Trong độ tuổi đi học, tâm sinh lý của con mỗi ngày đều có những biến đổi. Do đó, cha mẹ nên hết sức lưu ý với bất kỳ biểu hiện bất thường nào của con để có sự hỗ trợ và can thiệp kịp thời. Câu chuyện của bà mẹ ở Trung Quốc có con gái 10 tuổi sau đây là một ví dụ.
Theo đó, bà mẹ này cho biết, con gái mình từ 2 tuổi đã không còn chứng tè dầm hay làm ướt giường sau khi ngủ dậy. Ấy thế nhưng, dạo gần đây cô bé lại thường xuyên thức dậy với chiếc drap giường ẩm ướt. Điều này khiến chị vô cùng hoang mang và nhận thấy có điều gì bất thường nơi con gái. Chị muốn biết có gì đã xảy ra với con hay con đang có bệnh nào trong người hay không.
Nhưng nhìn con gái mỗi sáng gặp mẹ với gương mặt ngại ngùng, xấu hổ và nói xin lỗi, chị không thể nào trách mắng hay hỏi thẳng con về lý do được. Chị chỉ nhẹ nhàng an ủi con: "Không sao đâu, điều này chỉ thỉnh thoảng xảy ra thôi mà, nó không phải là vấn đề gì lớn, chỉ cần con giặt giữ sạch sẽ là ổn thôi!"
Ảnh minh họa
Sau đó, chị tâm sự với con chuyện trường lớp. Chi hỏi: "Gần đây, trên lớp con có gặp rắc rối gì không?" Sau một hồi, chị đã tìm ra nguyên nhân khiến chiếc giường mỗi sáng của con đều bị ướt. Theo đó, do cô bé vừa mới chuyển trường trong học kỳ này, em chưa quen với cô giáo mới và bạn mới nên đến lớp còn tủi thân.
Gần đây, trong một bài kiểm tra, em chỉ đạt 80 điểm, trong khi mọi lần em vẫn thường xuyên nhận điểm 100, điều này khiến em lo lắng rằng sẽ bị mẹ trách mắng. Chính những lý do ấy khiến cô bé cảm thấy bất an và hay gặp ác mộng ban đêm, dẫn đến việc tiểu tiện không kiểm soát trong lúc ngủ.
Sau khi nói chuyện với con gái và biết những điều này, người mẹ tỏ ra đôi chút bất lực và tự trách bản thân, chị cho rằng mình đã quá mải mê với công việc mà không để ý tới những suy nghĩ của con, chị chưa từng một lần quan sát những thay đổi về cảm xúc của cô bé trong khoảng thời gian chuyển trường.
Nhưng may mắn là giờ đây, chị đã sớm nhận ra vấn đề để cùng giúp con mình giải quyết.
Trên thực tế, tè dầm với trẻ con không phải là chuyện gì quá to tát, nhưng nếu hiện tượng này xảy ra với một đứa bé vốn không tè dầm bao giờ thì chắc chắn các em đang có vấn đề về sức khỏe hoặc tâm lý. Lúc này, thái độ của bố mẹ là vô cùng quan trọng, nếu tỏ ra giận dữ, khó chịu, đứa trẻ sẽ ngày càng tự ti, xấu hổ và không dám chia sẻ những gì mình đang gặp phải.
Phương pháp của bà mẹ trên thực sự rất đáng học hỏi. Chị không trách mắng con vì việc làm ướt giường mà ngược lại, chị dùng cách an ủi con, sau đó dùng những câu hỏi gián tiếp để dần tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề. Cách giải quyết tinh tế này sẽ giúp con mở lòng và chia sẻ nhiều hơn.
Theo Sohu
Theo kenh14.vn