Xây mái ấm cho những "thiên thần"
Nằm nép mình một góc tại nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), có một khu vực nhỏ là nơi an nghỉ của hàng nghìn sinh linh bé bỏng bị cha mẹ khước từ. Gần 4 năm nay, anh Đặng Quốc Thịnh (SN 1988, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) và những người bạn trong nhóm “ba mẹ thai nhi” đã thầm lặng thu nhận những xác hài nhi chưa kịp thành hình đã phải lìa trần, đem về khâm liệm, chôn cất tại đây. Công việc mà theo anh chỉ góp phần bù đắp lại phần nào cho những thiệt thòi mà các “con” phải gánh chịu.
Nói về cơ duyên đến với công việc khác người này, anh Thịnh cho biết, vốn dĩ là người có "máu" từ thiện nhưng chưa bao giờ anh nghĩ đến việc sẽ trở thành "người cha tinh thần" cho các thiên thần vắn số.
Hơn 4 năm trước, trong một chuyến đi thiện nguyện, anh vô tình biết được tại khu vực dọc bãi biển Xuân Thiều, lẫn với đồi thông (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) có rất nhiều ngôi mộ thai nhi do bị nạo phá mang ra đây chôn lén lút nên rất sơ sài. Thậm chí, có trẻ khi còn trong bào thai đã bị cha mẹ nhẫn tâm vứt bỏ bừa bãi, cả trong thùng rác. Quá xót xa, anh quyết tâm tìm một mảnh đất rộng để xây mái ấm cho các thiên thần vắn số.
Anh Đặng Quốc Thịnh - "người cha bất đắc dĩ" của hàng ngàn thiên thần xấu số
Nghĩ là làm, anh Thịnh đã thành lập nhóm “Bà mẹ thai nhi”, tổ chức nhiều buổi đi bốc mộ thai nhi và kêu gọi mọi người chung tay, hỗ trợ tìm, cứu những thai nhi bị bỏ rơi để đưa về nghĩa trang Hòa Sơn, xây "tổ ấm" cho các bé.
“Sau khi đã cất bốc các con về nghĩa trang, chúng tôi đã lập ‘đường dây nóng’ để các bà mẹ gọi tới. Khi những đứa con của họ không may bị mất, nhóm sẵn sàng giúp đỡ việc chôn cất để không có những đứa trẻ nào bị đối xử nhẫn tâm như thế nữa", anh Thịnh bày tỏ.
Sau khi công khai rộng rãi thông tin lên mạng xã hội, nhiều trường hợp có thai nhi qua đời đã liên hệ với nhóm để nhờ giúp đỡ. Cứ thế, suốt 4 năm nay, bất kể nắng mưa, anh Thịnh đã âm thầm lặn lội đến các phòng khám tư nhân, bệnh viện nhận hài nhi về chôn cất.
Chiếc điện thoại di động luôn được anh mang trong người. Dù làm bất cứ việc gì hay ở đâu, anh luôn để ý mỗi lần chuông reo. Có cuộc gọi ban ngày và cả lúc nửa đêm, hễ cứ có người báo tin là anh lại bỏ hết công việc, tất tả chạy đến đưa các con về.
Nghĩa trang này là nơi an nghỉ của hơn 3000 hài nhi xấu số, chưa kịp thành hình đã phải lìa trần
"Mỗi thai nhi là một sinh linh vô tội, rất cần được đối xử tử tế, nên mỗi khi nhận được điện thoại là tôi lập tức lên đường. Vì tôi sợ không kịp thì các cháu sẽ bị vứt bừa bãi và trở thành những linh hồn không nhà. Tội nghiệp lắm! Tôi đưa các con về đây, ở cạnh nhau để không còn hiu quạnh và được sưởi ấm. Nghĩa địa không đồng nghĩa với cái chết mà là sự cứu rỗi, sự hồi sinh và là lời cảnh tỉnh cho những ai muốn phá bỏ những thai nhi vô tội...", anh Thịnh trải lòng.
Anh Thịnh cho biết thêm, những ngày đầu làm công việc chôn cất hài nhi đối với mình thật không hề dễ dàng, bởi những lời bàn tán, xì xào của mọi người xung quanh khiến anh nhiều lúc cảm thấy nao lòng. Anh đã từng run bần bật vì xúc động khi nhìn thấy hình hài của một đứa trẻ đã rõ bị vứt bỏ trong bao nylon màu đen. Có những đứa con chỉ mới là giọt máu, có đứa đã đứt lìa tay chân trong lúc bị cắt ra khỏi dạ con. Khi đem về nghĩa trang, anh vừa khóc, vừa cẩn thận sắp xếp rồi mới nhẹ nhàng đặt vào tiểu để chôn cất.
Hiện, nhóm “Bà mẹ thai nhi” có 4 thành viên chủ chốt, ngoài anh Thịnh là trưởng nhóm, còn có chị Trần Huệ, Đoàn Minh Huế và Đào Thị Cẩm Xuyên. Họ thầm lặng làm công việc rửa ráy, nâng niu những sinh linh nhỏ bé ở khắp các nơi được mang về đây, giúp các em có được nấm mồ yên ổn để không phải chịu cảnh bị hắt hủi, quăng quật nơi lề đường, thùng rác.
Đến nay, nghĩa trang thai nhi này đã là nơi an nghỉ của hơn 3000 đứa trẻ không được sống vì sai lầm của người lớn. Vào các ngày Rằm, anh Thịnh và các chiến hữu thường tổ chức các lễ cầu siêu để cầu nguyện cho những sinh linh bé nhỏ được an nghỉ và cầu mong một tương lai không còn thai nhi nào bị phá bỏ nữa.
Ròng rã suốt 4 năm, anh Thịnh và những người bạn đã bế trên tay hơn 3000 thai nhi từ các bệnh viện, nhà hộ sinh về đây chôn cất mà không hề rõ bố mẹ các con là ai
Vào các ngày lễ và rằm, anh Thịnh và nhóm thường tổ chức các buổi lễ cầu nguyện và mua nhiều đồ chơi đến cho các con
Anh Thịnh chăm sóc "mái ấm" bằng tình thương của người cha dành cho những "đứa con"
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, công việc kinh doanh của anh Thịnh gặp nhiều khó khăn, nhưng hễ dành dụm được đồng nào là anh lại dành để xây mộ, chỉnh trang “nhà trẻ”. Biết được tấm lòng của anh, nhiều người đã cùng chung tay. Thỉnh thoảng, một khoản tiền nho nhỏ, một vài tấm khăn liệm hay những chiếc áo quan, bông hoa, hộp sữa… được gửi về từ nhiều nơi. Tất cả đều mong muốn các sinh linh xấu số được chôn cất tươm tất như bao người đã khuất. Mọi thứ đều được anh Thịnh công khai minh bạch, các khoản chi tiêu đều được đăng tải rõ ràng và cụ thể trên Facebook cá nhân.
"Tôi giúp các bé bằng cả tấm lòng và tình thương của người làm cha, làm mẹ. Các thành viên tham gia đều vui vẻ, thoải mái với mong muốn cuối cùng là giúp các con có nơi yên nghỉ đàng hoàng. May mắn là chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành và hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân. Mừng nữa là khi biết được mục đích nhân văn của nhóm, nhiều đơn vị cũng hỗ trợ đất chôn cất tại nghĩa trang Hòa Sơn mà không lấy tiền”, anh Thịnh bộc bạch.
Vớt lại những sự sống
Đưa ánh mắt buồn nhìn những mộ phần bé nhỏ đang nghi ngút khói hương, anh Thịnh kể về câu chuyện mà anh không thể quên trong những lần tiếp nhận thai nhi xấu số.
Em N. và bạn trai là sinh viên một trường đại học ở Đà Nẵng, yêu nhau từ năm nhất. Năm thứ 2, cả 2 đã giấu gia đình về sống chung trọ như vợ chồng. Nhưng do sơ suất, chủ quan mà N. đã mang thai ngoài ý muốn. Vì cả 2 đang là sinh viên nên sau bao lần bàn bạc, dằn vặt, cuối cùng cả 2 đi đến quyết định phá thai.
Đứa trẻ sau khi bị ép buộc kết thúc sinh mạng được cho vào trong một cái lọ. Và rồi với lương tâm của người mẹ, N. gọi đến "đường dây nóng" của anh Thịnh như một lời cầu cứu giúp đỡ người phụ nữ đang lầm đường.
Anh Thịnh vừa an táng cho 1 thai nhi bị cha mẹ bỏ rơi
Anh Thịnh và những người bạn đã tình nguyện gắn bó với việc này suốt nhiều năm qua
"Khu vườn của những thiên thần" luôn ngập tràn sắc hoa, ánh đèn và những món đồ chơi
"Khi nghe em ấy kể, tôi chỉ biết lặng người, tôi không dám nghĩ đến chuyện nếu N. không gọi tôi, thì lúc đấy thai nhi vắn số này sẽ nằm lại ở một mảnh đất lạ, không một cái tên và chẳng ai biết đến", anh Thịnh nhớ lại.
Trong nhiều năm qua, anh đã chứng kiến không ít lần các bà mẹ đến trước mộ con rồi bật khóc. Mỗi lần như thế, anh chỉ biết đến bên cạnh họ để an ủi."Ai cũng có những nỗi lòng, nỗi khổ tâm không nói được. Tôi chỉ khuyên các chị thỉnh thoảng lui tới thắp hương cho các con đỡ tủi thân… Sau này ai muốn đưa các con về đều được đồng ý", anh Thịnh nói.
Theo anh Thịnh, niềm vui ý nghĩa nhất với các thành viên của nhóm là tư vấn, thuyết phục được nhiều bà bầu giữ lại con
Hiểu được tâm sự đó nên không chỉ giúp chôn cất thai nhi, anh Thịnh còn nỗ lực cứu vớt lại sinh mạng cho những đứa trẻ. Khi biết được các trường hợp có ý định phá thai, cả nhóm đều cố gắng thuyết phục người mẹ giữ lại con. Riêng với những bà mẹ có thai ngoài ý muốn, không có khả năng nuôi dưỡng, nhóm sẽ hỗ trợ từ tiền thuê trọ, ăn uống, sinh hoạt hằng ngày đến chi phí nằm viện. Tất cả đều nỗ lực để "mẹ tròn con vuông”, sau đó sẽ tìm cho các con nơi nhận nuôi phù hợp.
“Các thành viên trong nhóm làm việc đều không nghĩ ngợi gì nhiều ngoài việc phải làm mọi cách để bà mẹ và thai nhi an toàn tuyệt đối. Điều mà chúng tôi cảm thấy vui là cứu sống được những cháu từ trong bụng mẹ, để không phải chứng kiến thêm một trường hợp nào bị bỏ rơi khi chưa cất tiếng khóc chào đời", anh Thịnh tâm sự.
Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/chuyen-xuc-dong-ve-nguoi-cha-bat-dac-di-4-nam-lang-le-chon-cat-hon-3000-hai-nhi-chi-so-khong-kip-cac-con-se-bi-bo-bua-bai-va-tro-thanh-nhung-linh-hon-khong-nha-22022242231646470.htm
Theo ttvn.vn