Một người mẹ trẻ họ Trương ở Trung Quốc vừa mất đi đứa con yêu quý của mình chỉ vì sai lầm chết người khi đo nhiệt độ cho con. Do chủ quan nên người mẹ này đã không chú ý trong quá trình đo nhiệt độ, em bé hiếu động đã cắn vỡ đầu thủy tinh của chiếc nhiệt kế và nuốt phải một chút thủy ngân trong đó. Mặc dù biết điều này, nhưng người mẹ chỉ ép con nôn ra sau đó cho bé súc miệng bằng nước muối và nghĩ rằng như vậy là ổn.
Em bé ngộ độc thủy ngân sau khi cắn vỡ nhiệt kế (Ảnh: Imama)
Ngày hôm sau, bé cảm thấy đau bụng dữ dội, làn da xanh tái và nôn rất nhiều. Đến lúc này người mẹ mới đưa con tới bệnh viện để cấp cứu nhưng đã quá muộn. Bác sĩ kết luận bé bị ngộ độc thủy ngân cấp tính, dẫn tới suy hô hấp và tử vong.
Tại Việt Nam cũng đã từng có rất nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc thủy ngân do cắn vỡ nhiệt kế. Khoa cấp cứu (Bệnh viện Nhi Trung ương) và Khoa Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai- Hà Nội) là nơi cấp cứu những trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân, trong đó trẻ em chiếm số đông.
Điều này cho thấy rằng, rất nhiều bậc phụ huynh đang chủ quan trong việc sử dụng các thiết bị y tế thông dụng, dẫn tới hậu quả đau lòng.
Biểu hiện ngộ độc thủy ngân
Thủy ngân là một kim loại màu trắng bạc, thể lỏng, không tan trong nước và có thể bốc hơi tương đối dễ ở nhiệt độ phòng. Thủy ngân có trong nhiệt kế là dạng thủy ngân nguyên chất, được hấp thu rất ít khi vào đường tiêu hóa nhưng chúng sẽ trở nên rất độc khi vào phổi do trẻ hít phải trực tiếp. Khi trẻ hít phải thủy ngân sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và hệ thần kinh trung ương.
Nhiệt kế thủy ngân rất nguy hiểm nếu bị vỡ
Nếu hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính, khiến nạn nhân bị ho, khó thở, đau tức ngực và có cảm giác đau rát ở phổi. Ngoài ra, nó có thể gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp, có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc lượng thủy ngân nhiều.
Cách xử lý khi nhiệt kế thủy ngân bị vỡ
- Nhanh chóng đứa trẻ ra khỏi phòng để tránh thủy ngân bay hơi trong không khí, khi hít phải sẽ gây hại phổi.
- Thay toàn bộ quần áo của trẻ tránh trường hợp thủy ngân dính vào quần áo.
- Rửa sạch tay, mặt và mắt với nước muối sinh lý.
- Dọn dẹp thủy ngân trên sàn bằng cách đeo găng tay và dùng chiếc bông tăm thấm nước hoặc giấy mỏng để để gạt thủy ngân vào. Đặt thủy ngân trong hộp kín, tuyệt đối không đổ xuống cống để tránh ngộ độc nguồn nước.
- Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân, hoặc trẻ ngậm nhiệt kế bị vỡ thì cần bình tĩnh, không cố ép trẻ nôn ra mà cho bé uống thật nhiều nước sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để giải độc kịp thời.
Chọn nhiệt kế an toàn cho trẻ
Bên cạnh loại nhiệt kế bằng thủy ngân thông dụng, bạn có thể chọn những loại nhiệt kế khác không chứa thủy ngân sẽ an toàn hơn cho bé.
Nhiệt kế điện tử
Loại nhiệt kế này rất dễ sử dụng, tuy nhiên độ chính xác không được cao so với nhiệt kế thủy ngân. Khi sử dụng loại nhiệt kế này, nhiệt độ chênh lệch có thể dao động từ 0,5 đến 0,7 độ C. Chẳng hạn nhiệt độ cơ thể bé là 37 độ thì khi dùng nhiệt kế này có thể đo được mức nhiệt là 37,5 độ.
Nhiệt kế hồng ngoại
Loại nhiệt kế này hoạt động trên nguyên lý bức xạ nhiệt dưới dạng hồng ngoại. Do đó, yếu tố thời tiết có thể tác động khiến kết quả đo không được chính xác. Chẳng hạn như khi thời tiết lạnh thì nhiệt kế có thể cho chỉ số thân nhiệt thấp hơn.
Nhiệt kế dán trán
Loại nhiệt kế này sử dụng đơn giản, mặc dù không cho ra kết quả là nhiệt độ cơ thể, nhưng mẹ có thể căn cứ vào màu sắc miếng dán để biết con có bị sốt hay không. Dán trực tiếp miếng dán nhiệt kế lên trán rồi đợi trong khoảng 1 phút, nếu màu sắc miếng dán thay đổi thì có thể bé đang bị sốt.
(Tổng hợp, theo Imama)