Chuyên gia cảnh báo: Không phải khối u nào ở vú cũng là ung thư và phải cắt bỏ

Sau khi nữ minh tinh Hollywood Angelina Jolie công khai nói về phẫu thuật cắt bỏ mô vú có khả năng mang mầm ung thư vào năm 2013, rất nhiều phụ nữ đã "lạm dụng" điều này đến mức đáng báo động.


Angelina Jolie công khai thông tin cô phẫu thuật cắt bỏ mô vú có khả năng mang mầm ung thư vào năm 2013

Số lượng bệnh nhân cắt bỏ hoàn toàn 2 bên vú khi được chuẩn đoán chứa mầm bệnh ung thư đã tăng lên đáng kể ở Anh kể từ khi nữ diễn viên Angelina Jolie, 42 tuổi làm điều tương tự vào năm 2013. Số liệu do NHS thống kê cho thấy, năm 2010 chỉ có 234 chấp nhận phẫu thuật khi được chuẩn đoán mắc bệnh này. Nhưng đến 2016, con số tăng lên gấp đôi với 484 ca.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ, diễn viên Angelina Jolie đã có các hành động kịp thời để ngăn chặn ung thư phát triển ngay khi cô phát hiện mang trong mình bản sao lỗi của gene BRCA1 gây nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng. Những phụ nữ mang gene lỗi này có 65% khả năng mắc ung thư vú. Nhưng ở trường hợp của Angelina Jolie nguy cơ này lên tới 87%. 


Trong rất nhiều trường hợp, phẫu thuật cắt bỏ cả hai bên khi bị ung thư vú không thể cải thiện cơ hội sống sót cho bệnh nhân. Ảnh Internet.

Angelina Jolie hiểu rất rõ sự nguy hiểm của chúng đối với sức khỏe của mình vì mẹ ngôi sao- bà Marcheline Bertrand qua đời năm 2007 ở tuổi 56 chính bởi căn bệnh này. Việc cắt bỏ các mô mang mầm bệnh sẽ giảm nguy cơ từ 87% xuống còn dưới 5%.
Theo hiệu ứng mang tên Jolie, rất nhiều phụ nữ không hề mắc gen lỗi cũng đổ xô đến các phòng khám để yêu cầu được phẫu thuật.

Đa số các trường hợp được phát hiện có tế bào ung thư phát triển chỉ ở 1 bên ngực nhưng họ lại muốn cắt bỏ cả 2 vì lo lắng.
Tiến sĩ Fiona MacNeill, bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Hoàng gia Marsden ở London, cho rằng: "Trong rất nhiều trường hợp, phẫu thuật cắt bỏ cả hai bên khi bị ung thư vú không thể cải thiện cơ hội sống sót cho bệnh nhân. Đôi khi các bác sĩ chỉ định phẫu thuật chỉ để cho bệnh nhân được yên tâm hơn mà thôi". Đây cũng là lời cảnh báo đến các bệnh nhân hiện đang mắc bệnh ung thư vú. 

Đó là vì nguy cơ tử vong do ung thư cả hai bên vú là rất thấp. Trong khi đó, nguy cơ lớn hơn là các tế bào ung thư sẽ di căn các bộ phận khác trong cơ thể của họ. 


Không phải khối u nào ở vú cũng là ung thư

Bác sĩ cũng nói thêm, một trong những mối quan tâm hàng đầu của bà là ngày càng nhiều bác sĩ phẫu thuật quyết định tiến hành cắt bỏ cả bên vú khỏe mạnh khi không cần thiết. Những lý do mà các bác sĩ đưa ra là để bệnh nhân yên tâm hơn hoặc tránh những xung đột không đáng có với bệnh nhân.Trong khi, phụ nữ có thể sẽ phải chịu nhiều thiệt hại khi phẫu thuật cả bên vú khỏe mạnh hoặc chịu biến chứng sau ca phẫu thuật.

Hãy nhớ, không phải khối u nào cũng là ung thư. Vẫn có nhiều căn bệnh gây ra là bởi các khối u ở vú nhưng chúng không phải ung thư. Khi đó, thủ thuật sinh thiết vú để xác định khối u đó lành tính hay ác tính là cần thiết.

Sinh thiết vú là một thủ thuật y tế đơn giản để đánh giá khối u ở vú hoặc một phần của vú có phải là ung thư không. Một mẫu mô vú sẽ được lấy ra và gửi đến phòng thí nghiệm để làm các xét nghiệm cần thiết.

Nguồn: Daily mail, Health, Lifetimes

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU