Tính đến ngày 24/1, chỉ tính riêng ở Trung Quốc đã có gần 900 người bị viêm phổi và 16 người tử vong do nhiễm coronavirus, loại virus lạ bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), say đó lây lan sang nhiều tỉnh, thành phố của quốc gia này, đồng thời đã bắt đầu xuất hiện những trường hợp đầu tiên tại khắp các quốc gia trên thế giới.
Hiện nay, nhiều quốc gia đã phát hiện các trường hợp nhiễm coronavirus như Mỹ (đã xuất hiện trường hợp thứ 2), Thái Lan (1 trường hợp), Nhật Bản (2 trường hợp), Hàn Quốc (đã xuất hiện trường hợp thứ 2), Singapore (đã xuất hiện trường hợp đầu tiên).
Người Hong Kong ra đường luôn đi cùng chiếc khẩu trang.
Trong đó, có cả Việt Nam. TP.HCM vừa phát hiện 2 trường hợp là bố con du khách người Trung Quốc tới Việt Nam du lịch, đi qua nhiều tỉnh, thành phố của nước ta, bao gồm: Hà Nội, Nha Trang, TP.HCM… Trong suốt chuyến đi, người bố liên tục có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, ho khan, người con tiếp xúc lâu ngày với bố cũng bị lây bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng hiện nay vẫn còn quá sớm để ban bố tình trạng khẩn cấp. Vậy, trong thời điểm hiện tại, khi coronavirus đã "cập bến" Việt Nam, chúng ta cần biết những gì để có thể tự bảo vệ bản thân?
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân nhiễm virus là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những biểu hiện lâm sàng của việc nhiễm trùng loại virus lạ này bao gồm:
- Sốt cao trên 38 độ C.
- Ho.
- Hụt hơi.
- Khó thở.
- Viêm phổi.
- Phổi có tổn thương lan tỏa.
- Suy hô hấp cấp.
Một số bệnh nhân có triệu chứng khởi phát nhẹ mà không sốt. Hầu hết bệnh nhân nhiễm bệnh vẫn có sức khỏe tốt, chỉ một số ít bệnh nhân bị nặng và thậm chí tử vong.
Các con đường lây lan?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một số loại coronavirus có thể truyền từ người sang người, thường là sau khi tiếp xúc gần với bệnh nhân bị nhiễm bệnh.
Bác sĩ Geng Rong, Giám đốc Nhi khoa và Trợ lý Trưởng khoa của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Shunyi, Bệnh viện Nhi đồng Bắc Kinh, cho biết các con đường lây nhiễm chính của loại virus mới này có thể bao gồm:
- Việc tiếp xúc với các loại dịch (nước mũi, nước bọt, dịch mụn nước…).
- Đường hô hấp.
Thông tin do Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Vũ Hán công bố cho thấy những người tiếp xúc gần gũi như người thân, bạn học, đồng nghiệp, nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân đều có nguy cơ lây lan bệnh dịch.
Bộ Y tế khuyến cáo?
Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV phù hợp với diễn biến tình hình dịch, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
4. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
5. Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.
Link bài gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/coronavirus-da-vao-toi-viet-nam-nhung-dieu-can-biet-de-tu-bao-ve-ban-than-22020241115957510.htm
Theo Helino