Cuộc đời nô lệ của cậu bé người Việt bị bán sang Anh trồng cần sa: Bị bắt cóc, tấn công tình dục và những sang chấn tâm lý kinh hoàng

Minh, một cậu bé người Việt 16 tuổi, bị bắt cóc, cưỡng hiếp và bị đem bán ở Anh, sau đó cậu bị nhốt và buộc phải tham gia trồng cần sa. Khi cảnh sát tìm thấy Minh, cậu bị đối xử như một tên tội phạm thay vì là một nạn nhân.

Ngày 25/10/2013, khi cảnh sát đến phá cánh cửa của một ngôi nhà hoang hai tầng ở Chesterfield và phát hiện ra bên trong ngôi nhà là một trang trại cần sa với hàng chục cây được nuôi trồng với đèn và thiết bị điện cùng một cậu bé Việt Nam. 

Cậu bé ngủ trên nệm của phòng khách khi cuộc đột kích của cảnh sát bắt đầu. Cậu giật mình tỉnh giấc vì tiếng động mạnh va vào cửa và tiếng gỗ vỡ vụn ở bên ngoài. Ngôi nhà đã rất lâu không có tiếng người và ánh sáng tự nhiên, bỗng trở nên ồn ào với những tiếng la hét và bước chân rầm rập. Minh (không phải tên thật) lùi lại một góc khi bị bao vây bởi cảnh sát, những người hỏi cậu bằng thứ tiếng mà cậu không thể hiểu được. 

Minh nhớ lại khoảnh khắc đó và nói rằng: "Tôi rất sợ những người đàn ông này. Nhưng sau đó tôi bình tĩnh hơn và tin rằng họ đến để giải cứu tôi."

Minh là một trong hàng trăm trẻ em Việt Nam bị bắt cóc và buộc phải làm việc trong các trang trại cần sa bí mật trên khắp vương quốc Anh dưới hình thức nô lệ hiện đại. Những đứa trẻ như Minh là tài sản quý giá cho những người điều hành các trang trại cần sa: giá rẻ, dễ kiểm soát và có thể đe dọa được.

Theo ước tính, có khoảng 13.000 cá nhân đã trở thành nô lệ hiện đại trên khắp nước Anh, và số người Việt chiếm thứ 3 trong nhóm các nạn nhân. Thêm nữa, hơn một nửa trong số đó dưới 18 tuổi. 

Trong 3 năm trở lại đây, chính phủ Anh đã xác nhận có đến 491 trẻ vị thành niên Việt Nam có khả năng là nạn nhân của việc buôn bán trẻ em, phần lớn chúng là những cậu bé tuổi vị thành niên bị bắt phải trồng và chăm sóc những cây cần sa. Con số này chỉ thống kê những người đã được tìm thấy, còn theo ước tính có hàng ngàn người khác đang làm việc trong những trang trại bí mật ở vùng ngoại ô, nhà hoang, nhà kho hay các khu công nghiệp vô chủ. Những người khác thì bị buộc phải làm việc trong quán bar, nhà thổ, nhà hàng hay giúp việc.

Cuộc đời nô lệ của cậu bé Việt trên Vương quốc Anh

Minh đến Anh khi mới 16 tuổi. Khi đặt chân đến đây, cậu không hề biết mình đang ở đâu, cậu chỉ biết rằng cậu ở đây để làm việc. Kí ức về 3 tháng bị nhốt trong nhà đã phai dần và bị bóp méo bởi nỗi sợ hãi, sự cô đơn, căng thẳng. Trong nhiều tháng, cậu chỉ tiếp xúc với một vài người đàn ông Việt Nam. Những người này cứ khoảng vài tuần sẽ đến kiểm tra xem cậu có chăm sóc cây đúng cách hay không. Họ hầu như không nói chuyện mà chỉ để lại những hộp thịt đông lạnh cho cậu hâm nóng trong lò vi sóng để ăn qua ngày.

Những người đàn ông này luôn khóa cửa giam cậu lại một mình sau khi họ bỏ đi. Trong căn nhà thiếu ánh sáng mặt trời, ngày hòa vào đêm và cậu thui thủi trong bóng tối mỗi ngày, Minh lúc nào cũng đói và luôn sợ hết thức ăn. Ngoài ra, cậu ý thức rõ rằng mình sẽ gặp rắc rối như nào nếu những cây cần sa chết.

