Câu chuyện bắt đầu khi cô em gái tên Jane đụng vào người chị của mình trong siêu thị nhưng nhất định không chịu xin lỗi mà khăng khăng rằng đó chỉ là tai nạn. Ngay lập tức, bố cô bé đã đề nghị con nói xin lỗi chị cho dù điều đó là vô tình hay cố ý, nhưng cô bé vẫn tỏ ra bướng bỉnh.
Thay vì nghe lời người mua hàng xung quanh dùng vũ lực để dạy dỗ con thì người cha vẫn kiên nhẫn dung hòa giữa sự nghiêm nghị với tình yêu thương để giúp con gái có thể nói ra được hai từ xin lỗi.
Sau đó, một tình huống éo le khác cũng diễn ra ngay lập tức khi có một cô gái trẻ vô tình đụng vào Jane và không chịu nói xin lỗi. Vì con gái khăng khăng rằng cô ấy phải xin lỗi con nên ông bố đã quyết định tiến đến gần cô gái và giải thích mình đang dạy con một bài học về xin lỗi, rất mong cô có thể hợp tác. Thay vì nói xin lỗi cô bé, cô gái trên lại tỏ thái độ thách thức và bất lịch sự đến mức nhân viên siêu thị phải can thiệp.
Cuối cùng, cô gái đó đã bị cảnh sát bắt vì tội “tấn công trẻ em vị thành niên”. Đúng lúc ấy, cô bé Jane tiến lại gần cô gái và không ngại ngùng nói lời xin lỗi trước. Sau đó, bé Jane còn dùng chính những lời bố đã dạy cô để nói lại với cô gái xa lạ kia.
Trong đoạn clip, tuy hai tình huống chỉ là tai nạn vô ý nhưng người cha đã dạy các con gái và cả người xem một bài học ý nghĩa rằng: Xin lỗi không chỉ là nhận lỗi mà còn là cách sống lịch sự và biết quan tâm đến mọi người. Xin lỗi không chỉ là hành động mang tính tế nhị xã hội mà còn có khả năng hóa giải cơn giận và ngăn chặn những hiểu lầm có thể có trong tương lai.
Với người lớn nói lời xin lỗi đã khó , với trẻ em điều này còn khó khăn hơn. Bởi bản tính của các bé thường rất bướng bỉnh và hay ngại ngùng nên nên rất khó nói ra lời xin lỗi. Để giải quyết vấn đề này, cha mẹ phải kiên nhẫn dạy con nói lời xin lỗi ngay từ khi còn nhỏ. Nếu con vẫn bướng bỉnh không chịu nhận lỗi thì cha mẹ không nên la mắng, đánh đập và hãy tiếp tục cố gắng thuyết phục con.
Đôi khi phải tạo ra các tình huống tương tự mà con là người “bị hại” để con có thể hiểu được cảm giác khó chịu như thế nào khi không được người khác nói xin lỗi. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên là tấm gương sáng cho con noi theo, để lời xin lỗi sẽ là một hành trang đẹp đi theo trẻ suốt cả cuộc đời.
Theo Làm Cha Mẹ