Chuyên gia dự đoán thời điểm đại dịch Covid-19 'tàn cuộc', nhận định về nhu cầu tiêm vắc xin Covid-19 hàng năm

Theo chuyên gia, virus SARS-CoV-2 sẽ dần sống thích nghi với con người để trở thành bệnh lưu hành hàng năm.

Virus sẽ chung sống với con người

PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, SARS-CoV-2 sẽ không dễ dàng biến mất như SARS (2003). Các nhà khoa học nghĩ nhiều tới việc SARS-CoV-2 sẽ sống chung với nhân loại như các loại cúm hoặc các bệnh khác.

Virus SARS-CoV-2 không dễ dàng biến mất vì người nhiễm trên 80% không có triệu chứng. Nhiều người nhiễm virus vẫn khỏe mạnh nhưng vẫn lây lan virus cho người khác. Với SARS, khi nhiễm virus người bệnh thường có triệu chứng, do vậy sẽ dễ bao vây, truy vết. Điều này khiến bệnh dần dần biến mất.

Theo PGS Huy Nga, theo dự kiến tới giữa năm 2022, Covid-19 sẽ thoái trào (tàn cuộc), trở thành bệnh truyền nhiễm lưu hành hàng năm như cúm mùa. Tuy nhiên Covid-19 sẽ nặng hơn cúm mùa và sẽ có người tử vong, đặc biệt là ở nhóm nguy cơ cao như người già, người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, béo phì…

Bên cạnh đó, khi virus SARS-CoV-2 đã thích nghi với con người, nó sẽ không gây ra hậu quả nặng nề về sức khỏe cho người. "Trong cơ thể con người sẽ có hàng trăm con virus, vi khuẩn sống chung với con người. Có những virus là tàn dư của các trận dịch trong lịch sử có thể sống chung với con người và SARS-CoV-2 cũng vậy", PGS Huy Nga nói.

Đẩy nhanh tốc độc tiêm vắc xin là cách đi trước virus - Ảnh Việt Hùng.

Vắc xin có cần phải tiêm hàng năm?

Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán vào cuối năm 2019. Sau gần 2 năm, Covid-19 đã gây ra những tổn thất nặng nề cho đời sống kinh tế, xã hội của người dân trên toàn thế giới.

"Theo quan sát của tôi thì trong 100 gần đây, đại dịch Covid-19 là đại dịch ảnh hưởng lớn nhất tới cho nhân loại, số người mắc tăng nhanh, số ca nhập viện nhiều gây lên quá tải y tế, bệnh nhân dễ bị tử vong. Nguyên nhân là do hiện nay việc đi lại giữa các vùng địa lý trở lên dễ dàng hơn cho nên tốc độ lây lan bệnh cũng nhanh hơn.

Nhìn lại lịch sử, có những trận dịch có độ nặng cũng ghê gớm nhưng trong quần thể giao lưu đi lại ít nên lan truyền chậm hơn. Trong một thời gian 1-2 năm, virus có thể biến đổi thích nghi với người, trở thành bệnh lưu hành hoặc biến mất", PGS Huy Nga nói.

Khi được hỏi liệu việc tiêm vắc xin có phải duy trì hàng năm hay không, PGS Nguyễn Huy Nga cho biết điều này sẽ tùy theo diễn biến của dịch bệnh để cân nhắc tới vấn đề tiêm chủng.

Một số nhóm đối tượng cần phải được cân nhắc tiêm đó là nhóm nguy cơ mắc diễn biến nặng cao như người già, sức đề kháng yếu, người có bệnh lý nền. Còn nhóm đối tượng trẻ tuổi có thể sẽ không nhất thiết phải tiêm.

PGS Huy Nga cũng lý giải thêm về vấn đề này như sau: Khi số người tiêm vắc xin tăng lên, đột biến của virus sẽ yếu đi, virus sẽ ở trạng thái ổn định hơn, số người mắc bệnh sẽ thấp đi.

Để sống chung với virus SARS-CoV-2, cả thế giới sẽ phải tiêm vắc xin, mọi người phải luôn cảnh giác với dịch bệnh. Bệnh cạnh đó, các nước cũng cần phải giám sát chặt tình hình dịch bệnh để cảnh báo. Về điều trị cũng phải duy trì hệ thống giường bệnh, máy thở, hệ thống y tế cơ sở phải có oxy…

"Chúng ta không thể nói trước được tình hình dịch bệnh. Do vậy, khi sống chung, chúng ta phải chuẩn bị mọi kế hoạch để không bị động", PGS Huy Nga cho hay.

Đối với người chưa tiêm vắc xin, cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn để không cho virus xâm nhập vào cơ thể. Dần dần chúng ta sẽ đi trước được virus, giảm bớt được ảnh hưởng của nó.

"Việc có vắc xin để tiêm cho toàn dân là rất quan trọng để sớm có thể trở lại cuộc sống bình thường mới. Nếu trong tình huống không có đủ vắc xin thì chúng ta cần ưu tiên tiêm cho nhóm có yếu tố nguy cơ cao", PGS Huy Nga nói.

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU