Ảnh minh họa
Quan điểm của tôi thẳng thắn mà nói là: Con ai người ấy nuôi, không trách cớ mẹ chồng không lên chăm cháu hay không cho cháu tiền uống sữa. Cái này tùy tâm ông bà, mình là phận làm con không được đòi hỏi vô lý như vậy.
Các chị có thể nói tôi ích kỉ, không trọng tình cảm, xa rời truyền thống…nhưng tôi cũng là một bà mẹ 2 con, đứa con nào tôi cũng tự tay chăm lo không nhờ ai. Tôi cũng đã gần 40 tuổi, cũng chưa từng sống ở nước ngoài nên tôi nghĩ ý kiến của mình cũng có cái lý của nó. Và chắc chắn sẽ có người đồng tình với ý kiến của tôi.
Ai rơi vào hoàn cảnh 2 vợ chồng lần đầu làm cha mẹ vụng về, trăm thứ phải lo nhưng nhờ đến mẹ chồng giúp đỡ mà bị từ chối thì tự ái thật. Tôi cũng từng ở trong hoàn cảnh ấy nên tôi hiểu rõ lắm. Thậm chí nhà chồng tôi có 2 anh em trai, mẹ chồng chăm nuôi cả 2 cháu cho anh chị cả nhưng đến lượt tôi thì bà chối đây đẩy. Thậm chí bà cũng chưa từng mua tặng con tôi bất kỳ món đồ gì, từ quần áo, cái bánh hay hộp sữa.
Khi tôi sinh con, mẹ chồng chỉ xuống 1 tuần đầu là về quê ngay. Bà bảo, ngày xưa 1 mình bà nuôi 2 đứa con rồi vừa chăm con, vừa làm ruộng, chăm sóc nhà cửa mà có ai giúp đâu. Bà áp dụng đúng kế sách "đẻ con ra thì tự mà nuôi, đừng trông chờ ai".
Như người khác chắc phải giận mẹ chồng tím mặt nhưng tôi thì thấy bình thường. Thậm chí Tết nhất vẫn đối xử với bà chu đáo để bà an lòng.
Tôi không quẳng trách nhiệm trông con do mình đẻ ra cho bố mẹ bên nào, ông bà giúp được dù nhiều hay ít tôi đều biết ơn. Mình sống có hiếu với bố mẹ hai bên thì mới mong dạy dỗ được con cái nên người. Nếu đòi hỏi và đổ trách nhiệm lên bố mẹ chúng ta thì càng tồi tệ và ích kỷ hơn. Như thế sau này, dạy con mình như thế nào được?
Chăm cháu hay không là tùy tâm ông bà, mình là phận làm con không được đòi hỏi vô lý như vậy.Ảnh minh họa
Bởi ngay từ khi chưa kết hôn, tôi đã xác định rất rõ với chồng. Sau này mọi việc trong gia đình hai vợ chồng đều phải chủ động chứ không chỉ chuyện sinh con.
Khi sinh 2 đứa sát nhau, tôi mới nhận ra: chăm sóc trẻ nhỏ thực sự là công việc cực nhọc. Tuy đã thuê người giúp việc nhưng bản thân tôi cũng phải gánh rất nhiều việc nhà chứ không thể dồn hết. Nhưng may mắn là tôi tìm được một bà giúp việc tận tâm nên không phải đau đầu nhiều.
Bây giờ nhìn ra xung quanh, nhiều gia đình ông bà về hưu nhưng không ngày nào thất nghiệp. Cháu chắt là được giao phó hết cho, đứa này lớn lên lại đứa khác ra đời. Trông cháu không khéo còn bị con cái nó mắng cho xơi xơi.
Nhiều ông bà có lẽ sẽ nói rằng, chăm sóc con cháu là niềm vui tuổi già. Nhưng thi thoảng các cháu về chơi với ông bà thì mọi chuyện rất tốt đẹp. Chứ ngày ngày phải thay tã, cơm bưng nước rót, đưa đón học hành thì tin chắc rằng, bất kỳ ông bà nào cũng thấy mệt mỏi.
Đôi khi, người trẻ hay lấy khó khăn hiện tại ra để biện minh cho việc bóc lột sức lực, tiền bạc và tuổi già của bố mẹ mình. Thậm chí nhiều gia đình vô tư biến cha mẹ thành ô sin.
Có con nhỏ đương nhiên là khổ sở, vất vả nhưng mình tự khắc phục, sắp xếp lại cuộc sống thì tốt hơn là đổ trách nhiệm lên đầu ông bà.
Có con nhỏ đương nhiên là lam lũ, là cháy túi triền miên, nhưng khi lấy nhau, khi có kế hoạch sinh con đã biết vấn đề tài chính gia đình của mình thế nào rồi. Như thế hai vợ chồng cố gắng mà vượt qua chứ đừng đòi hỏi ông bà phải góp tiền mua cái này mua cái nọ cho con mình.
Ai làm cha mẹ chả phải trải qua cảnh trăm thứ đổ đầu, bận tối mắt tối mũi mà không ai hỏi han, động viên hay quan tâm gì cả.
Hoàn cảnh của tôi còn như thế, nhưng tôi có oán trách gì đâu. Thậm chí suy nghĩ ganh ghét, đố kị với nhà anh chị chồng cũng không có. Tôi quán triệt với chồng: con ai người ấy nuôi, trách nhiệm với con mình là của mình trước tiên, đừng trông chờ ai. Sau này mình già, lên chức ông bà cũng chỉ trông con cho chúng nó vài tháng thôi, còn đâu kệ. Tuổi già là để nghỉ ngơi.
Sức khỏe của bố mẹ còn ít hơn chúng ta, thời gian tồn tại và cơ hội tận hưởng cuộc sống cũng ít hơn. Người đời có câu: “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ ngay vào đó”. Nếu không muốn làm “osin” cho con cái sau này, chúng ta cũng đừng bắt bố mẹ phải nuôi nấng hay có trách nhiệm với con của mình nữa.