Chuyên gia nói gì về tranh cãi 'Ở Việt Nam, chứng chỉ IELTS đang ngày càng 'méo mó'?

(lamchame.vn) - 'Khi học đến chuyên ngành, bất kể ngành gì ở nước ngoài, thì năng lực chuyên môn mới quyết định bạn có ra trường được hay không'.

Chuyên gia nghiên cứu giáo dục Ngô Huy Tâm

Vai trò của ngôn ngữ trong giáo dục không phân chia cụ thể độ tuổi, và càng không ám chỉ sự ưu việt của nhóm kỹ năng hay năng lực nào trong tương quan với nhau. Điều cần nói, đó là các thang đo năng lực ngoại ngữ, như IELTS, có thiên hướng đo về năng lực CALP ở kỹ năng đọc viết, và BICS ở kỹ năng nghe nói.

Ở hệ quy chiếu như tôi trình bày, IELTS sẽ méo mó nếu áp dụng ôn luyện cho lứa tuổi tiểu học, và thậm chí là các lớp thấp của trung học. Người làm chính sách giáo dục, nếu đưa kỳ thi chuẩn hoá vào, cần làm rõ thang tham chiếu khoa học của mình là gì để tranh biện có cơ sở.

IELTS là kỳ thi đánh giá năng lực ngôn ngữ, không liên quan đến các kỹ năng, năng lực khác. Đây là điều không phải bàn cãi. Nhưng nhìn một bức tranh rộng hơn, năng lực ngôn ngữ được sử dụng như một công cụ thì cần phải đào tạo năng lực CALP thì học sinh mới có thể tiếp cận, trao đổi, giao lưu với nguồn tri thức Toán, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa của thế giới.

Chuyên gia Ngô Huy Tâm

Các thang đo năng lực ngoại ngữ, như IELTS, có thiên hướng đo về năng lực CALP ở kỹ năng đọc viết, và BICS ở kỹ năng nghe nói.

Các nhà nghiên cứu đầu ngành, có thể không cần BICS ở cấp độ cao vì họ chỉ cần có năng lực CALP cao là có thể nghiên cứu. Nhưng nếu đào tạo trẻ nhỏ thì ta cần hướng đến giáo dục toàn diện, cả BICS và CALP đều quan trọng và đều giúp các em có nhiều cơ hội để thành công trong thế giới tương lai.

Tuy nhiên, Việt Nam thiếu một hệ thống các bài thi chuẩn hoá đầu vào. Trong bối cảnh này, IELTS, TOEFL là lựa chọn an toàn nhất cho người làm chính sách".

"Các học sinh, sinh viên của tôi, tôi sẽ khuyên không cần đạt điểm IELTS tối đa"

Ngoài dạy tiếng Anh cho trẻ lớp 1, chuyên gia Ngô Huy Tâm còn hướng dẫn thi MCAT (Bài kiểm tra đầu vào trường Y) cho học sinh/sinh viên để đăng ký học các trường Y tại Mỹ. Trong khi đa số các ngành khác sẽ học và thi SAT, ngành Y phải có bài thi riêng. 

"Với kỳ thi MCAT, trình độ ngôn ngữ đo trên thang IELTS 9 chấm cũng không phải là lợi thế gì lớn, vì bài thi này bao gồm kiến thức Toán, Hoá, Lý, Sinh, Xã hội học, Tâm lý học, Logic, Kỹ năng phân tích ngôn ngữ sâu. Tương tự, ngành luật có kỳ thi LSAT.

Ở cấp độ trung học cơ sở, cũng có bài thi SSAT gồm Toán, Anh, Văn làm cơ sở xét tuyển. Tại sao Việt Nam không áp dụng? Có lẽ đơn giản là do chi phí cao, tiếp cận không rộng rãi, và về mặt chuyên môn, cả hệ thống giáo dục của chúng ta chưa sẵn sàng để có thể dạy và ôn thi diện rộng các kỳ thi chuẩn hoá phức tạp. Và như vậy, nếu phải chọn một kỳ thi chuẩn hoá, sẽ chỉ còn các bài thi về năng lực ngôn ngữ.

Ý kiến cá nhân của chuyên gia Ngô Huy Tâm là điểm IELTS sẽ phản ánh năng lực cần thiết cho một bước tiếp theo, thì giá trị nó mang lại sẽ là những giá trị, đóng góp cho xã hội. Bản thân điểm IELTS cao chỉ có một giá trị duy nhất, nó nói với các nhà tuyển sinh và tuyển dụng rằng ngôn ngữ sẽ không phải là nguyên nhân lớn nếu bạn thất bại trên con đường học tập suốt đời.

Và vì là kỳ thi năng lực lẫn kỹ năng, IELTS có hạn sử dụng, do kỹ năng lẫn năng lực cần bồi dưỡng thường xuyên. Các học sinh, sinh viên của tôi, tôi sẽ khuyên không cần đạt điểm IELTS tối đa, chỉ cần đạt đủ yêu cầu của trường, công ty. Đơn giản vì khi học đến chuyên ngành, bất kể ngành gì ở nước ngoài, thì năng lực chuyên môn mới quyết định bạn có ra trường được hay không", ông Tâm nói.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU