Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời
20 năm đầu sung sướng không bao lâu
20 năm sau sầu vương cao vời vợi
20 năm cuối là bao...
Ừ, 60 năm cuộc đời ngắn ngủi và chóng vánh, tôi tự hỏi tại sao khi đã bước qua ngưỡng 60, cô Thư không dành thời gian để thảnh thơi, để vui vầy bên cháu con mà lại chọn con đường có phần "ngược đời".
Tôi đem câu hỏi ấy đến gặp cô Thư, nhưng bạn biết không, thật khó để gặp được "cô tân sinh viên" khi mà lịch đi học, dạy học, luyện đàn, tập nhảy của người phụ nữ này gần như phủ kín từ sáng sớm đến tận 12h khuya.
Cô Thư bậc cười: "Vì sao tuổi này mà cô còn đi học à? Thì như một câu mà các bạn trẻ bây giờ hay nói với nhau: mình thích thì mình nhích thôi!".
Cô Đào Thị Thư trở thành sinh viên ngành Piano ở tuổi 63.
Mình thích thì mình nhích thôi!
Nói gọn và vui vậy, chứ để "thích" và "nhích" cũng là cả đời người chứ không hề giản đơn. Cô Thư là chị cả trong một gia đình đông anh em, ngày đó vì gia đình khó khăn nên không ít lần bố mẹ khuyên con gái nên nghỉ học để phụ giúp gia đình. Chung quy cũng vì định kiến con gái không nên học cao. Thành ra không ít lần sách vở không cánh mà bay sang nhà hàng xóm, rồi người ta thương tình gom lại, len lén qua trả cho cô.
Tốt nghiệp phổ thông cô Thư đạt hạng Ưu và đậu vào khoa Hoá - Sinh của trường đại học Khoa Học (nay là trường Đại học Khoa hoạ tự nhiên TP.HCM). Tuy nhiên vì nhiều biến cố mà việc học dang dở, cô bảo: "Phải nghỉ học giữa chừng cô buồn kinh khủng".
Trước đây vì điều kiện khó khăn nên giấc mơ đại học của cô Thư không trọn vẹn.
Cô lập gia đình, sinh con và cuốn vào vòng xoáy của cơm áo gạo tiền. Vừa phải lo việc kinh doanh của xưởng may mặc, vừa phải chăm sóc cho 4 người con, thế nên một năm 365 ngày chẳng có ngày nào được nghỉ ngơi. "Cũng chẳng có ngày nào cô được ngủ trước 12h đêm, có khi thức đến 1 - 2h sáng mới được đi ngủ" - cô nhớ lại thời còn trẻ.
Mãi đến năm 2007 khi đó cô Thư đã 51 tuổi, các con đều đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định, cô suy nghĩ đến chuyện trở lại giảng đường đại học để tiếp tục giấc mơ còn dở dang. "Ngày xưa cô thích học tiếng Anh lắm, nhưng bố mẹ không có điều kiện để cho đi học, thế nên cô quyết định đăng ký đi học tiếng Anh. Nhưng cô cũng phân vân, mình đã 51 tuổi rồi, ở tuổi này đi học để làm gì? Bao nhiêu năm qua ngồi tính toán sổ sách, giờ học có tiếp thu được hay không? Nhưng rồi cô nghĩ thôi kệ, học đi rồi tính".
Sau khi cả 4 người con đều tốt nghiệp đại học và ổn định cuộc sống, cô Thư đã dành nhiều thời gian hơn cho mình.
Cô Thư đăng ký học một khoá tiếng Anh tại Đại học Sư Phạm TP.HCM. "Kết thúc khoá cô được 80/100 điểm, cô nghĩ bụng: ơ mình học cũng được đấy chứ"- cô cười, đó thật sự là một động lực lớn để cô theo đuổi việc học trong suốt 3 năm ở trường đại học Sư Phạm.
Sau đó cô Thư bén duyên với nghề giáo, cô nhận công việc giảng dạy Anh Văn cho học sinh tại một trường ở quận 8, đồng thời tiếp tục nâng cao kiến thức với việc đăng ký học ngành ngôn ngữ Anh tại trường Đại học Hà Nội.
Nhiều năm nay cô làm thêm công việc giảng dạy tiếng Anh cho trẻ.
Năm 2016 cô Thư tốt nghiệp đại học ở tuổi 60. Cô cười bảo: "Lấy cái bằng đó về coi chơi, nhìn cười thôi chứ làm cái gì đâu, mình quá tuổi lao động rồi. Nhưng quan trọng là đem lại niềm vui, không phải niềm vui cho con cái, người thân mà là niềm vui cho chính bản thân mình".
Đầu năm học 2019 - 2020 một lần nữa cô Thư lại trở lại giảng đường đại học, lần này cô trở thành sinh viên ngành nghệ thuật, chuyên ngành Piano.
Dạo chơi trên những phím đàn
Sáng cô Thư ghé trường ở quận 8 dạy một tiết Anh Văn rồi chạy sang trường Đại học Văn Hiến trên đường Điện Biên Phủ để học đàn, trưa cô nghỉ ngơi ở trường rồi chạy sang cơ sở 2 để học tiếp, chiều về cô nghỉ ngơi đôi chút rồi vào tiết dạy kèm Anh Văn cho mấy em nhỏ trong xóm, sau khi học trò ra về, cô vào tập đàn đến 12h đêm mới đi ngủ.
Cô dành nhiều thời gian để luyện đàn.
"24h của cô nó thú vị lắm. Cô luôn sắp xếp sao cho mọi việc khoa học nhất để không phí phạm thời gian. Nói chứ con người khi có tuổi thì việc tiếp thu bài vở cũng kém đi. Ngày xưa học một hiểu mười, chứ bây giờ chỉ hiểu được phân nửa. Học đàn còn khó hơn học ngôn ngữ, vì vừa điều khiển tay vừa điều khiển trí óc. Nhiều lúc cô nghĩ học rồi quên cũng được, nhưng phải nỗ lực để vượt qua chính bản thân mình" - cô Thư tâm sự. Cũng vì vậy mà cô tân sinh viên dành nhiều thời gian tập luyện để những ngón tay tưởng chừng đã khô cứng nay trở nên uyển chuyển trên phím đàn.
Dù đôi tay không còn uyển chuyển, trí nhớ đã thuyên giảm phần nào, nhưng cô luôn nỗ lực.
Thạc sĩ - giảng viên Mỹ Thanh là người trực tiếp giảng dạy bộ môn piano trong suốt 4 năm đại học của cô Thư chia sẻ: "Mặc dù cô lớn tuổi, nhưng rất chịu khó và chăm chỉ, đi học đều đặn như các bạn sinh viên khác. Tuy nhiên bộ môn nghệ thuật thì vẫn có những hạn chế, tay cô vẫn còn cứng và trí nhớ thì không còn tốt như thời trẻ. Cô đã tập đàn ở nhà rất nhiều nên mới đánh được như vậy. Chỉ mới 2 tháng mà cô hoàn thành được 3 bài, so với sinh viên khác thì bình thường nhưng với cô là cả một nỗ lực".
Cô Thư cười hì hì kể cái đợt thi vào trường, vừa hồi hộp vừa hạnh phúc khi lần đầu tiên được chạm vào chiếc đàn Piano, cô hóm hỉnh bảo: "Chắc thầy cô thấy mình già yếu nên chấm cho qua đấy". Sự lạc quan, yêu đời luôn tràn ngập trong người phụ nữ ấy, nó khiến cô trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thật của mình, và cũng chẳng lạ khi các bạn sinh viên trong trường luôn gọi luôn yêu mến gọi là chị Thư.
Không bao giờ muộn để bắt đầu ước mơ
Bà ngoại của sấp nhỏ dù dành nhiều thời gian để đi học, đi dạy nhưng không phải lúc nào cũng chăm chăm vào học hành, vẫn luôn có khoảng trống để giải trí và thư giãn. Những lúc rảnh rỗi cô Thư lại đi du lịch đây đó cùng cháu con, hoặc chăm sóc vườn cây. Cô bảo: "Học nhưng vẫn phải dành thời gian để chơi. Tuy nhiên đừng lơ là việc hoàn thiện bản thân".
Ai đó đã nói rằng nếu bạn đứng yên một chỗ, nghĩa là bạn đang đi lùi với người khác. Vậy đấy, mỗi chúng ta sinh ra trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, và không phải ai cũng đủ điều kiện để theo đuổi giấc mơ thanh xuân của mình. Nhưng chẳng bao giờ là muộn để bắt đầu với điều mình thích.
Cô Thư ngồi cùng các bạn đồng môn trong buổi khai giảng năm học mới.
Trong bài chia sẻ tại buổi khai giảng đầu năm học cô Thư đã viết: "Khi còn trẻ, tôi cũng có bao nhiêu ước mơ, hoài bão như các bạn trẻ bây giờ nhưng không phải lúc nào điều mình muốn cũng đạt được. Trước đó tôi cũng không bao giờ nghĩ được bước vào giảng đường Đại học một lần nữa, ở tuổi này. Nhưng may mắn tôi đã được vào học ở trường năm nay. Tuổi lớn tất nhiên có rất nhiều khó khăn nhưng sự học không bao giờ là trễ, cho dù thời điểm nào, độ tuổi nào, xuất phát ra sao nếu mỗi chúng ta vẫn giữ được đam mê đó thì chuyện học chưa bao giờ là muộn để thực hiện ước mơ".
Xin mượn câu thơ của Lai Thượng Hưng để kết lại bài viết này:
Theo Trí thức trẻ