Một lần, Minh cố gắng trốn thoát nhưng đã bị bắt lại và được đưa trở lại căn nhà hoang. Cậu hiểu rằng mình sẽ bị giết nếu cố gắng trốn thoát một lần nữa. Cuộc sống của Minh giống như ở một thế giới khác, cậu không thực sự cảm nhận được con người và rất nhanh chóng, Minh hiểu rằng những cái cây mà cậu đang chăm sóc còn có giá trị hơn cuộc sống của mình.

Ngày cảnh sát đột kích căn nhà đánh dấu sự kết thúc kiếp nô lệ của Minh và giải thoát cậu khỏi những kẻ buôn người. Nhưng thử thách dành cho cậu vẫn chưa kết thúc. Thay vào đó, Minh trở thành tội phạm buôn ma túy chứ không phải là nạn nhân của những kẻ buôn người.

Cuộc sống của Minh khi ở Việt Nam và chuyến di cư bất hợp pháp đến Anh

Cuộc đấu tranh cho công lý của Minh đã dẫn đến một cuộc chiến ở tòa án tối cao, đặt ra những câu hỏi đau đớn và sâu sắc về cách Vương quốc Anh đối xử với những đứa trẻ nước ngoài là nạn nhân của việc buôn bán nô lệ.

Được biết, Minh sinh ra trong một ngôi làng nhỏ nghèo khó ở miền nam Việt Nam. Mẹ và cha cậu là những người nông dân, gia đình chỉ trồng đủ lúa để nuôi cả 3 người. Năm 16 tuổi, Minh khao khát được thoát khỏi cuộc sống bần cùng và khi cơ hội đến, cậu theo một vài người bạn lên phố lớn và không gặp lại cha mẹ kể từ đó.

Tại TP. HCM, Minh đã gặp bạn bè và họ đã đưa anh đến gặp những người đàn ông lớn tuổi. Những người này nói rằng họ biết cậu nghèo và cần một công việc, rồi họ đề nghị Minh có muốn đi Anh làm việc hay không. Bằng trực giác, cậu cảm thấy không tin tưởng những người này và nói rằng mình muốn về nhà. Minh tìm đến bạn bè để tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng không ngờ cậu lại bị kéo vào một căn phòng rồi bị tra tấn một cách dã man.

Vài ngày tiếp theo, Minh bị giam trong nhà, bị lạm dụng tình dục và bị hãm hiếp. Tiếp theo, Minh bị gán cho một khoản nợ là 20.000 bảng Anh cho chuyến đi Châu Âu mà cậu không hề nợ. Thêm vào đó, những người đàn ông còn đe dọa rằng chúng biết bố mẹ cậu sống ở đâu, nếu cậu không trả lại số tiền này, bố mẹ cậu sẽ gặp nguy hiểm.

Cuộc hành trình của Minh bắt đầu từ đó. Cậu đi xuyên qua Nga, đến Đông Âu rồi Pháp và kết thúc ở Chesterfield, Anh bằng một chiếc xe tải. Trong cuộc hành trình, Minh bị chuyển từ băng đảng này sang băng đảng khác, ngủ trong những căn hộ bẩn thỉu với hàng tá những trẻ em Việt Nam khác. Cậu bị đánh đập, bỏ đói và bị tấn công. Khi đến Anh, cậu không biết mình đang ở đâu, không quen một ai, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết và cậu trở nên hoảng loạn.

Sự khác biệt giữa di cư và buôn người bất hợp pháp

Các chuyên gia bảo vệ trẻ em cho biết sự khác biệt giữa di cư và buôn bán người bất hợp pháp là một điều mong manh. Mimi Vue, một chuyên gia tư vấn bảo vệ trẻ em cho biết: "Tôi đã phỏng vấn khoảng 40 trẻ em Việt Nam đã đi trên tuyến đường này và tất cả chúng đều không ngoại lệ. Có một niềm tin rất sâu xa rằng trách nhiệm hiếu thảo của họ là cung cấp cho gia đình và nợ là gánh nặng của họ. Nó mang lại cho những người đang tìm cách khai thác và kiếm lợi nhuận từ họ một đòn bẩy lớn.

Đây chỉ là những điều kiện chính để khai thác. Vào thời điểm này, những người duy nhất mà những đứa trẻ này biết và có thể dựa vào là những kẻ buôn người, những người hoàn toàn kiểm soát cuộc sống của họ.

Những đứa trẻ Việt Nam luôn bị buôn bán bất hợp pháp, nhưng cần sa là một ngành công nghiệp hoàn hảo để khai thác. Thật dễ dàng để che giấu ai đó trong một ngôi nhà trống, cảnh sát coi việc trồng cần sa là ưu tiên thấp, và nếu họ đột kích vào nhà, đứa trẻ thường quá kinh hoàng để chia sẻ bất cứ điều gì có giá trị với họ. Và họ đã vi phạm pháp luật, vì vậy họ sẽ trở thành tội phạm."

Khoảng thời gian bị giam cầm như một tội phạm và những trải nghiệm kinh hoàng của Minh

Khi bị bắt vào năm 2013, Minh không hé bất kì một lời nào với cảnh sát. Vì mới 16 tuổi, Minh được trả lại cho chính quyền địa phương để quản lý. Một nhân viên xã hội gửi cậu đến B&B ở ngoại ô Chesterfield và sau đó cậu được trả tự do.

Với số tiền là 30 Bảng Anh trong người, Minh lên xe buýt đến Sheffield. Minh cảm giác như mình đang ở trong một thành phố xa lạ. Sau đó, một cảm giác tội lỗi xuất hiện, lúc này cậu chỉ muốn được trở về nhà nhưng lại không biết làm sao để trở về.

Cậu lang thang vô định quanh Sheffield trong 2 ngày, ngồi trong công viên, nhặt thức ăn ra khỏi thùng rác và ngủ ở ga tàu. Đến ngày thứ 3, khi đang ngồi trên ghế đá công viên, cậu được một người đàn ông lớn tuổi Việt Nam tiếp cận, nói chuyện và mời ăn uống. 

Minh sau đó ở cùng với gia đình người đàn ông này trong hơn hai năm, di chuyển từ Sheffield đến Liverpool. Nhưng tất cả đã thay đổi vào tháng 2/2016, khi cậu bị bắt trong một cuộc đột kích nhập cư ở Liverpool.

Lần này, Minh nói với cảnh sát tất cả những gì xảy ra trong nhà trồng cần sa ở Chesterfield. Cảnh sát gọi cho Home Office, sau đó một quan chức nhập cư đã đến phỏng vấn và chuyển thông tin chi tiết của Minh cho NRM, nơi xác định và cung cấp sự bảo vệ cho các nạn nhân của nạn buôn người. Vài ngày sau, Bộ Nội vụ cho biết có cơ sở hợp lý để thấy rằng Minh là nạn nhân của nạn nô lệ.

Tại thời điểm đó, các cáo buộc hình sự của cậu bị đình chỉ, thế nhưng luật sư của Minh do không có kinh nghiệm về các vụ buôn người nên đã khuyên cậu nhận tội. Một tháng sau, vụ án của Minh ra tòa và cậu bị kết án 8 tháng tù giam tại nhà giam giữ phạm nhân trẻ Glen Parva với tội danh sản xuất cần sa.

Bị nhốt lại trong Glen Parva đã gây ra hậu quả nặng nề lên tinh thần của Minh. Trước khi nhà tù này đóng cửa vào năm 2017, Glen Parva nổi tiếng là một trong những nơi tồi tệ nhất của Vương Quốc Anh dùng để giam giữ con người. Đây được miêu tả là một nơi nguy hiểm, bẩn thỉu, thiếu nguồn lực và các tù nhân thường xuyên chia băng đảng, bị bắt nạt và sai khiến.

Minh khi đó bị nhốt trong phòng giam 21 giờ mỗi ngày. Cậu bị bắt nạt bởi cả tù nhân và nhân viên, không được cho ăn và bị lạm dụng. Có một số thanh niên Việt Nam khác cũng bị giam giữ ở đây, hầu hết trong số họ bị buộc tội trồng cần sa nhưng chẳng ai thoải mái với nhau.

Trong 4 tháng tù giam, Minh được công nhận là một tù nhân mẫu mực và sẽ được hưởng khoan hồng sớm. Nhưng 2 ngày trước khi được thả ra, Minh được thông báo rằng Bộ Nội vụ đã quyết định giam giữ cậu vô thời hạn dưới quyền lực nhập cư.

Tháng 6/2016, cậu bị đưa ra khỏi phòng giam với chiếc còng tay và tiếp tục bị giam giữ 13 tháng trong một trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép.

Sự thừa nhận sai lầm của Chính phủ và nỗ lực xóa bỏ tội danh cho Minh

Bây giờ, sau 6 năm khi Minh được tìm thấy tại trang trại cần sa ở Chesterfield, cảnh sát Derbyshire đã thừa nhận những lỗi nghiêm trọng của mình dẫn đến việc cậu bị giam giữ như một tội phạm. Các sĩ quan khi tìm thấy Minh đáng lẽ phải xác định cậu là một nạn nhân tiềm năng trong nạn buôn người.

Cách tiếp cận và nhận thức về chế độ nô lệ của cảnh sát Derbyshire đã thay đổi kể từ năm 2013, đặc biệt là sau khi Đạo luật nô lệ hiện đại của nước Anh ra đời năm 2015. Vì thế, ngày nay, bất kì một đứa trẻ nào được tìm thấy trong trang trại cần sa sẽ tự động được giải thoát và được liên hệ với tổ chức chăm sóc xã hội. Tuy nhiên, hiện nay trên khắp đất nước Anh, những đứa trẻ được tìm thấy trong các trang trại cần sa vẫn đang bị hình sự hóa.

Tháng 3/2017, Kate Macpherson, một luật sư thực tập sinh của công ty luật Duncan Lewis đã đến Brook House, một trung tâm di trú và gặp được Minh. Cô ngay lập tức nhận thấy Minh đang trong trạng thái đau khổ, khuôn mặt cậu tái nhợt và chân tay run rẩy, cơ thể nổi lên những nốt mẩn đỏ. Cậu không thể giao tiếp và ngay cả khi nói chuyện bằng tiếng Việt, cậu cũng không thể trả lời được những câu hỏi rất cơ bản. Thậm chí, cậu không thể giao tiếp được bằng mắt và cậu dường như hoàn toàn thu mình lại.

Sau đó, Kate Macpherson và đồng nghiệp của cô là Ahmed Aydeed đã nhiều lần đến gặp Minh để tìm hiểu những gì đã xảy ra với cậu kể từ khi cậu đặt chân đến Vương quốc Anh. Mặc dù dần dần cậu cũng đã tiết lộ câu chuyện của mình nhưng Aydeed vẫn cảm thấy có một điều gì đó thực sự khủng khiếp đã xảy đến với cậu trong thời gian bị giam giữ. Phải mất vài tuần họ mới có được lòng tin của Minh trước khi cậu tiết lộ toàn bộ câu chuyện.

Vào tháng 10/2016, một vài tháng sau khi bị chuyển đến trung tâm di trú Morton Hall, cậu bị một tù nhân khác tấn công tình dục. Cuối ngày, Minh gặp kẻ tấn công mình trong phòng ăn và một cuộc ẩu đả đã xảy ra. Khi được nhân viên ngăn lại, Minh đã thuật lại toàn bộ câu chuyện. Theo chính sách của Morton Hall, đáng lẽ họ phải lập tức mở một cuộc điều tra và báo cáo cuộc tấn công đó với cảnh sát, nhưng cuối cùng họ lại chẳng làm gì cả. 

Cuộc tấn công đó đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần vốn đã mong manh của Minh. Minh đã từng nói rằng: "Tôi cảm thấy như cuộc sống của mình đã kết thúc. Tôi hiểu ra rằng tôi không có được sự an toàn dù ở bất cứ đâu. Tôi đã rất sợ những tù nhân khác và càng sợ hãi hơn khi những chuyện như thế này sẽ lại xảy ra. Tôi cũng không thể tin tưởng rằng các nhân viên ở đó sẽ bảo vệ mình."

Sau những lời kể kinh hoàng đó, các luật sư đã yêu cầu Home Office xem xét lại trường hợp của Minh. Ngày 12/5/2017, Home Office chính thức xác nhận Minh là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, nhưng vẫn từ chối xóa bỏ tội danh của cậu.

Sau khi Minh được xác định là nạn nhân của nạn buôn người, Duncan Lewis đã đưa ra một đánh giá y tế độc lập. Tiến sĩ Frank Arnold của Forrest Medico-Legal Services, một chuyên gia toàn cầu, người giúp ghi lại những kinh nghiệm của các nạn nhân bị tra tấn, đã đến thăm Minh tại Brook House. Sau đó, Arnold đã viết một báo cáo kết luận rằng vết sẹo vật lý của Minh phù hợp với lịch sử lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục và cậu đang bị PTSD (Rối loạn stress sau sang chấn) cấp tính. Ông cũng báo cáo rằng Minh đã phải chịu thiệt hại đáng kể dưới bàn tay của những kẻ buôn người và Chính phủ Anh.

Sáng ngày 14/6/2017, Minh rời khỏi nhà tù nhập cư và được đưa đến một ngôi nhà an toàn. 

Sang chấn tâm lý và những nỗ lực trở lại với cuộc sống bình thường

Đã 3 năm 8 tháng sau khi được tự do, cậu đã luôn nỗ lực đấu tranh để thích nghi với cuộc sống hiện tại. Tuy có nhiều thanh niên Việt Nam khác tại ngôi nhà an toàn, nhưng cậu vẫn luôn trong trạng thái lo lắng cao độ vì suy nghĩ có thể ai đó sẽ đến và đưa cậu trở lại trại giam.

Rachel Thomas, một nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về sức khỏe tâm thần và chấn thương phức tạp, đã viết trong báo cáo của mình về trường hợp của Minh rằng: "Giấc ngủ của Minh bị giới hạn trong khoảng 4 giờ/ngày. Cậu bị đánh thức bởi những cơn ác mộng về việc bị tấn công và truy đuổi. Cậu bị ám ảnh bởi những kí ức về sự xâm phạm và những trải nghiệm của mình dưới bàn tay của kẻ buôn người. Cậu trở nên căng thẳng và đau khổ hơn sau khi bị giam giữ và đỉnh điểm là sau vụ bị lạm dụng tình dục ở Morton Hall."

Trong quá trình đánh giá, Minh đã tiết lộ một điều kinh khủng khác khiến bác sĩ Frank Arnold không thể tưởng tượng ra được, rằng sau cuộc tẩu thoát không thành khỏi nhà trồng cần sa ở Chesterfield, Minh bị những kẻ buôn người bắt giữ lại và cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục, đồng thời chúng cũng nói với cậu rằng chúng đã nhét thiết bị theo dõi vào cơ thể cảu cậu. 

Rachel Thomas nói rằng, ngay cả khi không có thiết bị theo dõi thật, tác động tâm lý lên Minh vẫn vô cùng lớn. Cho dù cậu có ở nơi nào an toàn và được xã hội công nhận là nạn nhân, cậu vẫn luôn tin rằng những kẻ buôn người đang kiểm soát tối đa cuộc sống của mình.

Sau khi Minh được thả ra, Aydeed và nhóm của Duncan Lewis đã tiến hành các thủ tục tố tụng pháp lý chống lại cả Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp vì đã không bảo vệ được Minh,và đã không mở một cuộc điều tra sau vụ tấn công tình dục tại Morton Hall. 

18 tháng tiếp theo, nhóm cũng đã theo đuổi một bản đánh giá tư pháp riêng đối với Home Office. Các luật sư lập luận rằng Minh là nạn nhân của nạn buôn bán người nhưng đã bị Home Office hình sự hóa và giam giữ bất hợp pháp trong suốt 4 năm, đồng thời cố gắng trục xuất cậu về Việt Nam trước khi vụ điều tra hình sự về buôn bán người của Minh được kết luận.

Đối với Minh, cuộc chiến vì công lý này vô cùng quan trọng. Cậu nói rằng: "Sau vụ tấn công tình dục, tôi như trở thành người khác. Tôi không biết mình là ai nữa nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ vẫn có cách để xây dựng lại cuộc sống của mình. Tôi đã từng nói rất nhiều và cười rất nhiều, tôi cũng từng muốn gặp gỡ mọi người và muốn được nhìn thấy mọi thứ, nhưng bây giờ tôi không còn cảm thấy như vậy nữa. Khi tôi nhìn vào gương, tôi thấy một người khác trong đó, một người mà tôi không nhận ra, già hơn và đau khổ hơn."

Tháng 6/2018, Home Office đã thừa nhận những gì họ đối xử với anh trong suốt thời gian qua là một sự bất công và sai lầm. Chính phủ cũng đã chấp nhận rằng họ giam giữ Minh bất hợp pháp trong tù. 

Tháng 11/2018, bản án của Minh về việc trồng cần sa đã bị hủy bỏ. Cậu không còn là tội phạm trong mắt chính quyền Anh. Đối với Minh, điều này giống như một sự tái sinh. Hiện tại, Minh đang cố gắng học lại cách sống của một người bình thường và đã tìm lại được một chút bình yên cho cuộc sống của mình. 

Hiện tại, Minh được chính phủ Anh cho phép được lưu lại đất nước vì những lo sợ cậu sẽ bị buôn bán trở lại hoặc bị giết bởi chính băng đảng đã khiến câu trở thành tội phạm. Cậu nói: "Tất cả những gì tôi có thể làm là cố gắng hy vọng. Cuộc sống của tôi khởi đầu không tốt nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ như thế mãi đối với tôi."

Bài viết được lược dịch theo bài báo Enslaved on a British cannabis farm: 'The plants were more valuable than my life' được đăng tải trên The Guardian ngày 26/7/2019.

 

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU