Mọi thứ thay đổi khá nhanh sau khi mẹ tôi bị liệt bởi cơn đột quỵ và cũng từ đó, tôi học được nhiều về những giai đoạn khác nhau của sự lão hoá. Cả cha mẹ tôi đều từ khỏe mạnh, năng động trở nên như thế chỉ trong khoảng thời gian vô cùng ngắn và chẳng ai trong chúng tôi có sự chuẩn bị cho những sự thay đổi mà bố mẹ đã trải qua.
(Ảnh minh họa)
Trong trường hợp của tôi, việc thiếu chuẩn bị không phải là thiếu sự cố gắng. Tôi đã nghiên cứu rất nhiều, từ online cho đến vào thư viện, nhà sách tìm hiểu. Trong thư viện, tôi thấy những quyển sách chăm sóc trẻ em, cách chăm sóc bệnh nhân được đặt cạnh nhau. Nói chung, có rất nhiều sách về sự phát triển của trẻ em và hàng tá quyển sách giúp bạn hiểu hơn về trẻ.
Trong khi đó, chúng ta ai rồi cũng già đi và dường như khó để tìm được những nguồn tài liệu về các giai đoạn của sự lão hóa để giúp chúng ta có sự chuẩn bị. Thông tin thì có ở đấy nhưng những thông tin thực tế lại rất khó để tôi có thể tìm được. Những gì tôi phát hiện ra (và là những điều các chuyên gia tiếp xúc với người lớn tuổi đã biết) chính là sự lão hóa ở mỗi người chẳng hề giống nhau.
Sẽ có một số "kịch bản" khá dễ đoán hoặc đơn giản nhất là những gì tôi đã nghĩ về các giai đoạn của sự lão hóa.
Giai đoạn 1: Bố mẹ bạn không cần giúp đỡ
Đây là giai đoạn bạn gọi điện thoại cho bố mẹ và họ quá bận rộn để gặp gỡ chúng ta, hay họ đi du lịch, dành cả nửa năm để ở một nơi nào đó. Hoặc cũng có thể bố mẹ ở gần đó và háo hức trông nom bọn trẻ thay bạn. Hãy tận hưởng giai đoạn này, càng nhiều càng tốt.
Hãy chắc chắn rằng bố mẹ có một kế hoạch cho các bất động sản hiện có. Có thể khó để đưa ra nhưng bất kì cuộc nói chuyện nào về tương lai mà bạn có thể thực hiện ngay bây giờ sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và giảm thiểu căng thẳng khi mọi thứ thay đổi. Hãy làm quen với bạn bè, hàng xóm của bố mẹ. Nếu bố mẹ có mối quan hệ tốt với những người này, bạn sẽ dễ dàng có cách để tiếp cận họ. Hãy xem việc biết những người quan trọng trong đời bố mẹ mình là một việc cần phải làm.
Giai đoạn 2: Bố mẹ cần giúp đỡ nhưng lại không nghĩ mình cần sự trợ giúp
Lúc này, bạn nhận thấy có những điểm bạn cần lưu tâm. Có thể bố mẹ không thể chăm sóc nhà cửa như trước đây, việc mua thực phẩm, nấu ăn giờ đây cũng khó khăn hơn với bố mẹ nhưng họ đã xoay xở bằng một cách nào đó để tự mình hoàn thành. Hoặc có thể ở bố mẹ đã xuất hiện những thay đổi về mặt thể chất và tinh thần, báo trước một điều gì đó nghiêm trọng hơn sẽ đến. Trong trường hợp của chúng tôi, nó gần như là tất cả những điều này.
Bố mẹ tôi cần sự giúp đỡ đã từ lâu trước khi họ chấp nhận được vấn đề này, đặc biệt là sự giúp đỡ của người ngoài.
Giai đoạn này, anh chị em tôi giúp đỡ bố mẹ khá nhiều. Có lúc bố mẹ còn cho rằng bố mẹ nên trả công cho sự giúp đỡ này vì họ có khả năng lo cho bản thân. Nếu điều này nghe có vẻ như hơi giống với trường hợp của bạn thì bạn hãy nhớ rằng, bạn cần kiên nhẫn để thuyết phục bố mẹ chấp nhận sự giúp đỡ của những người xung quanh. Và thậm chí nếu cần thiết, bạn nên có cuộc trao đổi với bố mẹ về tương lai khi họ thực sự cần sự giúp đỡ của con cái, người thân quen.
Bạn cũng cần xem xét lại vai trò của mình trong câu chuyện giúp đỡ bố mẹ. Bố mẹ cần sự hỗ trợ nào từ các con? Bạn có thể chi trả bao nhiêu tiền cho sự hỗ trợ mà bố mẹ cần? Giai đoạn này có thể kéo dài rất lâu (có thể là mãi mãi) với sự trợ giúp của bạn. Điều này tốt thôi, miễn là mọi người đều đồng ý với các phương án đưa ra sau khi tìm kiếm các cách để hỗ trợ bố mẹ khi cần thiết.
Không chỉ vậy, bạn hãy hiểu cho tình hình tài chính của bố mẹ. Có thể những cách thức hỗ trợ bố mẹ sẽ vượt quá khả năng tài chính của họ. Vì vậy, hãy chia sẻ với nhau một cách thật lòng vì tất cả là một gia đình.
Giai đoạn 3: Bố mẹ không cần nhận đầy đủ sự hỗ trợ
Ở giai đoạn này, có thể yêu cầu của bố mẹ sẽ như sau: "Bố mẹ muốn có người đến giúp vài việc khoảng 1,5 giờ vào buổi sáng và 1 giờ vào buổi tối. Nhưng không cần thiết ngày nào cũng đến". Có thể mẹ bạn cần được giúp đỡ 4 giờ mỗi tuần nhưng không phải ngày nào cũng đến nhà bà để làm việc gì đó. Ở giai đoạn này, bố mẹ cần sự hỗ trợ, giúp đỡ nhưng không phải là 100%.
Điều bạn cần làm trong giai đoạn này là gì? Là hãy đánh giá mức độ an toàn trong ngôi nhà của bố mẹ, làm sao để giảm thiểu nguy cơ té ngã hoặc chấn thương. Bạn có thể xem xét về ánh sáng của ngôi nhà, loại bỏ những chi tiết có thể khiến bố mẹ vấp, ngã. Ngôi nhà càng an toàn, họ sẽ càng ở lâu trong ngôi nhà đó.
Bạn cũng cần dự đoán mức độ chăm sóc tiếp theo cho bố mẹ. Bạn sẽ làm gì khi bố mẹ cần nhiều sự giúp đỡ hơn? Họ có cần thiết phải dọn đến sống cùng con cái? Hãy nghĩ đến các bước tiếp theo, có thể bố mẹ không đồng ý nhưng bạn nên sẵn sàng trong mọi tình huống.
Giai đoạn 4: Bố mẹ cần sự giúp đỡ mỗi ngày và họ luôn nhận được đầy đủ
Nếu có thể ở lại giai đoạn 1, ai cũng muốn được ở lại giai đoạn đó mãi mãi (nhưng chẳng ai kiểm soát được quá trình này). Ở bước này, cuối cùng rồi bạn cũng đã tìm được sự cân bằng, tìm được người giúp đỡ bố mẹ khi bạn không thể, bạn lường trước được những tình huống có thể xảy ra với bố mẹ mình và có sẵn kế hoạch để ứng phó với chúng. Xin chúc mừng bạn.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, bạn cũng cần phải xem xét lại vai trò của chính mình trong những hoạt động giúp đỡ bố mẹ, xem xét lại lựa chọn về nơi ở cho bố mẹ. Có rất nhiều sự lựa chọn để thực hiện và càng có nhiều thời gian để suy nghĩ, thảo luận về chúng, bạn và gia đình sẽ càng có sự chuẩn bị tốt hơn.
Hãy đơn giản hoá mọi thứ, đơn giản hóa cuộc sống của bố mẹ bạn, giúp bố mẹ thoát khỏi những căng thẳng thường ngày và trấn an họ rằng, bố mẹ luôn có các con kề bên. Đặc biệt, bạn cũng cần chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp về y tế. Bạn có biết hết những loại thuốc bố mẹ đang dùng? Chúng đang được cất ở nơi nào? Bố mẹ có dùng đúng liều lượng hay không? Hãy tham khảo những thông tin này với các chuyên gia y tế.
Giai đoạn 5: Bố mẹ cần sự trợ giúp về y tế
Chắc chắn rằng sẽ đến lúc bố mẹ bạn rất cần sự giúp đỡ về y tế. Đây là giai đoạn thực sự căng thẳng, vừa về tinh thần và cả về kinh tế, sức lực của bạn cùng các anh chị em. Bạn có thể xem xét đến việc thuê chuyên viên y tế đến chăm sóc cho bố mẹ tại nhà nhằm giảm thiểu tình trạng bố mẹ gặp vấn đề về sức khỏe nhưng không có ai có mặt kịp thời để hỗ trợ, dễ dẫn đến những tình huống xấu có thể xảy ra.
Một điều quan trọng không kém trong lúc này đó chính là bạn phải giữ gìn sức khỏe của chính mình, nghỉ ngơi mọi lúc có thể và tìm cách giảm bớt căng thẳng, lo âu. Bạn muốn lo cho bố mẹ, bạn cần có sức khoẻ, hiểu đơn giản là như thế.
Giai đoạn 6: Bố mẹ cần 100% sự giúp đỡ của mọi người
Rồi sẽ đến lúc bạn chẳng thể nào để bố mẹ một mình. Các lựa chọn bạn có ở thời điểm này sẽ tương tự như các lựa chọn bạn đã có ở những giai đoạn trước. Và bạn biết không, dù không muốn nhưng cũng đã đến lúc bạn trò chuyện với bố mẹ về những nguyện vọng cuối đời của họ. Hãy thực hiện ngay khi có thể, khi bố mẹ còn tỉnh táo vì bạn chẳng biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Ngoài ra, bạn cũng cần xác định nơi cất giữ các tài liệu quan trọng của bố mẹ. Có nhiều tài liệu quan trọng mà bạn sẽ cần được biết đến sự tồn tại của chúng trước khi bố mẹ qua đời.
Các giai đoạn của sự lão hóa có thể là đột ngột, cũng có thể là dần dần thay đổi - nhưng đó là điều chẳng thể nào tránh khỏi. Vậy bạn sẽ làm gì để chuẩn bị cho mình một tâm thế vững vàng khi tình huống xấu nhất xảy ra? Hãy đọc lại 6 giai đoạn trên để chọn ra cho mình những giải pháp phù hợp. Và quan trọng hơn hết, hãy yêu thương, chăm sóc bố mẹ từng ngày, từng giờ. Bởi yêu thương là chẳng cần chờ đợi, bố mẹ đã bao giờ hẹn ngày, hẹn tháng để chăm sóc các con đâu vậy thì đừng lấy lí do "này nọ lọ chai" để viện cớ cho sự vô tâm của chính bản thân mình.
Từng cuộc điện thoại hỏi thăm, từng ngày đến thăm hỏi, có thể bạn sẽ giật mình khi nhận ra mới ngày hôm trước bố mẹ vẫn khỏe nhưng sao hôm nay lại mệt mỏi thế. Đừng để phải nói chữ "giá như" trong ân hận, về nhà thăm bố mẹ thôi.
(Nguồn: Life in motion guide)
Theo Trí Thức Trẻ