Vụ việc bé trai Lê Hoàng L. (6 tuổi, học lớp 1 Tokyo của trường Gateway) tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh khiến dư luận vô cùng bàng hoàng, thương xót.
Trao đổi với PV, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo số liệu thống kê mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo được gửi sang Sở cho thấy, năm học 2019-2020, trên địa bàn Hà Nội có 17 trường có xe đưa đón học sinh, với tổng số xe đưa đón là 629 xe.
Trong đó, loại xe 16 chỗ chiếm số lượng lớn nhất với 345 xe. Đáng chú ý, theo ông Long, trong danh sách này, không có thống kê của quận Cầu Giấy về các trường có xe đưa đón học sinh, do đó, không có tên Trường Tiểu học Gateway.
Liên quan đến Công ty TNHH Vận tải Ngân Hà là nơi ông Đoàn Quý Phiến là lái xe hợp đồng, theo ông Long, qua kiểm tra cho thấy, đơn vị này có được cấp giấy phép kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, chỉ có 4 phương tiện của công ty này có đăng ký với Sở và được cấp phù hiệu xe kinh doanh.
Đối với chiếc xe Ford Transit 16 chỗ chỗ mang BKS 29B - 069.56 thuộc sở hữu của ông Đoàn Quý Phiến, nhân viên lái hợp đồng của công ty chưa có giấy phép về kinh doanh vận tải, chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh.
Ông Long nêu rõ, hiện tại Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với Công an kiểm tra toàn bộ các phương tiện đang tham gia đưa đón học sinh của trường tiểu học Gateway để xem có vi phạm nào hay không. Trên cơ sở kiểm tra, nếu phát hiện có lỗi vi phạm sẽ xử lý theo quy định.
Trưởng phòng Quản lý vận tải cho biết thêm, đối với các xe chở học sinh hiện nay, nhà trường đều hợp đồng với phụ huynh và thu thêm tiền đưa đón nên thuộc diện xe hợp đồng chở khách, phải đăng ký kinh doanh theo Nghị định 86.
Theo quy định tại Nghị định 86, với xe hợp đồng chở khách có tải trọng thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng đơn vị, chủ xe kinh doanh phải thông báo tới Sở GTVT hành trình, số lượng khách, điểm đưa đón, trả khách.
Đặc biệt, xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình để các cơ quan chức năng có thể nắm được lộ trình xe.
Ông nói, hàng năm Sở GTVT Hà Nội đều có văn bản gửi Sở GD-ĐT và các quận, huyện đề nghị tổng hợp số lượng các phương tiện đưa đón học sinh.
Đồng thời yêu cầu kiểm tra, xử lý và chấm dứt hoạt động đối với xe hết niên hạn, nhưng vẫn sử dụng để đưa đón học sinh.
Qua vụ việc này, ông Đào Việt Long kiến nghị, ngoài việc giảng dạy cho các em học sinh một số kỹ năng thoát hiểm khi bị bỏ quên trên ô tô thì Sở GD-ĐT, các trường cần xây dựng quy trình chặt chẽ đưa đón học sinh, đặc biệt, các học sinh nhỏ tuổi như trường hợp ở trường Gateway vừa qua.
Bên cạnh đó, trong thời gian, Bộ GTVT cần nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật đối với phương tiện tham gia đưa đón học sinh, đặc biệt, tập trung vào các thiết bị an toàn, cảm biến nhiệt giúp phát hiện người còn trên xe, cửa thoát hiểm, đèn, còi, đường đi...
Siết chặt quản lý xe đưa đón học sinh
Trước đó, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, vừa có đề nghị Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý đối với xe hợp đồng đưa đón học sinh, sinh viên.
Theo lãnh đạo Tổng Cục đường bộ Việt Nam, ngày 6/8 đã xảy ra vụ việc nghiêm trọng làm một học sinh của Trường tiểu học Gateway (quận cầu Giấy, Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón học sinh.
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, chiếc xe 16 chỗ mang biển kiểm soát 29B-069.56 sử dụng để đưa đón học sinh chưa được cấp giấy phép về kinh doanh vận tải, chưa được cấp phù hiệu xe theo quy định.
Bên cạnh đó, thời gian qua, theo phản ánh ở một số địa phương có tình trạng sử dụng xe quá niên hạn, xe không đủ điều kiện đảm bảo an toàn để vận chuyển đưa đón học sinh, sinh viên.
Để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra và tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng, đặc biệt xe hợp đồng đưa đón học sinh, sinh viên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có đề nghi Sở GD-ĐT các địa phương tăng cường chỉ đạo.
Trong đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ đối với hoạt động đưa đón học sinh, sinh viên của đơn vị mình; tập huấn, hướng dẫn lái xe và người đưa đón học sinh các nội dung liên quan đến công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Cùng với đó, Sở GD-ĐT cần yêu cầu các cơ sở giáo dục đào tạo chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với các đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định, các phương tiện trong quá trình hoạt động phải đảm bảo về niên hạn sử dụng, đăng kiểm và được cấp phù hiệu xe kinh doanh vận tải theo quy định.
Tổng Cục cũng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng trên địa bàn có hoạt động vận chuyển đưa đón học sinh, sinh viên; xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở GTVT phối hợp với Sở GD-ĐT địa phương để có giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của xe vận chuyển đưa đón học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Đi kèm với đó, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông, đặc biệt tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ôtô.
Theo ttvn.vn