Hayley Ray mất hơn 10 năm mới được chẩn đoán ra căn bệnh lạc nội mạc tử cung và hội chứng buồng trứng đa nang. (Ảnh: Instagram)
Thật khó để có thể diễn đạt được nỗi đau mà Hayley phải trải qua bằng lời. Cô chia sẻ: "Từ trước đến nay mỗi lần đến kỳ kinh, tôi sẽ bị chuột rút, tử cung của tôi đau đớn đến mức có lúc không thể chịu đựng được. Cảm giác tê liệt, đau đớn như bị tra tấn. Nó giống như bạn bị những chiếc ghim đâm vào cơ thể, nhưng nó đau gấp 10 lần như vậy".
Mỗi lần đến kỳ kinh, Hayley bị chảy máu rất nhiều, xuất hiện các cục máu đông đến nỗi nhiều khi chảy, thấm ra các sản phẩm vệ sinh.
Khi còn là cô bé học sinh 13 tuổi, mỗi lần như vậy, cô thường phải xin nghỉ học và được mẹ đưa đi khám. Đến các trung tâm y tế địa phương, các bác sĩ chỉ coi nó là đau bụng kinh bình thường, không thực sự nghiêm túc khám cho cô, họ nói: "Không ai thích lãng phí thời gian cả và bạn đang lãng phí thời gian của chúng tôi khi cứ đến đây rồi trình bày bạn đau như thế nào".
Khi Hayley 15 tuổi, các bác sĩ đã đề nghị cô sử dụng thuốc tránh thai vì biện pháp tránh thai được chứng minh làm cho kỳ kinh nguyệt trải qua nhẹ nhàng hơn, ngắn hơn. Mặc dù lúc đầu, nó cũng giúp cô giảm một số triệu chứng nhưng về sau, cơn đau trở lại và ngày càng tồi tệ hơn.
Ảnh minh họa
Lạc nội mạc tử cung (Endometriosis) là bệnh mà các mô trong lòng tử cung phát triển ra bên ngoài tử cung và lấn ra ống dẫn trứng. Sự thay đổi tiết tố của chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng đến các mô bị phát triển sai vị trí, khiến khu vực này bị viêm, chảy máu, nhiễm trùng, có thể dẫn đến vô sinh, các vấn đề về ruột, bàng quang.
Các triệu chứng của bệnh lạc nội mạc tử cung:
- Đau bụng dưới trước và trong kỳ kinh nguyệt.
- Chuột rút một hoặc hai tuần xung quanh kỳ kinh nguyệt.
- Chảy máu kinh nguyệt rất nhiều trong kỳ và giữa các kỳ.
- Đau trong và sau khi quan hệ tình dục.
- Cảm giác khó chịu khi đi đại tiện.
- Đau lưng.
Nguyên nhân căn bệnh chưa rõ và cũng không có cách chữa trị chuẩn xác. Theo Endometriosis UK - tổ chức giúp đỡ những phụ nữ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung ở Anh cho biết: Căn bệnh này mất trung bình 7 năm mới có thể chẩn đoán và ước tính 50% phụ nữ vô sinh mắc bệnh này.
Hayley chỉ được chẩn đoán ra bệnh sau khi phẫu thuật nội soi (Ảnh: Instagram)
Hơn 10 năm sống chung với căn bệnh lạc nội mạc tử cung và hội chứng buồng trứng đa nang, tình trạng sức khỏe của cô xấu đi rõ rệt, ảnh hưởng không tốt đến công việc.
Trong tuần thứ hai cô bắt đầu công việc mới, Hayley vừa bước ra khỏi chuyến tàu thì đột nhiên cô cảm thấy một cơn đau dữ dội, cảm giác có gì đó đâm vào buồng trứng và lưng của mình: "Tôi hoàn toàn choáng váng và buồn nôn. Tôi cố gắng đi bộ từ ga tàu đến văn phòng và sau đó tôi ngất đi. Điều tiếp theo tôi biết, tôi đang ở trong xe cứu thương".
Trong thời gian nằm viện, Hayley được thông báo cô bị vỡ u nang – một triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang vì không được điều trị. Khi đó, Hayley cảm thấy rất tuyệt vọng. Lúc đầu cô được cho biết mình có một u nang trên buồng trứng dài 1cm x 1cm, nhưng phẫu thuật nội soi cho thấy nó có kích thước gấp 10 lần như vậy.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến 1 trên 10 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Phụ nữ mắc hội chứng có sự mất cân bằng nội tiết tố và các vấn đề trao đổi chất, ảnh hưởng đến sức khỏe và ngoại hình, là nguyên nhân phổ biến gây ra vô sinh.
Một số triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều. Người mắc PCOS có thể bị chậm kinh (có khi ít hơn 8 lần trong một năm). Trường hợp khác, kỳ kinh đến sớm sau khoảng 21 ngày hoặc thường xuyên hơn. Có những người bị dừng kinh nguyệt.
- Có nhiều lông trên mặt, cằm hoặc các bộ phận khác trên cơ thể mà đàn ông thường hay có, được gọi là "chứng mọc lông quá nhiều" (hirsutism), điều này ảnh hưởng đến 70% phụ nữ mắc PCOS.
- Mụn trứng cá ở mặt, ngực, phần lưng trên.
- Tóc mỏng, rụng tóc nhiều, hói đầu kiểu của nam giới hay bị.
- Tăng cân hoặc khó giảm cân.
- Da sẫm màu, đặc biệt dọc theo nếp nhăn cổ, ở háng và bên dưới ngực.
- Da bị nhăn lại và có những miếng da thừa ở vùng nách và cổ.
Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh năm 23 tuổi, Hayley cũng đi xét nghiệm và biết mình dị ứng với một số loại như gluten, lúa mì, không dung nạp được đường, sữa.
Tuy nhiên, không ngã gục trước bệnh tật, cô đã trở thành huấn luyện viên sức khỏe dinh dưỡng. Một lối sống lành mạnh hơn đã giúp cô kiểm soát được cơn đau, ngăn chặn căn bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Hayley với tấm bằng chứng nhận huấn luyện viên sức khỏe dinh dưỡng (Ảnh: Instagram)
Source (Nguồn): The Sun, Healthline, Womenshealth
Theo Trí Thức Trẻ