Nếu bạn ở Việt Nam và lại đang nuôi một đứa con còi thì thực sự bạn phải tham gia vào một cuộc chiến. Vào những năm đầu tiên, bạn phải đấu tranh với bản thân: nhồi ăn thật nhiều hay là để cho con tự giác lựa chọn, uống thuốc bổ hay là để con phát triển tự nhiên, chế độ ăn nhiều dinh dưỡng hay thanh đạm để dễ hấp thu. Sau khi bạn đã yên lòng chấp nhận là con bạn rất là còi, vô phương cứu chữa và tự an ủi là con mình nhanh nhẹn, vận động tốt, có thể ăn thoải mái mà không lo béo phì hay dậy thì sớm, bạn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khác, với những người không thừa nhận còi là một ưu điểm. Và đứa trẻ của bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều những ánh mắt thương hại, hoặc dè bỉu, hoặc khinh thường, những lời nói dễ gây tổn thương như: Còi thế này không biết có làm được không, Mẹ ăn hết phần con rồi à, Chắc con lười ăn lắm phải không…
Đứa trẻ của bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều những ánh mắt thương hại, hoặc dè bỉu, hoặc khinh thường, những lời nói dễ gây tổn thương... (Ảnh minh họa).
Những ánh mắt thương hại cũng như những lời nói đó nhiều khi có sức công phá lớn đến mức mà những người lớn vô tâm không bao giờ nghĩ tới, nó xoáy vào điểm dễ tổn thương của đứa trẻ, thậm chí khiến cho con trở nên ngại ngùng trước đám đông, tự ti về ngoại hình của mình.
Là một người mẹ có hai con trai rất còi, tôi thường xuyên ở trong tình thế này. Ban đầu, tôi cũng cảm thấy xấu hổ vì nghĩ rằng mình thật là một người mẹ tồi, không biết chăm sóc con cái. Để khỏa lấp nỗi xấu hổ đó của bản thân, tôi cũng đã tìm mọi cách để ép con ăn nhiều hơn, thậm chí có lúc cảm thấy giận dữ và bất lực vì càng ép thì con càng lười ăn. Sau rất nhiều đấu tranh gian khổ và cam go, cuối cùng tôi đã quyết định rằng: MẸ SẼ ĐỨNG VỀ PHÍA CON NẾU CON CÒI.
Mỗi lần có ai đó chê con còi trước mặt con, là tôi đều nói: "Con trông thế thôi nhưng ăn cực khỏe, có thể bơi liên tục 80m và luôn đứng đầu trong lớp Taekondo. Không tin bác thử vật tay với cháu xem". Còn bố bé thì luôn giở bài quen thuộc: "Cây chuối thì lớn rất nhanh nhưng cây lim cây sến trong rừng thì lâu lớn lắm, nhưng mà gỗ của nó là gỗ quí đấy".
Nhiều lần như vậy, con đã thôi không còn thiếu tự tin về hình dáng của mình. Con say mê chơi bóng đá, tập Taekondo, bơi lội, đu xà, con luôn ga lăng giúp mẹ xách đồ, kê bàn kê ghế giúp cô, được các bạn rất ngưỡng mộ và thừa nhận là khỏe nhất lớp, được làm đội trưởng đội bóng đá và luôn được giải thưởng trong các kì thi Teakondo. Con đã hiểu rằng sức mạnh của con không nằm ở dáng vẻ bề ngoài, mà nằm ở ý chí, nội lực và con hoàn toàn có thể có sức mạnh bằng luyện tập.
Khi có một đứa con không xinh đẹp, giỏi giang, xuất chúng, tôi hiểu rằng mình phải trở thành một tấm khiên che. Mỗi khi có một trăm lời nói bên ngoài của những người xa lạ xoáy vào những điểm yếu của con, giống như những mũi tên tạo nên những vết thương trong tinh thần con, khiến cho con cảm thấy đau, thì tôi cần phải là người giúp con tự nhổ đi những mũi tên ấy, không để nó găm sâu vào trái tim mình, và tôi phải làm cho tấm khiên của tôi dày hơn, bằng cách nói với con hàng nghìn lần rằng con thật là mạnh mẽ, con có thể tự tìm thấy sức mạnh của chính mình, con cần phải có niềm tin vào sự tốt đẹp và mạnh mẽ của bản thân.
Khi có một đứa con không xinh đẹp, giỏi giang, xuất chúng, tôi hiểu rằng mình phải trở thành một tấm khiên che (Ảnh minh họa).
Người thốt ra những lời chê bai, thương xót đó thật ra không có lỗi. Tuy nhiên, họ đã không hiểu được rằng lời nói có thể lập trình nên tư duy. Sự lặp lại của lời nói bên ngoài nhiều tới một mức nào đó sẽ chuyển hóa thành tiếng nói bên trong của một đứa trẻ. Một đứa trẻ ngày nào cũng được nghe ông bà bố mẹ nói: mày là thằng vô tích sự sẽ nghĩ mình vô tích sự và đến một lúc nào đó, chúng sẽ hành xử y hệt như một kẻ vô tích sự. Đứa trẻ được đối xử như một học sinh cá biệt, bị cách ly khỏi mọi người, không được quan tâm chú ý đến, hoặc luôn được dán nhãn hư hỏng, sẽ tin rằng mình thật sự hư hỏng, vì thế sẽ có xu hướng hành xử như một kẻ hư hỏng.
Đứa trẻ chưa đủ khả năng tự nhận thức về bản thân, và sự hình dung của chúng về căn tính của bản thân phụ thuộc phần lớn vào lời nói của người khác. Chúng soi vào vô vàn các lời nói giống như soi vào một tấm gương để kiến tạo nên bản thân mình. Vì thế, lời nói không phải là gươm đao, nhưng nó có sức mạnh chẳng khác nào gươm đao. Lời nói không phải là gông cùm xiềng xích, nhưng nó có thể trói buộc và đeo đẳng đứa trẻ cả cuộc đời.
Đứa trẻ ngây thơ và hồn nhiên hơn chúng ta, và rủi thay, vì sự ngây thơ và trong sáng đó mà chúng luôn rất tin vào những lời nói của người lớn. Nhưng đứa trẻ lại yếu đuối và mong manh biết bao nên chúng cũng dễ tổn thương biết bao. Cùng một lời nói, một hành xử, với người lớn nhiều khi chỉ là một lời bông đùa, nhưng nó có thể dội vào đứa trẻ rất lâu sau đó, có thể trở thành một nỗi ám ảnh không nguôi khi nghĩ về bản thân.
Trẻ cần được sống trong một môi trường an toàn về ngôn ngữ, nơi đứa trẻ được bao bọc và che chở khỏi những lời nói gây đau đớn, bằng một lớp áo giáp của những lời nói tin cậy, cảm thông và yêu thương (Ảnh minh họa).
Chúng ta thường tìm mọi cách để đảm bảo an toàn cho con, đặc biệt là an toàn về thân thể. Chúng ta cũng thường tránh làm tổn thương đứa trẻ, đặc biệt là những tổn thương về thân thể. Nhưng một môi trường an toàn cho đứa trẻ còn rộng hơn thế. Ngoài việc giữ an toàn về thân thể, trẻ còn cần được sống trong một môi trường an toàn về ngôn ngữ, nơi đứa trẻ được bao bọc và che chở khỏi những lời nói gây đau đớn, bằng một lớp áo giáp của những lời nói tin cậy, cảm thông và yêu thương.
Nếu không có ai giúp con tạo nên lớp áo giáp đó, thì tôi hiểu mình phải làm điều đó, chính mình chứ không phải ai khác, phải giúp con tạo nên tấm áo giáp của bản thân mình, bằng những lời nói và suy nghĩ tích cực, bằng sự hiểu biết và niềm tin sâu sắc vào con cái.
Mẹ sẽ đứng về phía con nếu con còi. Mẹ vẫn sẽ đứng về phía con nếu con học kém. Mẹ sẽ đứng về phía con nếu chẳng may con hư hỏng. Mẹ sẽ đứng về phía con ngay cả khi không ai thừa nhận con là một đứa trẻ mạnh mẽ, giỏi giang và nhân ái. Vì chỉ có mẹ mới biết được những phẩm chất tốt đẹp đó vẫn ẩn sâu đâu đó trong cơ thể con, trong trái tim con.
Theo Trí thức trẻ