Áp dụng test nhanh là rất cần thiết
Tính tới thời điểm 12 giờ trưa ngày 28/6, theo số liệu công bố ca bệnh của Bộ Y tế, số ca mắc tại TP HCM đã lên tới con số 3372. Dù TP HCM có những biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch bệnh nhưng số ca mắc vẫn tăng.
Trước những diễn biến dịch bệnh tại TP HCM, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long từng lưu ý, thành phố không nhất thiết phải đặt nặng việc xét nghiệm realtime RT PCR mà cần dùng test nhanh. "Không nhất thiết phải quá mất công sức vào RT-PCR", ông Long nói.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay có 2 phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR và test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 đang được Bộ Y tế cho phép thực hiện trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Test nhanh kháng nguyên là xét nghiệm chẩn đoán nhanh, giúp phát hiện sự hiện diện protein đặc hiệu của virus SARS-CoV-2 có trong dịch đường hô hấp (dịch tỵ hầu, dịch tiết đường hô hấp). Các kháng nguyên sẽ được phát hiện khi virus SARS-CoV-2 đang nhân lên với số lượng nhất định.
Phương pháp test nhanh kháng nguyên đơn giản, dễ thực hiện, có kết quả chỉ sau 15-30 phút, cho phép nhanh chóng phát hiện người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, test nhanh kháng nguyên có độ nhạy thấp hơn phương pháp realtime RT-PCR.
Test nhanh COVID giúp TP HCM có thể khống chế được sớm dịch bệnh, ảnh minh hoạ.
Trong đợt dịch thứ 4, Bắc Giang đã thay đổi từ xét nghiệm realtime RT-PCR sang test nhanh kháng nguyên. Nhờ có sự thay đổi chiến lược xét nghiệm này mà Bắc Giang đã nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo PGS Huy Nga, test nhanh kháng nguyên có độ nhạy kém hơn xét nghiệm realtime RT-PCR và có bỏ sót các ca nhiễm bệnh. Do vậy các trường hợp test nhanh dương tính cần phải khẳng định lại bằng xét nghiệm realtime RT-PCR.
"Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TP HCM việc áp dụng test nhanh là rất cần thiết. Test nhanh sẽ giúp ích cho công tác chống dịch và định hướng được dịch.
Việc thực hiện test nhanh tại TP HCM sẽ giúp cho TP có thể phát hiện nguy cơ, quy mô và mức độ dịch đã đi tới đâu. Nhờ test nhanh, TP sẽ định hướng được mức độ của đợt dịch này và đưa ra những biện pháp chống dịch phù hợp và hiệu quả hơn", PGS Huy Nga nói.
Truy tìm F0 nhanh chóng
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trong một đợt dịch khi số ca mắc bệnh trong cộng đồng lớn, việc thực hiện test nhanh kháng nguyên mang lại những ý nghĩa rất lớn về mặt chiến lược, giúp khống chế thành công dịch bệnh.
"Test nhanh kháng nguyên cho kết quả trong vòng 30 phút. Nếu áp dụng rộng rãi phương pháp này, ngành y tế có thể tìm được "F0 lang thang" ngoài cộng đồng nhanh hơn một bước, sớm hơn so với việc chỉ phát hiện được khi họ đến bệnh viện khám do có triệu chứng bệnh.
Thời gian phát hiện ra F0 rút ngắn xuống, như vậy chúng ta mới có cơ hội thắng được virus. Ngược lại nếu thời gian xét nghiệm kéo dài, số lượng xét nghiệm càng nhiều sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh và khi đó chúng ta "vây" sẽ không kịp.
Thứ 2, realtime RT-PCR không thể vươn tới những nơi không thể thực hiện được realtime RT-PCR. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay F0 ở mọi nơi, không nên lấy chiến lược realtime RT-PCR để truy tìm F0 sẽ bị chậm", bác sĩ Khanh nói.
Trong bối cảnh dịch bệnh tại TP HCM nên thực hiện test nhanh kháng nguyên, việc trả kết quả sớm tìm ra các trường hợp tiếp xúc gần sẽ nhanh hơn.
Hiện nay, cách làm "vây" các trường hợp tiếp xúc gần lại và làm realtime RT-PCR nhưng không biết khi nào có kết thì rất khó có thể khống chế được dịch bệnh.
Trước đó vào ngày 26/6, Sở Y tế TP HCM tiếp nhận 80.000 bộ test nhanh do Công ty TNHH Medico gửi vào. Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, số lượng test nhanh này sẽ nhanh chóng được phân bổ cho các khu cách ly, khu phong tỏa và các điểm chống dịch. Số dụng cụ test nhanh này sẽ giúp giảm rất nhiều thời gian cho việc lấy mẫu xét nghiệm, truy vết phòng chống dịch.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị