Con mình đẻ ra, sao lại bắt ông bà trông cháu?

Lẽ dĩ nhiên ông bà nào mà chẳng mong có cháu để được ẵm bồng, chiều chuộng. Thế nhưng thi thoảng cho cháu về thăm ông bà để vun đắp tình cảm thì rất tốt. Nhưng nếu bắt ông bà nai lưng ra chăm cháu, ngày ngày vui đầu trong núi tã lót và những nồi cháo nóng thì thật không thể chấp nhận được.

Hà cớ gì con mình đẻ ra mà lại bắt ông bà phải trông nom? Khi quyết định trở thành bố, thành mẹ nghĩa là bản thân cũng phải sẵn sàng với trách nhiệm to lớn đằng sau đó. Con mình đẻ ra thì trông nom, chăm sóc là nghĩa vụ và trách nhiệm của bố mẹ. Xin đừng đẩy gánh nặng ấy sang cho ông bà rồi hồn nhiên cho rằng đó là lẽ dĩ nhiên ở đời. Ông bà đã một đời lam lũ nuôi con, đến khi tuổi về già điều mà con cháu nên làm là báo hiếu và để ông bà được nghỉ ngơi. Đừng vì sự ích kỷ của mình mà đẩy lên vai ông bà gánh nặng chăm cháu.

Tôi cũng đã trải qua 2 lần sinh nở và dù bận rộn với công việc, tôi vẫn cố gắng chu toàn việc chăm con. Chưa lần nào tôi có ý tưởng đẩy con cho ông bà trông. Cả 2 lần sinh nở, bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ cũng chỉ nên đỡ đần tôi hết tháng ở cữ. Sau đó, tôi thuê giúp việc và tự mình gánh vác việc nuôi con. Có con rồi tôi mới nhận ra rằng việc chăm sóc một đứa trẻ cực nhọc và vất vả đến mức nào. Từ sáng đến tối lúc nào cũng trong trạng thái luôn tay, luôn chân, đầu tắt mặt tối. Công việc vất vả đến như vậy sao nỡ để ông bà, nhưng người đều đã ở vào độ tuổi sức chẳng còn, chân tay yếu phải đảm đương?

Nhà chỉ có hai vợ chồng, tôi thuê thêm người giúp việc để có người đỡ đần việc nhà. Tôi cũng không nhắm mắt phó mặc chuyện chăm con hoàn toàn cho người giúp việc mà cố gắng thu xếp ổn thỏa để có nhiều thời gian ở bên con hơn. Chẳng có gì hơn được mẹ chăm con. Bởi giữa mẹ và con luôn tồn tại một mối liên kết kỳ diệu, thế nên không ai hiểu con bằng mẹ và cũng không ai chăm con tốt hơn mẹ. Cũng có lẽ một phần nhờ tôi may mắn nên hai bé “trộm vía” khá ngoan, tôi chỉ cần thuê một người giúp việc cho đến khi cả 2 đứa đều đến tuổi tới trường. Tôi quan niệm rất đơn giản, đẻ con ra thì trách nhiệm thuộc về mình và bố của đứa trẻ, chứ không phải nghĩa vụ của ông bà.

Thế nhưng nhìn xung quanh vẫn có vô vàn những người trẻ điềm nhiên cho rằng, cứ đẻ đi, chăm con đã có ông bà lo. Họ mặc định việc trông con là nghĩa vụ của ông bà. Tôi thấy thật đáng thương và cũng đáng buồn cho những người ông, người bà có con như vậy. Họ đã vất vả cả một đời người để đến khi già yếu lại tiếp tục đánh vật với mấy đứa cháu.

Hàng xóm nhà tôi có một bác gái đã 60 tuổi, bác có 2 người con trai và một cô con gái. Tất cả đều đã lập gia đình và yên ấm cửa nhà. Những tưởng như vậy là bác sung sướng và hạnh phúc lắm, bởi từ giờ yên tâm an hưởng tuổi già, không còn phải vướng bận gì nữa, vì con cái lo xong hết rồi. Thế nhưng viễn cảnh tốt đẹp ấy chẳng hề xảy ra. Bác ở cùng anh con trai cả, khi con dâu sinh đứa con đầu lòng, bác hạnh phúc ôm cháu trong vòng tay và nghĩ cuộc đời mình thế là viên mãn. Rồi cũng từ đó, tôi thấy bác “được” quay trở lại với thời con mọn, cả ngày tất bật bỉm sữa, trông cháu cho vợ chồng con cả đi làm. Đến khi đứa cháu đầu được 2 tuổi thì cô con dâu thứ 2 sinh con, chưa đầy một năm thì dâu cả lại sinh thêm đứa nữa. Vậy là bác quay cuồng luôn, tờ mờ sáng tôi đã thấy bác dậy hì hục nấu cháo cho đứa cháu nhỏ, rồi đưa đứa lớn đi học. Trưa đến lại quần quật cho cháu ăn, chiều thì đi đón cháu tan trường về. Thi thoảng lại chạy vội sang nhà con trai thứ 2 xem con dâu có cần mẹ đỡ đần gì không. Suốt một ngày như vậy từ sáng đến tối, chẳng bao lâu bác cũng đổ bệnh đau lưng và thoái hóa khớp gối. Nhìn bác tôi thấy chua xót trong lòng.

Rất nhiều người có lẽ vẫn cho rằng được chăm sóc cháu là niềm vui tuổi già. Nhưng tôi xin được nói thẳng, nó chỉ là niềm vui khi ông bà đơn giản là chỉ chơi với các cháu. Thi thoảng cháu về thăm, ở với ông bà một vài ngày. Còn nếu ngày ngày phải tã lót, cơm cháo rồi đưa đón cháu học hành thì ông bà nào cũng mệt mỏi đến phát ốm mà thôi. Xin hãy ngừng việc “hành hạ” những người đã sinh ra chúng ta bằng cách bắt họ tiếp tục gánh vác việc chăm nom cho các cháu. Nếu không có khả năng nuôi dưỡng và chăm sóc con thì đừng vội làm cha, làm mẹ.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU