Dân chủ trong trường học: Vẫn còn "ông vua, bà chúa"?

(lamchame.vn) - Dù đa số nhà trường có quy chế dân chủ cơ sở nhưng thực trạng vi phạm vẫn tồn tại hoặc việc thực hiện mang tính hình thức, nửa vời.

Giờ học tại Trường Tiểu học Thụy Sơn (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Ảnh: NTCC

Chưa quyết liệt

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhận định: Thời gian qua, nhiều trường thực hiện tốt dân chủ trong trường học, coi đó như mục tiêu để xây dựng trường học hạnh phúc, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tình trạng mất dân chủ hiện nay không ít; còn những “ông vua”, “ông quan” trong trường học; hiệu trưởng nhà trường quản lý theo mệnh lệnh, thể hiện quyền uy…

Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ đầu tiên do chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện dân chủ trường học không được làm quyết liệt, đến nơi đến chốn. Các cấp quản lý giáo dục chưa coi đây là biện pháp quan trọng để nhà trường thay đổi, nâng cao chất lượng.

Chỉ khi học sinh được tôn trọng, giải phóng về tinh thần, tự do phát triển theo cách riêng; đội ngũ giáo viên thỏa sức phát huy tài năng; nhà trường tạo ra động lực cho cả thầy và trò sáng tạo trong giảng dạy, học tập, khi đó mới thực sự có chất lượng giáo dục bền vững. Cùng đó, bản thân lãnh đạo nhà trường cũng không thấy được lợi ích của thực hiện, quản lý theo dân chủ.

“Nếu hiệu trưởng coi mình là quan chức giáo dục thì không tránh khỏi quản lý áp đặt, mất dân chủ, hoặc dân chủ hình thức. Nhưng nếu người lãnh đạo đặt mình ở vị trí nhà giáo, nhà sư phạm, mong muốn thay đổi nhà trường thì thực hiện dân chủ trong trường học trở thành nhu cầu tự thân, không phải gồng lên để làm.

Tương tự với giáo viên, nếu thực sự là nhà sư phạm, thầy cô sẽ có cách giáo dục phù hợp trên cơ sở tôn trọng học trò, biết lắng nghe, không áp đặt. Ngoài hiệu trưởng, các cấp ủy Đảng cũng cần chú ý quán triệt quy định về dân chủ trường học. Nghị quyết 29-NQ/TW nhấn mạnh: Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng…”, TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi.

“Thực hiện dân chủ phải gắn với tự chủ trong nhà trường; nhà trường phải được tự chủ thì dân chủ mới ý nghĩa. Bởi khi tự chủ, nhà trường chú trọng xây dựng thương hiệu riêng, chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo, việc triển khai dân chủ sẽ không cần ép buộc mà xuất phát từ nhu cầu của quản lý, giáo viên. Đó cũng là cách thực hiện dân chủ trong trường học bền vững, thực chất nhất”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU