Theo PGS Nguyễn Viết Dung, đợt dịch thứ 4 này diễn biến phức tạp do các yếu tố như nguồn lây, hình thức lây, tốc độ lây và diện lây. PGS Nhung cho biết ở làn sóng này mức độ phức tạp của dịch rất cao, cả về quy mô và số ca bệnh nặng.
Một trong những nguyên nhân là chủng virus Ấn Độ. Biến chủng của Ấn Độ lây truyền nhanh - thời gian từ khi tiếp xúc đến khi có kết quả dương tính chỉ là 2 ngày. Virus lây truyền không chỉ qua giọt bắn mà còn qua cả không khí - các hạt bắn nhỏ chứa virus vẫn lơ lửng trong môi trường kín, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Một nguyên nhân khác là vì dịch đã lan vào bệnh viện tuyến trung ương. Nếu dịch ở Đà Nẵng năm 2020 xảy ra ở bệnh viện nhưng quy mô bệnh viện nhỏ, chỉ ở trong thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam; thì dịch lần này xảy ra ở hai bệnh viện cao nhất tuyến trung ương. Người nhà và bệnh nhân đến từ rất nhiều tỉnh thành khác nhau.
Xét nghiệm cho người dân tại Bắc Giang.
Nhìn vào đợt dịch này, PGS Nhung cũng cho rằng công tác ngăn chặn dịch chưa tốt, phát hiện và khoanh vùng chưa nhanh. Nguyên nhân là do chúng ta đã có một khoảng lặng khá dài mà không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Dù các chuyên gia đã cảnh báo dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 có nguy cơ lớn nhưng mọi người vẫn chủ quan.
"Đợt này dịch nặng nề ở Bắc Giang, Bắc Ninh, số ca bệnh tăng lên rất nhiều. Dù chúng ta đã chuẩn bị kịch bản cho 30.000 ca nhưng khi dịch đến vẫn rất bất ngờ." – PGS Nhung nói.
Thời điểm này, PGS Nhung cho biết các địa phương cần tăng cường các biện pháp chống dịch, khoanh vùng từ bệnh viện đến khu công nghiệp, cộng đồng dân cư. Cần khoanh theo vùng lõi để không ảnh hưởng tới sản xuất kinh tế xã hội.
Người dân gần đây bắt đầu hiểu hơn về nguy cơ dịch bệnh và bắt đầu thực hiện 5K. Nhưng PGS Nhung nhấn mạnh chỉ cần 1 – 2 người không tuân thủ sẽ tạo thành 'đốm lửa nhỏ' khiến dịch bùng phát, vì vậy tất cả mọi người cần có ý thức 5K để phòng bệnh.
Về việc ngăn chặn người nhập cư trái phép, người dân cần đồng hành với cơ quan chức năng, nếu phát hiện trong khu dân cư có người lạ, bất thường cần báo ngay cơ quan chức năng.
Trong đợt dịch bệnh lần này, PGS Nhung chia sẻ có nhiều đồng nghiệp tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương báo cáo số ca bệnh nặng tăng, trong đó có nhiều người trẻ không có bệnh nền. Số bệnh nhân nặng cao gấp 3 lần so với các đợt dịch trước cộng lại.
Trong các giai đoạn trước, có khoảng 3000 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó 84% không có triệu chứng, 11% thở oxy và 5% bệnh nhân nặng cần được quan tâm. Nhưng trong kịch bản 30.000 ca mắc, 5% bệnh nhân nặng tương đương 1.500 người, tạo gánh nặng lớn lên hệ thống y tế.
Vì vậy, PGS Nhung cho rằng mỗi tỉnh cần có các biện pháp chống dịch chiến lược và không thể lúc nào cũng gọi trung ương hỗ trợ. Các tỉnh cần tự tạo năng lực chống dịch, từ xét nghiệm tới điều trị, bệnh viện vẫn cần phải đảm bảo an toàn, thực hiện sàng lọc 3 lớp, cần có bệnh viện Covid-19 dã chiến để dự trù.
Bài học sau đợt dịch này đó là các tỉnh phải tự đầu tư sớm thay vì đến khi có dịch mới chuẩn bị.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/chuyen-gia-du-da-chuan-bi-kich-ban-30000-ca-nhung-dich-den-van-rat-bat-ngo-161212205215547884.htm
Theo ttvn.vn