Cứ gọi Black Friday là ngày mua sắm siêu giảm giá nhưng bạn đã biết hết những bí mật về nó chưa?

Năm nay, Black Friday sẽ diễn ra vào thứ Sáu tuần này (24/11).

Thứ Sáu đen (Black Friday) là ngày hội mua sắm lớn nhất Mỹ, mở màn cho mùa shopping trước Giáng Sinh. Trong ngày này, các cửa hàng, siêu thị trên khắp nước Mỹ sẽ đồng loạt mở cửa sớm, tung khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng.

Vào ngày Black Friday, hầu hết các cơ sở bán hàng đều mở cửa từ rất sớm để chuẩn bị và chào đón khách hàng. Các mặt hàng giảm giá cực sốc, đặc biệt là thời trang, điện tử điện lạnh, đồ gia dụng, nội thất… Đó là lý do mà người ta sẵn sàng chờ từ đêm hôm trước, xếp hàng dài cả km, chen nhau mua sắm trong “Ngày thứ 6 đen tối”, thậm chí còn xô đẩy, tranh giành để được mua hàng giảm giá.

Một vài năm trở lại đây, Black Friday được du nhập vào Việt Nam theo các nhãn hàng thời trang lớn, dần dà trở thành sự kiện thường niên và đáng mong chờ của đa phần người dân thành phố. Năm nay, “Ngày thứ 6 đen tối” rơi vào ngày 24/11, hứa hẹn sẽ lại là một mùa bội thu hàng hóa của cả người mua lẫn người bán.

Ngoài các cửa hàng bán lẻ, thì các trung tâm thương mại và trang thương mại điện tử cũng tung ra những chương trình giảm giá cực lớn.

Dưới đây sẽ là những điều có thể bạn chưa biết về ngày mua sắm đặc biệt này:

Bắt nguồn từ một vụ… kẹt xe

Nguồn gốc khái niệm Black Friday hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng sự kiện này bắt đầu được nhắc tới vào năm 1939, khi Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đứng trước sức ép phải chuyển lễ Tạ ơn từ ngày thứ 5 cuối cùng lên ngày thứ 5 lần thứ 4 trong tháng 11, với mục đích kéo dài mùa mua sắm cuối năm. Bởi khi mùa mua sắm kéo dài, người ta sẽ chi tiêu nhiều hơn và thúc đẩy nền kinh tế đang khủng hoảng lúc bấy giờ. Đó chính là ý tưởng hình thành nên Black Friday.

Trong khi một nguồn tin khác lại cho rằng Black Friday có xuất xứ từ tình trạng tắc nghẽn giao thông xảy ra vào ngày Thứ 6 sau lễ Tạ ơn năm 1965 tại Philadelphia, khi hàng trăm nghìn người Mỹ chen chúc nhau ở các con phố, vỉa hè để mua sắm đồ cho lễ Noel sắp đến.

Doanh số khổng lồ

Năm ngoái, ước tính có đến 225.000.000 người mua sắm trong ngày Black Friday và tổng chi tiêu lên tới 11,4 tỷ USD. Có người còn phải chờ từ 4h sáng để mong có thể “tậu” cho mình một món đồ giá rẻ như cho không. Thậm chí có người dựng lều trước lối vào khu mua sắm chri hy vọng là khách hàng đầu tiên mua được tivi với mức giá rẻ nhất.

Doanh số bán hàng online trong ngày Black Friday ở Anh năm 2014 là 810 triệu bảng, tức là mỗi giây, khách sẽ chi khoảng 9.375 bảng. Telegraph dự kiến, doanh số bán hàng online tại quốc gia này năm nay của ngày mua sắm sẽ vượt 1 tỷ bảng, trong khi con số cho cả kỳ nghỉ cuối tuần sẽ phải đạt tới 3,5 tỷ bảng.


Doanh số bán hàng trong 3 ngày cuối tuần của dịp Black Friday trên toàn cầu khi đó lên tới hơn 50 tỷ USD

1/3 dân số Mỹ đổ ra đường vì Black Friday


Theo một nghiên cứu mới từ các Hiệp hội người tiêu dùng điện tử, cứ ba người thì có một người Mỹ (37%) sẽ ra ngoài để mua sắm trong ngày Black Friday

Đa số hàng là hàng cũ và hàng thanh lý

Nghiên cứu mới công bố bởi website NerdWalle While cho thấy có tới 93% các cửa hàng bán lẻ tại Mỹ được khảo sát đang mời chào khách hàng của họ bằng những sản phẩm cũ với cùng mức giá giảm như năm ngoái.

Năm 2013, báo chí Mỹ phanh phui vụ Amazon rao giảm giá 40% với chiếc tivi Samsung 60-inch HDTV từ mức giá ban đầu là 1.799,99 USD trong tháng 11, trong khi giá thực tế của sản phẩm trong tháng 10 chỉ là 997,99 USD. Thậm chí, để tránh bị điều tra giá, những hãng bán lẻ lớn như Walmart, Target còn có những sản phẩm như tivi hoặc một số thiết bị điện tử khác được sản xuất đặc biệt dành để bán riêng trong ngày này với mức giá rất mềm, nhưng chất lượng kém hơn nhiều.

Tẩy chay Black Friday

Một sự thật là nhiều người nước ngoài thậm chí không thích sự tồn tại của Black Friday. Lý do là bởi việc chen lấn xô đẩy, lao vào những siêu thị, cửa hàng để mua đồ giảm giá khiến họ cảm thấy mệt mỏi và làm xấu đi hình ảnh nước Mỹ. Họ từng kêu gọi lập nên “No Shopping Day”, tức là ngày không mua sắm để tẩy chay “Black Friday”.

Điển hình có thể kể đến vụ dẵm đạp năm 2008, một nhân viên thời vụ tại siêu thị Walmart ở Long Island đã bị đám đông khách hàng dẵm đạp đến chết khi đang làm nhiệm vụ thiết lập rào chắn. Còn năm 2011, đám đông mua sắm điên cuồng đã vô tâm bước qua một người đàn ông gục trên sàn vì lên cơn trụy tim tại siêu thị Target.

Ngày thứ 6 đen tối sẽ biến mất?

Theo thống kê, 33 triệu người Mỹ cũng cho biết, họ đã lên kế hoạch mua sắm ngay sau khi thưởng thức món gà tây trong lễ Tạ ơn. Nghĩa là rất có thể trong thời gian tới, người ta sẽ sử dụng thuật ngữ “Ngày thứ 5 xám xịt” (Grey Thursday) thay cho “Ngày thứ 6 đen tối”.

Trong tiếng Anh có thuật ngữ "in the black" chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận. Tương phản với "in the black" là "in the red" chỉ tình trạng kinh doanh thua lỗ, buôn bán thất bát. Ngày xưa, để tiện phân biệt và theo dõi sổ sách, kế toán thường ghi số lợi nhuận bằng mực đen, số lỗ bằng mực đỏ. Từ đó, người ta đặt tên ngày mua sắm lớn nhất trong năm là Black Friday, ngụ ý rằng đây là ngày ăn nên làm ra của các doanh nghiệp.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU