Tri Thức Trẻ