Vì là phụ nữ, tôi phải được ưu tiên?
Trong một chương trình mai mối trên truyền hình mới đây, một cô gái 31 tuổi đến từ TP. HCM bất ngờ trở thành tâm điểm chỉ trích của nhiều khán giả khi chia sẻ quan điểm yêu đương. Giới thiệu về bản thân, cô cho biết mình là người tính cách vui vẻ, hòa đồng, ăn rất nhiều nhưng không biết nấu ăn.
Vừa gặp mặt lần đầu, cô nàng đã chất vấn chàng trai với những câu hỏi liên quan đến tiền bạc như: "Sau khi anh lấy vợ, nếu như vợ anh không đi làm, anh có đủ bản lĩnh nuôi được 2 vợ chồng, 2 đứa con, bên cạnh đó, anh phải chăm lo gửi tiền về cho bố mẹ bên nội, bên ngoại không?". Chưa hết, cô nàng tiếp tục đòi hỏi chàng trai phải tài trợ tiền cho mình đi châu Âu, châu Mỹ du lịch nếu xác định cưới nhau.
Ngay lập tức, cư dân mạng "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha", nhao nhao lên ném đá cô gái vì cho rằng cô chưa là gì đã muốn "đào mỏ", "bào trai", "thực dụng", "ích kỷ"... Người ta chế giễu cô không biết tham gia chương trình để tìm người yêu hay nhà tài trợ để ăn sung mặc sướng, người ta bảo nhau, dễ hiểu sao cô 31 tuổi rồi mới trải qua 1 mối tình từ… 10 năm trước.
Nhưng nghĩ kỹ lại thì, kiểu phụ nữ "yếu đuối", tầm gửi, chỉ muốn sống làng nhàng rồi chài được một anh chồng có kinh tế ổn định, giương bờ vai ra che chở cho mình, chăm chút mọi nhẽ để không phải đau đầu chuyện kiếm tiền, bố mẹ cũng vì thế nở mày nở mặt, được thơm lây… nào có hiếm gặp?
Vài hôm trước, một người phụ nữ quậy tưng sân bay cũng khiến cộng đồng mạng được phen nhốn nháo. Theo như 2 clip ghi lại ở cửa kiểm soát hành lý và khu vực văn phòng của sân bay, người phụ nữ này dẫn theo con nhỏ đi máy bay và mang theo quá nhiều hành lý. Ngoài hành lý ký gửi đã vào quầy, chị này còn mang theo một vali to nữa.
Có vẻ như không thống nhất được việc sẽ ký gửi (phải đóng thêm tiền quá cước) hay xách tay (quá khổ so với hành lý xách tay theo quy định của hãng hàng không), vị hành khách đã lấy lý do phải bế con nhỏ để xin ngoại lệ. Khi nhân viên quầy check-in không du di, người này nổi quạu, lớn tiếng mắng chửi nữ nhân viên bằng những lời lẽ thô thiển.
Chưa dừng lại ở đó, người phụ nữ trên còn cự cãi, xô đẩy với các nhân viên an ninh sân bay, la lối rằng họ đã đánh con mình, thậm chí còn túm tóc một nhân viên an ninh trong khi vẫn hô hoán là mình bị hành hung (!). Sau khi vụ việc gây ầm ĩ, người phụ nữ này đã phân trần rằng cô ấy không kiềm chế được nóng giận khi nhân viên sân bay đã xúc phạm mình trước. Chưa rõ nội tình thế nào, ai sai ai đúng ở đâu, nhưng điều khiến dân mạng lên án nhiều nhất đó là thái độ nói chuyện của người phụ nữ này thực sự gây ức chế, không những không có lý lẽ mà còn xúc phạm người khác. Tất cả những hành động, lời lẽ xấu xí trên được diễn ra trước mắt con gái nhỏ của chị ta.
Thật lạ, đó cũng là tâm lý của không ít người có con nhỏ, thích lôi con ra làm bình phong, làm cái cớ để đòi người khác "thông cảm", "ưu tiên", "nhường nhịn" mình; và khi không được như ý thì chê trách, lên án, hoặc dữ dội hơn thì mắng chửi người ta xối xả như nữ hành khách nọ. Trước quầy tính tiền của siêu thị, ở công viên, trên xe bus, đường lên sân bay… bạn có thể dễ dàng bắt gặp những người thuộc kiểu phụ nữ như thế, chẳng hiếm: Vì tôi có con nhỏ, nên tôi PHẢI được ưu tiên, tất cả phải nhường nhịn tôi, nếu không, anh chị là đồ tồi!
Cuộc đời này, đâu phải vì là phụ nữ mà mọi thứ dễ dàng hơn!
"Phụ nữ sinh ra là để được yêu thương. Dù cho họ có mạnh mẽ đến đâu, giỏi giang đến đâu đi chăng nữa, họ cũng cần sự che chở và quan tâm. Nam giới luôn có sức mạnh thể chất và tinh thần to lớn, mạnh mẽ, vững vàng hơn so với nữ giới, nên nhường nhịn, chiều chuộng phụ nữ một chút mới galant. Đừng bao giờ làm tổn thương phụ nữ, đừng thờ ơ với những đòi hỏi chính đáng của họ, vì họ xứng đáng được nhận những điều tốt đẹp nhất...".
Bạn thấy những câu nói trên có quen không? Đó là những lời hoa mỹ, bay bổng dùng để ca tụng phụ nữ, mà phụ nữ cũng thường tấm tắc bảo nhau như vậy. Cùng với phong trào nữ quyền (hay nói chính xác là phong trào nữ quyền được diễn dịch theo cách riêng của phụ nữ để có lợi cho mình) và khẩu hiệu nam nữ bình đẳng càng ngày càng được nhắc đến nhiều như một thuật ngữ thể hiện chất thời thượng và được nhiều người ủng hộ, phụ nữ suốt ngày kêu gào bình đẳng giới và đòi hỏi quyền tự do, quyền được yêu thương, quyền được… ưu tiên.
Ngày càng nảy ra lắm ngày để phụ nữ chúc tụng nhau và yêu cầu đàn ông chúc tụng mình, tặng hoa tặng quà mình, cưng chiều mình, vì phụ nữ là một nửa tuyệt vời của thế giới mà! Công bằng mà nói, những thuật ngữ "nữ quyền", "bình đẳng giới" đó đã thúc đẩy phụ nữ thế hệ mới tự làm lộ thiên mạch ngầm định kiến cũ, tháo đi các nút thắt cổ hủ trong ý thức hệ ngàn đời về vai trò nữ giới trong xã hội nam quyền.
Nhưng cùng với nó, nảy sinh một kiểu phụ nữ tôn sùng giới tính và những lợi thế giới tính của mình, bám vào một quan điểm nực cười: Đòi hỏi bình đẳng bằng cách ép buộc mọi người phải ưu tiên mình, ăn uống, đi chơi đàn ông phải trả tiền, tất cả mọi việc đều dùng đến 2 chữ "ưu tiên" và "lady first".
Các chị có con nhỏ cũng được thể vin vào đó để có thêm cớ được người đời ưu ái: Là phụ nữ và có trẻ con đi kèm. Họ sinh con đã vất vả lắm rồi, họ cần được chút nhường nhịn trong cuộc đời, cần được thông cảm, cần được giúp đỡ hơn những người khác. Chẳng phải ở Mỹ, người ta xếp hạng ưu tiên là phụ nữ, trẻ em, chó và đàn ông đó sao???
Thôi nào, bớt bớt đi các chị! Nếu nữ quyền và bình đẳng giới thực sự được hiểu như các chị nghĩ, thì chính sự cắt nghĩa ấy sẽ phản lại chính thuật ngữ, khi đàn ông phải phục dịch phụ nữ, người không/ chưa có con phải ưu ái phụ nữ có con chỉ vì "lợi thế" giới tính của họ, đó là phản-nữ-quyền và bất bình đẳng giới mất rồi!
Đừng đòi hỏi bình đẳng theo kiểu a dua bởi bình đẳng giới là sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa phụ nữ và nam giới. Là sự chia sẻ công việc tương ứng chứ không phải là sự hoán đổi vai trò của nam, nữ từ thái cực này sang thái cực khác và sự tuyệt đối hóa kiểu vì tôi đã đẻ con (những công dân tương lai cho xã hội) nên tôi phải được ưu tiên như thể tôi là mẹ xã hội!
Phụ nữ muốn bình đẳng trước hết hãy đặt mình ngang hàng với đàn ông ở mọi phương diện. Và phụ nữ có con, muốn được hưởng sự ưu tiên, hãy cư xử đúng mực, lịch thiệp và ngỏ ý xin/ nhờ người khác dành phần ưu tiên cho mình, để họ thông cảm, chứ không phải giãy nảy lên với cái cớ "tôi có con nhỏ". Có con, đó là một sự lựa chọn của bạn, và ưu ái bạn hay không, đó là lựa chọn của người đối diện.
Người ta không có nghĩa vụ làm theo ý nguyện và mưu cầu của bạn đâu, dù bạn là phụ nữ hay bạn có con nhỏ đi kèm. Cuộc sống sẽ không vì bạn là phụ nữ mà phải tươi cười, niềm nở, dành ưu đãi với bạn, không có ai vì bạn là phụ nữ mà nhất nhất nhường nhịn mọi thứ. Những phụ nữ có được điều đó, họ luôn là người hỏi xin một cách khéo léo, khiêm cung, chiếm được cảm tình của người khác, và sự ưu đãi dành cho họ nằm ở cách họ ứng xử, chứ không phải giới tính.
Theo Trí thức trẻ