Theo báo cáo từ "Tin tức buổi tối Trường Sa", Hiểu Văn, 26 tuổi đến từ huyện Trường Sa, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), cô thường có thói quen chạy bộ vào ban đêm. Gần đây, cô cùng bạn bè chạy bộ, khi đang chạy bộ đột nhiên Hiểu Văn cảm thấy bị đau bụng dữ dội, mặt cô tái nhợt, toàn thân đổ mồ hôi lạnh, bạn bè Hiểu Văn cảm giác có sự bất thường nên đã vội vàng đưa cô đến bệnh viện. Tại bệnh viện, bác sĩ tiến hành siêu âm ổ bụng và phát hiện có một vùng bị sưng trong khoang chậu của Hiểu Văn, và trong khoang bụng có lượng lớn chất lỏng.
Theo Bác sĩ Lâm Dĩnh, trưởng Khoa phụ sản của Bệnh viện Trung Sơn huyện Trường Sa: Trong quá trình phẫu thuật, phát hiện buồng trứng phía bên trái của bệnh nhân có một u nang hoàng thể to cỡ bằng quả trứng, trên bề mặt của u nang có một lỗ hổng nhỏ không ngừng chảy máu, lượng máu chảy ra lên tới 2200ml, đối với người có thể trọng 54kg như Hiểu Văn, lượng máu chảy ra chiếm 51% tổng lượng máu toàn cơ thể, và đang gây nguy hiểm cho tính mạng.
Hoàng thể bị vỡ là một trong những bệnh lý cấp tính thường thấy ở phụ khoa, nhất là phụ nữ trong độ tuổi từ 20-40 tuổi. Triệu chứng tùy thuộc vào mức độ đau bụng và lượng máu chảy ra trong khoang bụng, nghiêm trọng có thể xuất hiện sốc do thiếu máu, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Phụ nữ đang trong "giai đoạn hoàng thể" trước chu kỳ kinh nguyệt, nếu vận động quá mạnh rất dễ gây vỡ u nang hoàng thể và chảy máu lớn.
Bác sĩ Lâm Dĩnh nói rằng, hầu hết phụ nữ chú ý đến thời kỳ rụng trứng nhiều hơn, nhưng họ không biết nhiều về giai đoạn hoàng thể. Trên thực tế, mỗi phụ nữ đều nên có những kiến thức cơ bản về buồng trứng, bao gồm học cách tính giai đoạn nang trứng, giai đoạn rụng trứng và giai đoạn hoàng thể để tránh những vận động mạnh, tránh những tác hại nguy hiểm đến cơ thể.
Giai đoạn hoàng thể là gì?
Giai đoạn giữa rụng trứng và bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo được gọi là giai đoạn hoàng thể. Các nang rỗng được chuyển đổi thành hoàng thể (corpus leteum) trong giai đoạn này, hoàng thể tạo ra số lượng lớn progesterone và một số estrogen. Các hormone trong giai đoạn này có vai trò quan trọng trong thai kỳ.
Nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt bình thường khoảng 25-28 ngày, giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng 12-14 ngày. Nhưng nếu bạn có một chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 25 ngày, giai đoạn hoàng thể có thể ngắn hơn.
Giai đoạn giữa rụng trứng và bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo được gọi là giai đoạn hoàng thể.
Khi nào xuất hiện u nang hoàng thể?
U nang hoàng thể bắt nguồn từ các tế bào trứng chiết xuất ra chất progesteron. Nang hoàng thể thông thường sẽ phát triển cực đại vào những ngày cuối của kì kinh và teo dần, thoái hóa thành một đám chất thoái hóa màu vàng gọi là thể vàng. Nhưng trong các rối loạn sinh lý thì nang hoàng thể không teo đi mà phát triển tiếp gây ra một số triệu chứng ở người bệnh.
U nang hoàng thể ở dạng lành tính, nhưng một số trường hợp vẫn gây ra các biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe. Khi u nang hoàng thể tăng trưởng đến kích thước lớn hơn cả buồng trứng. Nếu vận động mạnh có thể khiến u nang hoàng thể bị vỡ và gây tình trạng xuất huyết lớn.
(Nguồn: Ettoday)
Theo Tri Thức Trẻ