Bắt nạt hay bạo lực học đường hiện đang là một vấn đề nóng của xã hội. Con trẻ ngày càng hung hăng, manh động và thiếu kiềm chế trong xử lý các tình huống. Chúng thông qua những hành vi bắt nạt, ức hiếp để thể hiện sức mạnh cũng như sự chi phối của mình đối với người khác. Vậy những nguyên nhân nào khiến con trẻ trở nên thích bắt nạt đối tượng yếu thế hơn? Các bậc cha mẹ hãy cùng theo dõi 8 lí do ngay sau đây để lưu ý:
1. Những vấn đề và hiểu lầm ở nhà
Lớn lên trong môi trường gia đình không lành mạnh gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho trẻ. Những đứa trẻ bị người thân bạo hành, lạm dụng thường hay có hành vi bắt nạt hơn. Việc trở thành một kẻ bắt nạt với cách hành xử hung bạo sẽ là phương thức để chúng thể hiện sức mạnh, sự chi phối của mình đối với người khác.
2. Trẻ thích thể hiện mình
Nhiều người trong chúng ta đã từng xem những bộ phim về các thiếu niên có uy thế trong trường lớp bắt nạt những bạn khác. Có thể trẻ tập theo đó, một là một hành vi thể hiện địa vị xã hội của trẻ với những người khác. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội sẽ ít hung hăng hơn so với số không được quan tâm nhiều.
3. Dấu hiệu của sự yếu đuối
Các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều trẻ vị thành niên không hành xử bạo lực và bắt nạt người khác vì chúng không cần làm vậy để chứng minh bản thân. Chúng cảm thấy thoải mái với vai trò hiện tại của mình trong tập thể. Nhưng khi trẻ cư xử tiêu cực hơn, đó có thể là dấu hiệu của sự yếu đuối. Chúng cảm thấy bất an về vị trí của mình và dùng bạo lực để che giấu điểm yếu đó.
4. Áp lực từ những trẻ khác
Chúng ta luôn cố gắng để thích nghi, hòa nhập với cộng đồng. Trong một số tình huống, trẻ phải lựa chọn tham gia bắt nạt cùng những trẻ khác hoặc mình sẽ là nạn nhân của hành vi bắt nạt. Sức ép từ những trẻ đồng trang lứa đôi khi quá lớn khiến trẻ cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác việc tham gia bắt nạt cùng số đông.
5. Trả thù lại bắt nạt
Khi là nạn nhân của bạo lực học đường, những đứa trẻ sẽ có xu hướng bắt nạt lại người khác, trong một hoàn cảnh khác, như thể đó là một sự trả đũa. Những đứa trẻ này coi việc chúng đi bắt nạt người khác là chính đáng và cảm thấy nhẹ nhõm khi làm nhục một ai đó. Thường thì nạn nhân của những đứa trẻ nêu trên thường là những đứa trẻ yếu đuối hơn. Do vậy, sự bắt nạt lẫn nhau trở thành một vòng luẩn quẩn.
6. Thiếu sự đồng cảm
Một số trẻ vị thành niên thích bắt nạt và gây ra những trò đùa ác ý vì thiếu sự đồng cảm. Chúng không hiểu sự tổn thương mà bạo lực gây ra với nạn nhân. Vì lẽ đó, các bậc phụ huynh cần chú ý việc giúp con phát triển cảm xúc. Cha mẹ nên hiểu rằng việc thấu hiểu người khác giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp khi trưởng thành.
7. Thiếu sự quan tâm trẻ
Trẻ con cần tình yêu thương và sự quan tâm từ người lớn. Chúng cần cảm thấy được chăm sóc. Khi một đứa trẻ cảm thấy mình như "vô hình" trong mắt cha mẹ, đó sẽ là dẫn đến những hành vi manh động, bạo lực như bắt nạt kẻ khác. Sự gây hấn này trở thành một "trò chơi" để đứa trẻ cố gắng để thu hút sự chú ý từ cha mẹ. Một đứa trẻ bị bỏ mặc sẽ trở thành một kẻ bắt nạt và khi ấy chúng sẽ nghĩ mình đã được chú ý hơn.
8. Định kiến và thành kiến
Hành vi bắt nạt bắt nguồn từ các thành kiến có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu. Trẻ em có thể gặp điều này ở trường, trên mạng, ngoài quán cà phê... Nó xuất phát từ niềm tin rằng mỗi một đối tượng khác nhau xứng đáng được đối xử theo những cách khác nhau. Mọi người đều muốn trở nên đặc biệt. Khi một đứa trẻ nghĩ mình hơn một đứa trẻ khác về địa vị xã hội hay vì nhiều lý do khác, chúng sẽ có cách đối xử nhất định, bao gồm bắt nạt những người xung quanh mình.
Nguồn: Brightside
Theo Helino