Covid-19: Tấm ảnh đặc biệt "đàn ông ôm nhau" và lời kể từ tâm dịch Quảng Nam

Mẹ hỏi: "Dịch ở Việt Nam con đi còn được, chứ tận Châu Phi biết có ngày về không con?" Tôi thực sự chần chừ vì câu hỏi đó. Nhưng ngay lúc đó tôi đã hiểu rằng, cuộc đời của người bác sĩ truyền nhiễm dịch xảy ra thì mình phải tham gia thôi.

Cuộc trò chuyện được thực hiện vào thời điểm khá đặc biệt, lúc đó đã quá 22h đêm. Lý do bởi phải đến khung giờ đó, TS. BS Lê Viết Nhiệm - Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam mới tạm xong công việc trong ngày. Dù thú thật đang "mệt nhừ người" nhưng mọi câu chuyện bác sĩ chia sẻ vẫn ngập tràn cảm xúc chân thành. Anh hơi nghẹn giọng khi kể về chị hộ lý suýt ngất xỉu sau ca làm, đắn đo xin phóng viên không đăng ảnh vì sợ chồng bị mất việc. Anh hãnh diện về người trưởng phòng vi sinh ngày làm đêm học cho bằng được cách thiết lập phòng xét nghiệm bắt sống "con Corona"; về vị giám đốc dễ xúc động không ít lần nức nở trước nhân viên: "Vì nhân dân, chúng ta phải làm!"

Thực tế dịch bệnh đã tạo nên nhiều thời điểm kiệt sức cho bất kỳ ai đang ở "vùng đỏ" của tâm dịch, nhưng rõ ràng, họ vẫn đang cùng nhau, tin tưởng và sẻ chia, lạc quan và cố gắng. Tất cả đều hướng đến một ngày, tiễn bệnh nhân ra viện an toàn và được trở về nhà trong vòng tay người thân mong đợi.

Thanh An: Xin chào TS. Nhiệm! Tôi vừa trò chuyện với giám đốc bệnh viện ĐKTW Quảng Nam. Tôi rất ấn tượng với một bác sĩ đã 71 ngày làm việc rồi chưa về nhà. Nhà anh xa viện không và anh vẫn ổn chứ?

TS. Lê Viết Nhiệm: Nhà tôi cách bệnh viện 2km. Nhà thì gần mà đường về thật là xa. Vợ vẫn đùa, tôi đi chậm hơn rùa. Nhưng chắc chắn dù có chậm đến mấy, rùa cũng sẽ về đến nhà. Tôi tin rồi mình và đồng nghiệp sẽ được về nhà thôi.

Thanh An: Cơ sở nào để anh có niềm tin chắc chắn vậy?

TS. Lê Viết Nhiệm: Tôi tin vào khoa học. Tôi cũng tin vào đồng nghiệp của mình. Vào những nỗ lực mà chúng tôi đang từng ngày từng giờ từng phút kiên trì thực hiện công việc. Rồi chúng tôi sẽ cùng nhau kiểm soát được dịch bệnh. Tất cả chúng tôi đều hy vọng rằng khoảng 2 tháng nữa tình hình dịch bệnh ở Quảng Nam sẽ tạm ổn.

Thanh An: Anh có thể kể về những người đồng nghiệp đang mang lại cho mình niềm tin vững vàng đến như vậy chứ?

TS. Lê Viết Nhiệm: Hiện bệnh viện đang ở giai đoạn 2 điều trị cho 59 bệnh nhân Covid-19 và các ca F1 cách ly với hơn 150 y bác sĩ làm nhiệm vụ. Tại khu tôi quản lý trực tiếp có 11 bác sĩ, 26 điều dưỡng và 4 hộ lý. Tình hình diễn biến phức tạp như thế này thì có thể ngay sáng ngày mai, mấy tiếng đồng hồ nữa thôi, bệnh viện sẽ phải thiết lập giai đoạn 3. Nghĩa là nâng quy mô lên 100 bệnh nhân và số lượng nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc điều trị toàn viện sẽ tăng phải lên gần 300 người.

Lúc đó câu chuyện con người là cả vấn đề. Nói thật với chị, thời điểm này tìm bác sĩ y tá điều trị Covid không quá khó vì nghề nghiệp đã được đào tạo và anh chị em sẵn sàng xông pha. Nhưng giữ được một hộ lý làm việc trong khu cách ly khó vô cùng. Họ là lao động phổ thông, thay ga giường, thay quần áo, chăm sóc bệnh nhân, dọn dẹp vệ sinh phòng bệnh, nhà vệ sinh, thu gom rác và chất thải của cả khoa điều trị… Toàn là những công việc trực tiếp tiếp xúc với nguồn lây, nguy cơ lây nhiễm cao không kém gì bác sĩ.

Nhưng vì lương họ thấp, không có nhiều ràng buộc với bệnh viện, thấy nguy hiểm hay trả giá họ đều có quyền từ chối. Ban đầu rất nhiều người sợ, xin nghỉ việc nhưng cũng có những người dũng cảm trụ lại. Ví dụ như chị hộ lý tên Bùi Thị D. (xin phép giấu tên theo nguyện vọng của chị - PV).

Ngay từ ca bệnh Covid-19 đầu tiên điều trị tại Quảng Nam hồi 16/3, chị D. đã là người chăm sóc trực tiếp. Từ đó đến nay, chị liên tục phụ trách buồng phòng của bệnh nhân Covid-19, từ BN57, BN330 rồi đến BN331. Giai đoạn dịch bùng phát trong cộng đồng ở Quảng Nam, chị lại là người xung phong đồng hành đầu tiên. Chính nhờ sự dấn thân của chị D. mà nhiều hộ lý đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ vào "vùng đỏ". Và chị trở thành người huấn luyện quy trình làm việc an toàn trong khu cách ly cho toàn đội hộ lý.

Khu điều trị chị D. đang phụ trách có 16 bệnh nhân, nghĩa là 16 phòng bệnh. Để dọn hết thường mất khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ một buổi. Trời Quảng Nam những tháng này nắng nóng rất oi bức, nhiều lúc xong việc, chị đi ra khỏi buồng bệnh mà ai nhìn cũng phải thương. Hôm bữa chị D. mệt đến muốn ngất, dù mới làm được 2/3 lượng công việc. Y tá phải gọi ra cho nghỉ ngơi, khuyên bảo nghỉ một ngày không dọn cũng được. Nhưng vừa quay đi quay lại đã thấy chị vào phòng bệnh tiếp tục công việc của mình.

Đó là những hy sinh ít người nhìn thấy. Vì nếu không có những người dọn vệ sinh, giữ cho từng đôi dép, từng bộ đồ được khử trùng sạch sẽ; lau dọn phòng bệnh, làm công việc từ nguy cơ thấp đến nguy cơ cao để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện thì sẽ cực kỳ khó cho y bác sĩ. Ta vẫn hay nói "không có ai bị bỏ lại phía sau", nhưng người hộ lý mặc áo xanh thường phải đứng xa những lời khen ngợi, những bó hoa tươi rất rất nhiều lần.

Hôm rồi các nhà báo đến ghi nhận thực tế tại bệnh viên, đúng lúc chị vừa vệ sinh xong phòng bệnh, trưa nắng nên mồ hôi ra ướt như tắm. Những vết lằn từ khẩu trang với kính bảo hộ trên mặt đã tím bầm chứ không còn đỏ nữa. Tôi nhờ bạn nhà báo chụp tấm hình cho chị ấy. Cũng định xin phép đăng lên để nhiều người thấy rõ hơn sự cực nhọc rất ít khi được nhắc đến. Ảnh chụp xong rồi, 3 phút sau chị mới nói rất nhỏ, kiểu sợ hãi: "Bác sĩ và anh phóng viên có thể không đưa ảnh em lên được không? Tại vì nếu đưa lên, người ta biết chồng em có vợ làm ở đây, sợ người ta cho nghỉ việc mất".

Chồng của chị ấy làm ở một công ty khá lớn ở tỉnh, gia đình không quá khó khăn để phải bất chấp nguy hiểm nhận nhiệm vụ này. Nhưng chị chấp nhận hết như vậy, vừa muốn bảo vệ bệnh nhân, vừa muốn bảo vệ chồng mình.

So với chị D. thì 71 ngày xa nhà của bản thân tôi không là gì cả. Xung quanh mình còn rất nhiều đồng nghiệp, điều dưỡng cũng sẵn sàng lăn xả hy sinh nhiều lắm. Họ còn con nhỏ, cha mẹ già ở nhà nhưng vẫn chấp nhận vào cách ly với quyết tâm bám trụ cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến.

Không phải bọn tôi liều hay không biết cực khổ đâu. Khó khăn đấy nhưng cố gắng lạc quan, san sẻ cho nhau để vượt qua. Chúng tôi ở tuyến 2 càng điều trị được nhiều bệnh nhân, càng hạn chế chuyển viện lên tuyến cuối bao nhiêu thì đỡ cho Bệnh viện Trung ương Huế bấy nhiêu. Ở tuyến cuối với toàn bệnh nhân nguy kịch các thầy, các anh chị còn cực hơn rất nhiều.

Thanh An: Tôi thật bất ngờ trong lúc này, các anh vẫn còn có thể nghĩ và muốn chia sẻ gánh nặng cho đồng nghiệp của mình ở tuyến trên hay những nơi rất xa xôi như vậy!

TS. Lê Viết Nhiệm: Đó chị! Vì ở đây chúng tôi cũng nhận được sự chia sẻ rất lớn từ đồng nghiệp của mình.

Đối với tôi lúc này, làm sao đảm bảo đủ nhân lực để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, rồi làm sao không một anh chị em nào bị lây nhiễm trong quá trình làm việc… là những chuyện lo lắng nhất.

Khi số lượng bệnh nhân tăng lên đột ngột, có những lúc chúng tôi bức xúc với việc đồ bảo hộ, vật tư, trang thiết bị, thuốc men chưa kịp thời; năng lực xét nghiệm chưa đáp ứng kịp... Những lúc đó, phải nói là sự san sẻ trách nhiệm, mỗi người gắng lên một chút vì việc chung quan trọng lắm.

Ngay ban giám đốc cũng có lúc không ăn không ngủ để lo cho nhân viên, cho bệnh nhân. Cũng phải chia sẻ chân tình rằng trong lúc ban đầu rối như canh hẹ, giữa nhân viên với lãnh đạo không phải lúc nào cũng thật sự đồng thuận. Tuy nhiên sau tất cả, chúng tôi đã xây dựng được sự đồng thuận rất lớn. Khi TS Đinh Đạo - giám đốc Bệnh viện - đứng trước hơn 760 nhân viên nói rằng, đây là nhiệm vụ chung, vì nhân dân, chúng ta phải làm! Chúng tôi đã toàn tâm toàn ý.

Bộ phận cận lâm sàng, xét nghiệm thời gian đầu chưa rõ lắm về mảng này. Nhưng trưởng khoa vi sinh, với sự cầu tiến nỗ lực rất lớn chỉ trong thời gian ngắn đã đáp ứng tốt nhu cầu của chúng tôi. Tôi biết anh ấy không ngủ rất nhiều ngày rồi, bạc cả mặt để cùng anh em thiết lập ra một phòng xét nghiệm sinh học phân tử có thể phát hiện virus corona. Từ đó, làm xét nghiệm nhanh nhất, chính xác nhất giúp chúng tôi chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh hiệu quả.

Đấy là tôi còn chưa kể đến những người lo vật tư thiết bị y tế. Anh trưởng phòng vật tư ốm o gầy mòn thấy rõ để lo làm sao tìm được trang thiết bị bảo hộ tốt nhất, nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu của anh em khối điều trị.

Khi có rất nhiều hỗ trợ đầy đủ như vậy, đúng là chúng tôi yên tâm làm việc với 100% sức lực. Trong trường hợp quy mô điều trị tăng lên 100 - 200 bệnh nhân nghĩa là chúng tôi sẽ phải huy động đến 200% sức lực ra mà chiến đấu. Kể cả khi tỉnh có phương án xây dựng bệnh viện dã chiến, nếu còn sức bọn tôi vẫn sẽ tiếp tục cống hiến.

Thanh An: Được biết anh là bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân người nước ngoài có số hiệu 57. Quá trình điều trị cho bệnh nhân này có gì đặc biệt?

TS. Lê Viết Nhiệm: Ca 57 là trường hợp bệnh nhân người nước ngoài nhiễm Covid đầu tiên chữa trị tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Nhưng trước đó tôi đã từng điều trị cho 6 - 7 người nước ngoài có yếu tố dịch tễ phải vào viện cách ly, sau đó xét nghiệm may mắn có kết quả âm tính.

Quá trình tiếp xúc, tương tác giúp mình phát hiện ra một số đặc điểm tưởng là khó chịu ở bệnh nhân, hóa ra chỉ là sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ. Nếu mình giải quyết được thì đỡ áp lực hơn rất nhiều.

Với ca bệnh 57 vấn đề nằm ở lý do đến Việt Nam của vợ chồng họ. Tại Anh, bệnh nhân vốn là sĩ quan cảnh sát, cho nên rất khó để ông ấy sắp xếp công việc mà đi du lịch. Lựa chọn đến Việt Nam là họ kỳ vọng về một kỳ nghỉ thực sự tuyệt vời. Nhưng rồi thay vì giấc mơ đẹp, chuyến đi đã trở thành cơn ác mộng khi ông ấy được đưa vào trung tâm cách ly ở Hội An và xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Cánh cửa xe cấp cứu mở ra, trước mắt tôi là hai khuôn mặt đầy hoang mang. Tôi chỉ nói rất chân thành: "We’re here to support you" (Chúng tôi ở đây để hỗ trợ ông bà - PV dịch). Chỉ thế thôi. Tôi nghĩ họ cảm nhận được. Nhờ vậy lúc thăm khám ban đầu, họ thể hiện thái độ hợp tác mặc dù vẫn rất hoang mang.

Họ không biết làm sao. Họ chưa thực sự tin tưởng vào năng lực của y bác sĩ chúng ta. Rồi lại không biết chúng ta sẽ đối xử với họ như thế nào? Liệu có bị phân biệt, kỳ thị gì hay không?

Tuy nhiên lúc đó chúng tôi có nhiều sự may mắn hỗ trợ. Đầu tiên, đây là ca bệnh nhẹ, không có diễn biến tăng nặng. Thành ra họ không quá bị đau đớn, hay khó chịu nhiều về thể xác. Thêm nữa, khi đón bệnh nhân về điều trị, địa phương chưa có dịch ngoài cộng đồng cho nên phòng ốc thoải mái. Họ được bố trí nhân lực và vật lực khá tốt. Hai vợ chồng mỗi người ở một phòng, đối diện nhau qua giếng trời.

Thêm một điều thuận lợi nữa là tôi đã từng sống ở châu Âu 3 năm. Thành ra mình hiểu đôi chút văn hóa của họ. Tức là khi làm việc thì rõ ràng rành mạch. Trao đổi về chiến lược, kế hoạch điều trị với người châu Âu phải rất chi tiết, chính xác. Mình chia sẻ cụ thể phướng án điều trị như thế này, thuốc dùng loại nào, tác dụng ra sao… Rồi quá trình khám bệnh thì tế nhị hỏi thăm cuộc sống tại nước Anh của họ và chia sẻ thời gian ở châu Âu của mình…

Ngày qua ngày như vậy, mình thấy họ ổn hơn. Họ bắt đầu tự tin nói ra nhu cầu của bản thân.

Có hôm họ bày tỏ nguyện vọng được ăn thêm trái cây. Rồi có hôm họ xin xà bông giặt đồ. Theo quy định bệnh viện không cho, nhưng trường hợp này đúng là đặc biệt thật. Bởi vì bệnh viện Việt Nam vẫn chưa thiết kế đồ bệnh nhân cho người Tây. Hộ lý đưa quần áo, họ cố gắng mặc mà không được, nên mình đành phải xử lý giúp họ.

Sự khác biệt nhất trong quá trình điều trị cho bệnh nhân người nước ngoài chính là chế độ dinh dưỡng. Chuyện ăn uống của bệnh nhân làm cho cả bác sĩ, điều dưỡng và rất nhiều người phải xúm vào tính.

Thanh An: Là họ không ăn được cơm và cháo của bệnh viện?

TS. Lê Viết Nhiệm: Đúng rồi. Nhưng ngặt một nỗi họ lại không thể hiện ra.

Bác sĩ hỏi bệnh nhân ăn cơm được không? Cả hai vợ chồng cứ gật đầu: "Tôi ăn được". Hỏi thì hỏi vậy nhưng mình quan sát hộp cơm sau bữa ăn vẫn còn rất nhiều. Bản thân điều dưỡng cũng lo lắng phát sốt lên, trao đổi liên tục với bác sĩ.

Ngày hôm sau, mình phải gợi ý, nếu không ăn được cơm thì món gì có thể ăn được? Thí dụ như Phở? Rồi mình dặn khoa dinh dưỡng khi chế biến không dùng nước mắm. Sau đó mặc dù họ nói "Tốt hơn rồi", nhưng phần thừa vẫn còn nhiều. Hai vợ chồng bệnh nhân 57 lúc này đang có những biểu hiện của sự đuối sức, thiếu dinh dưỡng.

Vậy là bọn mình phải ngồi lại với thạc sĩ Đặng Thị Hoàng Khuê - trưởng khoa dinh dưỡng. Mấy anh em cùng nghĩ làm sao để có món Tây cho họ. Điểm quý ở đây là chị Khuê rất thông cảm với bọn mình và bệnh nhân. Chị hỏi ngay đội bếp. May quá, có một người biết nấu món Âu tương đối.

Bệnh viện cách thành phố Tam Kỳ 30km, cách Đà Nẵng tới 100km thế nhưng các chị vẫn nhờ người mua được nguyên liệu, gia vị. Và chỉ đúng một ngày sau, khoa dinh dưỡng đã ra được thực đơn những món Tây cơ bản kèm luôn cả thực đơn đồ uống khá đa dạng bao gồm nước hoa quả, sữa chua, sữa tươi…

Ngay sau bữa đầu tiên đổi thực đơn, mình hỏi bệnh nhân ăn uống thế nào? Họ vẫn nói vậy, "ăn được". Nhưng khi bọn mình quan sát mới thấy họ đã ăn không để lại một chút gì cả. Đúng văn hóa Tây luôn đấy. Rất tuyệt vời luôn đấy. Thể lực của bệnh nhân tiến triển tốt lên rất nhanh.

Và khi mà dấu hiệu bệnh tật ngày càng được kiểm soát tốt hơn, chúng tôi bắt đầu sắp xếp để hai vợ chồng đi lại tập thể dục ở vườn hoa vào những lúc không ai qua lại.

Lâu dần họ dành cho mình rất nhiều niềm tin, còn chia sẻ cả những đam mê trong cuộc sống. Điều dưỡng của bệnh viện chưa rành tiếng Anh, khi chăm sóc có lúc phải dùng thủ ngữ, bằng cách ra dấu tay. Sau một thời gian, chính họ đề nghị được dạy tiếng Anh cho điều dưỡng. Sự tương tác đã như những người bạn. Và mình cảm nhận họ nói rất thật, rằng họ tin tưởng tuyệt đối vào bác sĩ Việt Nam.

Tinh thần bệnh nhân tốt hơn đã giúp cho tất cả có thể cùng nhau vượt qua được quãng thời gian chờ kết quả xét nghiệm âm tính dài dằng dặc. Trước mỗi lần lấy mẫu, cả hai vợ chồng họ đều rất háo hức mong chờ. Nhưng kết quả cho dương tính đến cả lần thứ 5. Thời điểm đó bệnh viện lại chưa làm được xét nghiệm nên phải mang mẫu đi xa. Muốn có được kết quả cũng phải mất 4 - 5 ngày.

Mỗi lần nhận tin báo dương tính, thực sự mà nói, tôi phải lựa lúc khám, kiểm tra xem bệnh nhân có khả năng chịu đựng được thì mới trả lời. Nếu không mình vẫn phải thay đồ bảo hộ ra, quay về phòng ngồi nghĩ tiếp. Lúc nào nhận định ổn nhất, đảm bảo họ có bữa ăn giấc ngủ tốt mình mới giải thích kết quả. Vậy mà lắm lúc phải chứng kiến họ suy sụp ngay trước mặt bác sĩ.

Vì họ chỉ mong chờ âm tính để được trở về quê nhà. Ông bệnh nhân đó đã 67 tuổi rồi, tinh thần ông rất kém và stress rất dữ. Lúc này mới thấy thực đơn phù hợp bổ trợ hữu ích như thế nào cho quá trình chăm sóc bệnh nhân. Bệnh nhân phải không đói thì mới có sức để điều trị và vực dậy tâm lý sau những quãng thời gian chịu đựng các cú sốc liên tiếp.

Khi kết quả âm tính lần 2 báo về bệnh viện, phải nói là tuyệt vời cho tất cả! Ngày chia tay, mình mang khẩu trang, bệnh nhân cũng mang khẩu trang. Ông đề nghị có thể được phép ôm mình để bày tỏ tình cảm chân thành không? Lúc đó, mình xúc động thực sự.

Bệnh nhân 57 người Anh ôm bác sĩ Nhiệm trong ngày ra viện. Ảnh: NVCC

Thanh An: Có thể sau ca bệnh này, ngành y tế sẽ có thêm những kinh nghiệm hết sức giá trị để điều trị tốt hơn nữa cho nhiều bệnh nhân người nước ngoài. Còn với cá nhân bác sĩ thì cảm thấy thế nào?

TS. Lê Viết Nhiệm: Bước chân ra khỏi toà nhà điều trị của bệnh viện, bệnh nhân 57 còn một hành trình hết sức đặc biệt để có thể về nước.

Theo quy định của Việt Nam, tất cả bệnh nhân Covid-19 phải cách ly theo dõi 14 ngày sau khi xuất viện. Trong khi đó đã đến ngày chuyến bay nhân đạo của chính phủ Anh cất cánh. Do vậy bản thân tôi lúc đó vừa là bác sĩ điều trị, vừa quản lý khoa lại vừa phải phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Anh ở Tp. HCM làm việc cùng Sở ngoại vụ Quảng Nam.

Tất cả các bên đã phối hợp rất tích cực để bố trí cho hai người một chuyến xe đặc biệt, chạy thẳng từ bệnh viện đến ga quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất, Tp. HCM. Xe không được dừng lại bất cứ điểm nào, trừ những điểm được bố trí từ ban đầu để đổ xăng và đi vệ sinh. Chúng tôi phải tính đến từng nhu cầu rất nhỏ của cơ thể trong khoảng thời gian cho phép để sắp xếp ít điểm dừng nhất trên đường.

Tại những điểm quan trọng như đến sân bay, lên chuyến bay và về tới nước Anh, họ đều nhắn tin báo cho mình. Phải tới lúc biết họ an toàn về đến nhà rồi tôi mới có cảm giác nhẹ nhõm và thấy mình thực sự điều trị xong cho người bệnh. Đó như một kỷ niệm đẹp giữa đại dịch quá ư là căng thẳng.

Thanh An: Ngày làm nghiên cứu sinh về truyền nhiễm ở Pháp có bao giờ anh nghĩ rằng rồi tương lai mình sẽ phải đối phó với những chuyện như hôm nay không?

TS. Lê Viết Nhiệm: Thật ra ước mơ ban đầu của tôi không phải là bác sĩ truyền nhiễm. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tôi muốn về Quảng Nam làm việc để góp một chút sức nhỏ chăm cho bệnh nhân ở quê nhà. Giống như nhiều người trẻ khác, tôi muốn làm tim mạch cơ.

Nhưng khi về bệnh viện, nhìn đi nhìn lại thấy ở khoa Truyền nhiễm, ta hay gọi là khoa lây đấy, không có người làm. Bệnh nhân rất tội. Thành ra tôi suy nghĩ đúng 1 ngày 1 đêm và quyết định chuyển hướng 180 độ sang làm truyền nhiễm. Chính từ lúc đó tôi đã biết sẽ có ngày phải đối phó với dịch và đại dịch rồi.

Tháng 8 - 2014, châu Phi bùng phát dịch Ebola khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng. Tôi đã nộp hồ sơ và sẵn sàng tâm thế đi châu Phi để chung tay chiến đấu cùng các đồng nghiệp trong Tổ chức Bác sĩ không biên giới.

Nhưng mẹ tôi lúc đó đang bệnh, nhiều nỗi lo sợ của người già mình không thể không suy nghĩ. Mẹ hỏi: "Liệu con có về không? Dịch ở Việt Nam con đi còn được, chứ tận Châu Phi biết có ngày về không con?"

Tôi thực sự chần chừ vì câu hỏi đó. Vào lúc mẹ cần mình, tôi phải ở nhà. Nhưng bạn biết không, ngay lúc đó tôi đã hiểu rằng, cuộc đời của người bác sĩ truyền nhiễm chắc chắn một ngày nào đó, dịch xảy ra thì mình phải tham gia thôi.

Thanh An: Dường như anh đang dùng chính sự nhiệt thành của những ngày tháng tuổi trẻ sẵn sàng làm hồ sơ đi châu Phi để vượt qua những khó khăn của hiện tại?

TS. Lê Viết Nhiệm: Tuổi đẹp nhất của cuộc đời, tôi nghĩ là tuổi có mơ ước và sẵn sàng dùng nhiệt huyết của mình để chia sẻ. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, giấc mơ có thể được hoàn thành trong bất kỳ thời điểm nào của cuộc đời. Xem như tôi cũng đã đến ngày có thể dồn bao nhiêu nhiệt huyết của tuổi trẻ để dấn thân, để thực hiện nhiệm vụ mà ngày chọn nghề này mình đã xác định.

Chuyện không may của cả nhân loại xảy đến, cũng là lúc mình cần làm việc có ích. Bản thân là một bác sĩ trẻ và là chủ nhiệm diễn đàn Bác sĩ trẻ của bệnh viện, tôi muốn truyền lửa cho các bạn ấy. Để tất cả chúng tôi hiểu rằng, làm ở đâu cũng được, nhưng đã làm thì hết sức làm tốt nhất công việc của mình. Nói cống hiến có vẻ quá lớn lao nhưng đúng là chúng tôi làm hết sức mình.

Thanh An: Khi y bác sĩ làm hết sức mình thì bệnh nhân tại Quảng Nam đang như nào thưa tiến sĩ?

TS. Lê Viết Nhiệm: Với số lượng 50 bệnh nhân nặng có nhẹ có, chúng tôi áp dụng chính sách phân loại bệnh nhân để điều trị.

Những trường hợp nhẹ, bác sĩ, điều dưỡng bám sát kế hoạch chăm sóc, tư vấn để bệnh nhân an tâm thực hiện đúng phác đồ. Điều quan trọng ở đây là lực lượng trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân đã rất có kinh nghiệm. Hộ lý, điều dưỡng, bác sĩ điều trị đều là những người luôn sát sao đến từng bữa ăn giấc ngủ của người bệnh. Còn với những bệnh nhân diễn tiến nặng hoặc có vấn đề lo lắng đặc biệt thì mình cùng anh chị em chuyên gia hội chẩn và giải quyết.

Ngay cả những vấn đề như bố trí số lượng và vị trí giường nằm... mình cũng phải tính toán sao cho khoa học và thông thoáng ở khu vực hành lang, lan can, cửa sổ. Khuyến khích bệnh nhân đi lại, vận động để họ thoải mái hơn, giải tỏa bớt bức bối trong không gian chỉ có 4 bức tường với giường bệnh.

Điểm thứ hai là chúng tôi đảm bảo vấn đề dinh dưỡng hợp lý để bệnh nhân dù đang trong tình trạng mệt mỏi vẫn có thể có được cảm giác ăn tốt hơn, ngon miệng hơn. Không ít bệnh nhân khi gọi điện hỏi thăm người nhà đang ở khu cách ly tập trung, họ động viên nhau vừa thật mà vừa vui: "Thôi ráng đi, kết quả âm thì tốt, còn nếu dương tính vô đây sướng lắm".

Ở bệnh viện chúng tôi lúc này là vậy. Có lúc căng thẳng, có nhiều khó khăn, có chuyện vui, chuyện không vui nhưng rõ ràng anh chị em đều nỗ lực để làm việc và cùng chia sẻ với bệnh nhân./.

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/covid-19-tam-anh-dac-biet-dan-ong-om-nhau-va-loi-ke-tu-tam-dich-quang-nam-220920

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU